Dưa Hấu Quảng Bình Thắng To !

Cái nắng đầu tháng 5 khét lẹt, không một chút gió khiến ruộng dưa gần chục ha ở thị trấn nông trường Việt Trung (Bố Trạch-Quảng Bình) như bị nung nóng. Trên ruộng dưa, anh Nguyễn Hữu Nam (ở TK 1- thị trấn NT Việt Trung) vẫn đội nắng, miệt mài chọn dưa để thu hoạch cho kịp giờ thương lái đến ăn hàng.
Bế một quả dưa to trên tay, anh cười như xua cái mệt: “Giống Nông Việt này tôi trồng đã được mấy vụ nay rồi. Nắng suất cao và giá bán được. Năm nay, vụ dưa bà con trúng to, người nhiều lãi đến 150 triệu đồng/ha, người ít cũng cỡ 120 triệu”....
Được mùa lãi cao...
Vùng đất của Cty Việt Trung khoán cho từng hộ công nhân để trồng chăm sóc cao su. Khi cây cao su chưa khép tán thì diện tích này được nông dân thuê trồng dưa. Vào đầu vụ, anh Nam cùng một số bạn bè kéo nhau lên thuê đất ở đây. Vùng này rộng chừng chục ha, chia nhau mỗi nhà gần một ha rưỡi. Tất cả mọi người cùng dùng giống dưa Nông Việt. Anh Nam cho hay: “Thằng Nông Việt này có ưu thế là quả đều, nước ngọt. Quả nằm ở sát gốc và quả ở phần ngọn đều có kích cỡ tương tự nhau. Nhiều thương lái đều đánh tiếng mua loại dưa này và giá lúc nào cũng cao hơn giống dưa khác”.
Mọi người cho hay, vụ dưa này có chi phí cũng gần giống như năm trước. Mức đàu tư cả thảy khoảng 25-30 triệu đồng/ha. Hôm trước, anh Nam thu hoạch đợt đầu được chừng 20 tấn. bán cho bà Ba Hạnh (quê ở Bình Định) với giá 8.000 đồng/kg. được 160 triệu đồng. Trừ chi phí còn bỏ túi gọn 120 triệu đồng. Vài hôm nữa, anh thu hoạch đợt 2. “Đợt này còn khoảng 8 tấn quả, cũng thêm được trên 60 triệu đồng. Vị chi năm nay cũng trúng được 180 triệu”- anh Nam hồ hởi.
Cả sáng, gia đình anh Hoàng Văn Thức (TK4) tập trung chuyển dưa lên xe ô tô cho thương lái. Vụ này nhà làm được 1 ha. Năng suất đạt khoảng 15 tấn. Dưa bốc lên xe là thương lái trả tiền luôn, không thèm cò kè thêm bớt. Vừa chuyển dưa, anh Thức vừa kể: “Vụ này, nhà tôi cũng lãi chừng 120 triệu đồng/ha. Tôi dùng giống 755 nên giá cũng thấp hơn chút ít. Năm ngoái thì mất giá, lỗ nặng. năm nay vậy là thắng lới lớn rồi”.
Cũng như vùng thị trấn Việt Trung, vùng dưa xã Lý Trạch (Bố Trạch) cũng đang rộn ràng với vụ dưa trúng lớn. Ông Lê Văn Hiến (ở thôn 10- Lý Ninh), cho biết: “Do rét đậm, rét hại kéo dài, nên bà con các xã khác gieo trồng dưa hấu muộn hơn, hơn nữa do năm nay nhuận hai tháng 4 (âm lịch) nên lịch mùa vụ được tính kéo dài 1 tháng. Đối với người trồng dưa hấu Lý Trạch, để tránh vào mùa ào ạt như các năm trước, một số hộ trồng dưa hấu bàn bạc và đi đến thống nhất gieo sớm vụ dưa, hộ này nhìn hộ kia và cùng đồng loạt xuống giống”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc, nhưng bây giờ bà con ai nấy đều vui vì mùa dưa hấu trúng giá. Đầu vụ giá dưa 7.000 đòng/kg, sau đó lên 8.000 đồng rồi “lập đỉnh” ở giá 9.000 đồng.
Không những giá cao mà người dân ưng bán kiểu nào thì thương lái mua kiểu đó, nên việc thu hoạch dưa cũng khỏe hơn. Hiện tại các vựa dưa hấu ở các xã, các huyện khoảng 10 ngày nữa mới vào vụ thu hoạch rộ nên dưa hấu ở Lý Trạch thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Mỗi ha dưa đạt bình quân 12 đến 15 tấn, sau khi trừ mọi chi phí, người dân lãi từ 120 triệu đồng trở lên.
Ông Phan Thanh Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch: “Ở Quảng Bình, nếu muốn tăng diên tích trồng dưa thì ngành NN-PTNT cần khuyến khích, hướng dẫn cho bà con nông dân dịch chuyển mùa vụ bằng cách trồng dưa hấu gối vụ cách quãng thời gian. Chẳng hạn như khi xuống giống thì có thể rải ra kiểu xã này trồng cách xã kia 15 đến 20 ngày. Như vậy, khi vào vụ mùa thì tránh được việc dưa dội chợ, gây khủng hoảng thừa. Hướng đi này không phải dễ nhưng nhiều địa phương khác đã làm thành công tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng”.
Ông Phan Thanh Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch cho biết: “Vụ đông- xuân năm nay có gần 220 hộ trồng dưa trên diện tích khoảng 140 ha, bà con chủ yếu trồng giống dưa Thanh Mỹ Nhân, Thành Long, Bảo Long và Hắc Mỹ Nhân... thời gian canh tác của các giống dưa này ngắn hơn (khoảng 2,5 tháng). Đây là 4 giống dưa chịu nắng, cho năng suất cao lại rất được thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng vì dưa vỏ mỏng, màu đỏ tươi, ít hạt, thịt thơm, nhiều nước và có vị ngọt đặc biệt”. Cũng theo ông Hà, ước tính sản lượng dưa năm nay ở Lý Trạch đạt trên 1.700 tấn, với giá tính bình quân 7.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt gần 13 tỷ đồng.
Nhưng vẫn lo canh cánh...
Từ xưa nay, người nông dân Quảng Bình quen kiểu canh tác mùa nào trồng thứ ấy, do phụ thuộc vào nguồn nước tưới và vào ông trời, nên thường xảy ra tình trạng "thừa cung thiếu cầu" hoặc ngược lại. Đơn cử như vụ dưa hấu năm 2011, dưa cũng đạt năng suất từ 13-15 tấn/ha. Nhưng giá bán chỉ ở mức 2.5000 đồng/kg đầu vụ và sau đó giá còn rớt giá thảm hại. Đa phần bà con nông dân “chấp nhận” lỗ công, lỗ tiền đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu/ha. Sau vụ dưa chẳng ngọt ngào đó, nhiều hộ dân chán nản, không tiếp tục đầu tư trồng dưa, khiến diện tích vụ dưa hấu năm 2012 ở Bố Trạch giảm nhiều. Nghịch lý thay, năm nay giá dưa hấu lại đứng ở vị trí cao ngất ngưỡng, người trồng dưa lãi to, nhưng có nhiều hộ dân không dám liều mạng vì ...sợ dưa lỗ vốn như năm ngoái. Ai dè năm nay dưa hấu lại thắng to !
Có thể bạn quan tâm

