Đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất

Đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao phục vụ du lịch và tiêu dùng ở tỉnh Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá. Đề tài do Thạc sĩ Hồ Sĩ Công (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ) làm chủ nhiệm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì; kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó gần 808 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp khoa học, hơn 190 triệu đồng đối ứng của người dân.
Theo nhóm thực hiện đề tài, diện tích trồng lúa của Khánh Hòa chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị đất, một trong những hướng ưu tiên lựa chọn là chuyển đổi từ sản xuất lúa theo hướng năng suất sang sản xuất lúa chất lượng cao, vì giá lúa sẽ cao hơn trong khi năng suất không giảm sút nhiều (năng suất lúa bình quân của Khánh Hòa khoảng 5,5 tấn/ha, lúa chất lượng cao ở nhiều nơi khoảng 4,5 tấn/ha).
Tại Khánh Hòa, phần lớn diện tích trồng lúa gieo sạ giống theo hướng năng suất, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng gạo.
Khi tiến hành điều tra thị hiếu sử dụng gạo chất lượng cao tại Nha Trang, Cam Ranh và Ninh Hòa, đề tài đã xác định nhu cầu gạo chất lượng cao phải hội đủ các đặc tính: hạt dài, gạo trong, thơm, không dẻo; sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, giảm thiểu dư lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm; giá thành rẻ; ngoài chất lượng cơm ngon, cần chú ý đến tỷ lệ gạo nguyên cao và độ bóng.
Qua gần 3 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã xác định 2 giống lúa thơm OM4900, OM7347 và 1 giống lúa chất lượng cao thuộc nhóm gạo trắng hạt dài - OM6976 có nhiều ưu điểm về năng suất, chất lượng. Giống OM4900 có thời gian sinh trưởng 110 ngày vụ đông xuân, 96 ngày vụ hè thu; năng suất đạt gần 6 đến 6,9 tấn/ha. Giống OM7347 có thời gian sinh trưởng 109 ngày vụ đông xuân, 98 ngày vụ hè thu; năng suất hơn 5,7 đến 6,8 tấn/ha. 2 giống lúa này có hạt gạo dài, trắng, cơm mềm, vị ngon.
So với giống đối chứng ML202, năng suất tương đương, nhưng 2 giống lúa thơm có chất lượng cao nên giá bán cao hơn 800 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm hơn 3 triệu đồng/ha. Giống OM6976 có thời gian sinh trưởng 108 ngày vụ đông xuân, 99 ngày vụ hè thu; năng suất hơn 6,1 đến hơn 7,1 tấn/ha.
Đề tài đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm; thí nghiệm nghiên cứu hoàn thiện quy trình chế biến gạo chất lượng cao ở Khánh Hòa; xây dựng thành công mô hình trình diễn ở Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (Ninh Hòa).
Đề tài đã tập huấn kỹ thuật cho 100 nông dân, tổ chức 2 hội thảo đầu bờ để đại biểu và nông dân tham quan kết quả trình diễn giống và quy trình kỹ thuật áp dụng; tiến hành xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng cao Ngọc Quang từ 3 giống lúa mới được tuyển chọn.
Theo Thạc sĩ Hồ Sĩ Công, nhóm thực hiện đề tài đã gửi mẫu gạo OM4900 và OM7347 đến 50 nhà hàng, tiệm cơm; 6 đại lý mua bán gạo và 144 hộ dân trên địa bàn 6 huyện, thị xã. Kết quả, đa số người tiêu dùng ưa thích mùi thơm, độ trắng, mềm và ngon cơm. Tuy nhiên, điểm hạn chế của mẫu gạo này là độ bóng cơm khi nấu chín, cơm hơi dẻo, màu sắc gạo hơi đục.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Thạc sĩ Hồ Sĩ Công đề nghị, cơ quan chức năng sớm đưa 3 giống lúa trên vào sản xuất; công nhận và cho phép ứng dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng an toàn thực phẩm, quy trình chế biến gạo chất lượng cao và nhãn hiệu gạo chất lượng cao Ngọc Quang.
Đồng thời, đề nghị hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang về chủ trương để quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng, ưu tiên đầu tư nguồn vốn khuyến công để xây dựng hệ thống sấy, dây chuyền xay xát khép kín có công suất và chất lượng phù hợp.
Có thể bạn quan tâm

Mắc ca là loại cây công nghiệp mới bắt đầu phát triển vào giữa thế kỷ 20 tại Úc, Mỹ, sau đó mở rộng ra một số nước khác như Nam Phi, Guatemala, Nigeria, diện tích trồng trọt đến nay trên toàn thế giới mới đạt 80.000 ha (2014).

Cũng từ đây các cán bộ di truyền giống đã lai tạo chọn lọc thành công một giống lúa cao sản ngắn ngày, trồng được ba vụ trong năm trong tất cả các vùng sinh thái đồng bằng: hạt rất dài (> 7,5 mm), chất lượng cơm không thua kém các giống lúa mùa địa phương quang cảm ở thượng nguồn Mekong (Thái Lan, Campuchia).

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc, hóa chất xử lý môi trường ao nuôi cũng thường xuyên hơn trong suốt vụ nuôi. Tuy nhiên, người ta chưa quan tâm các ảnh hưởng của nó đến sức khỏe người sử dụng và có những biện pháp phòng trừ.

Hơn 150 con bò sữa nhập ngoại cùng hơn 2 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ phát triển đã được đổ về thí điểm ở 4 huyện gồm Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng và Thanh Liêm. Đến năm 2006, đàn bò sữa ở Hà Nam đã có lúc tăng lên gần 400 con.

Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.