Đưa Hàng Nông Sản Ra Nước Ngoài

Miệt mài đưa nông sản của nhà nông qua chế biến “made-in Quảng Ngãi” đi đến nhiều nước, những doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông sản. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, vừa được Bộ Công thương bình chọn.
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm
Nhiều năm liền, Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng nghìn hộ nông dân cả trong lẫn ngoài tỉnh. Nhưng điều làm nên thương hiệu tinh bột sắn APFCO uy tín trên thị trường trong và nước ngoài là bởi tập thể người lao động của công ty đã dày công tạo nên các dòng sản phẩm chất lượng, có độ ổn định cao.
Ông Ngô Văn Tươi-Phó Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, để nâng cao uy tín và đứng vững trên thị trường, công ty không ngừng đầu tư chiều sâu để nâng cấp sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tạo cho sản phẩm tinh bột mì vừa có giá trị gia tăng, vừa đa dạng sản phẩm, đảm bảo cho đầu ra, đáp ứng nhu cầu của các ngành có nhu cầu lớn về sản phẩm này.
Xác định hướng đi này, Công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới. Nhờ đó, hiện nay doanh nghiệp đã sản xuất tinh bột biến tính thành công.
“Công ty sẽ tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và củng cố, phát triển thị trường để đến năm 2020 sản phẩm tinh bột biến tính sẽ chiếm 50% sản lượng công ty sản xuất ra”-ông Tươi cho hay.
Hiện nay Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã mở rộng thị trường sang các nước Đài Loan, Malaysia, Indonesia, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc. Nhờ đó, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt con số kỷ lục: 84 triệu USD.
Đặc biệt năm 2013, sau thời gian thâm nhập thị trường Hàn Quốc, sản phẩm cồn thực phẩm của công ty đã được thị trường này chấp nhận. Và con số 10.000m3 cồn thực phẩm được xuất khẩu sang thị trường khó tính này mở ra triển vọng xuất khẩu mới đối với các sản phẩm của công ty.
Chú trọng xúc tiến thị trường
Đầu tư tại KKT Dung Quất, dự án Nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại & Đầu tư Tam Minh được trang bị công nghệ chế biến gỗ hiện đại nhập khẩu từ Ý, Đài Loan. Tuy nhiên, giai đoạn “khởi động”, công ty gặp không ít khó khăn (thời điểm kinh tế thế giới khủng hoảng).
Để “sống được” trong giai đoạn khó khăn này, năm 2009. Nhà máy mở rộng sản xuất sản phẩm dăm gỗ khi mặt hàng này có nhu cầu lớn. Một mặt để doanh nghiệp “cầm hơi”, một mặt công ty kiên trì công tác xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài.
Ông Lưu Tuấn Anh-Giám đốc Công ty không ngần ngại chia sẻ, dù gặp không ít khó khăn nhưng công ty vẫn thu hút đội ngũ marketting có kinh nghiệm, từng làm ở các công ty lớn, đồng thời tự bỏ kinh phí để đội ngũ này thực hiện các chuyến xúc tiến thương mại ở nước ngoài nhằm chủ động tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, công ty luôn tham gia Hội chợ Bogar tại Cộng hòa Liên bang Đức để triển lãm các sản phẩm gỗ.
“Mỗi lần tham gia hội chợ quốc tế, Công ty đã giới thiệu hàng chục sản phẩm bàn, ghế gỗ, các vật dụng từ gỗ phục vụ sinh hoạt ngoài trời. Và điều quan trọng nữa là mình học hỏi được kỹ thuật chế tác, yếu tố thẩm mỹ từ các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời tìm hiểu, tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Nhờ đó doanh nghiệp đã có thị trường xuất khẩu khá ổn định, có khách hàng ký đơn hàng có giá trị trên 1 triệu USD”-ông Lưu Tuấn Anh cho hay.
Hiện nay, Tam Minh đang là một trong số những doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ uy tín tại khu vực miền Trung tạo được uy tín trên thị trường một số nước. Nhiều khách hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã ký đơn hàng nhập khẩu sản phẩm dăm gỗ của Tam Minh.
Trong khi đó, các sản phẩm đồ gỗ chế biến của công ty đã có mặt không chỉ ở Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Cộng hòa Séc, Estonia mà đã sang Canada, Úc, Nhật Bản… Bằng những nỗ lực không ngừng, năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Đầu tư Tam Minh đã được vinh dự xếp hạng thứ 12 trong số 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhanh nhất năm 2012 (VN Fast 500). Đến năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Tam Minh đạt khoảng 16 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi tôm hùm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang đối mặt với vấn đề khan hiếm nguồn giống. Theo nhiều người nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, địa phương có số lượng người nuôi lớn nhất huyện, số tôm giống vào thời điểm này chỉ bằng 1/10 so với cùng thời điểm năm trước.

Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào vụ nuôi tôm mới.

Thời tiết nắng liên tục thuận lợi cho thương lái ở xã Mỹ Đức (An Giang) trong việc phơi ớt khô bán sang Campuchia. Chị Nguyễn Ngọc Hiền, một thương lái có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề phơi ớt khô, cho biết: Gia đình chị đang phơi khoảng 15 tấn ớt. Ớt tươi được mua với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg và phơi trong 7 ngày nắng là có thể bán cho các thương lái với giá dao động từ 56.000 - 60.000 đồng/kg. Ước tính bình quân mỗi ký ớt khô thu lãi từ 1.500 - 2.000 đồng. Một tấn ớt khô thương lái thu lãi khoảng 1,5 - 2 triệu đồng.

Cá bống tượng đang là một trong những loài thủy sản được người dân trong tỉnh Hậu Giang chuộng nuôi, vì giá bán trên thị trường cao hơn nhiều so với các loài khác. Tuy nhiên, lợi nhuận mà người nuôi thu được từ cá bống tượng hiện tại vẫn chưa cao, do những hạn chế về con giống.

Năm nay, tuy năng suất mì thấp hơn so với năm ngoái nhưng giá thu mua tăng nên nông dân trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vẫn có lãi.