Mô hình ương nuôi cá lóc giống thời gian gần đây phát triển rất mạnh ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân của tỉnh An Giang. Điều đáng lưu ý là ở nhiều vùng nông thôn đang rộ lên phong trào lấy đất nông nghiệp để đào ao, vuông thả cá lóc.

Sản lượng cà phê niên vụ này của Lâm Đồng dự kiến sẽ không đạt đến 350.000 tấn như kế hoạch. Có ý kiến cho rằng do thời tiết năm nay không thuận lợi nên năng suất cà phê niên vụ tới ở Lâm Đồng sẽ không cao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân.

Anh Trần Ngọc Yên nhà ở số 11/3 ấp 1 xã Xuân Thới Thượng có truyền thống trồng rau lâu đời với 3 cây chính là dưa leo, khổ qua và bông cải. Với diện tích 1 ha trồng rau, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm anh thu lãi khoảng 80 triệu.

Như vậy, Tổng lượng cá tra đã xuất từ đầu năm đến nay sang 133 quốc gia và vùng lãnh thổ được nâng lên 377.000 tấn, trị giá 1,132 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 3,2%. Trong đó, Mỹ, các nước EU, ASEAN tiêu thụ 59% lượng cá tra.

Rời Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với tấm bằng kỹ sư ngành thú y nhưng chị Phạm Thị Hậu, 31 tuổi ở xã Mỹ Yên (Đại Từ - Thái Nguyên) không xin vào làm ở các doanh nghiệp lớn hay cơ quan Nhà nước mà lại đam mê công việc của một khuyến nông viên. Bởi chị tâm niệm, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, ổn định đã là một niềm hạnh phúc...