Dự Báo Dịch Bệnh, Tại Sao Không?

Dịch cúm gia cầm lại tái bùng phát trên diện rộng gây nhiều thiệt hại về người và của, hàng loạt tỉnh, thành phố đang tỏ ra lúng túng khi phải đối mặt với loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này. Để phòng dịch, nhiều năm qua chúng ta chỉ biết trông chờ vào vacxin. Tiêm thật nhiều, tiêm triệt để tất cả các loại gia cầm với hy vọng hạn chế tối đa khả năng bùng phát dịch. Tuy nhiên, việc sử dụng vacxin tốn kém đến hàng ngàn tỉ cũng không thể đem lại hiệu quả như mong muốn bởi chủng virus cúm gia cầm biến đổi không ngừng từ H5N1, H5N2 đến H5N7… luôn đòi hỏi phải tìm ra loại vacxin tương ứng. Nhưng cho dù sử dụng đúng chủng loại vacxin thì giải pháp này cũng chỉ đảm bảo phòng ngừa từ 60-80%. Trường hợp xấu nhất, trong tỉ lệ phần trăm còn lại, dịch có khả năng xảy ra ở đâu, thời điểm nào, không ai biết. Điều đó cho thấy việc tiêm vacxin phòng cúm gia cầm chưa phải là giải pháp tối ưu. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, Mĩ, Pháp… thì không nên dựa hoàn toàn vào vacxin để phòng chống cúm gia cầm mà cần quan tâm nhiều hơn đến công tác dự báo các nhóm yếu tố có khả năng gây bùng phát dịch để ngăn chặn.
Tiến sĩ Chu Văn Thanh – Trưởng phòng khoa học Viện Thú y cho biết, bằng những phương pháp khoa học ta có thể phân tích được những nhóm yếu tố nguy cơ gây các loại dịch bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng. Thông thường, tại một ổ dịch bùng phát, rất khó để xác định được nguyên nhân gây dịch là do lây nhiễm trên đường vận chuyển, vacxin sai chủng hay tồn dư virus trong tự nhiên vậy nên trong công tác phòng chống cũng như xử lí dịch bệnh chúng ta bị lâm vào thế bị động và xử lí sai trọng tâm. Muốn khắc phục tình trạng này cần phân chia các yếu tố nguy cơ gây dịch bệnh thành 3 nhóm: Môi trường, Kinh tế xã hội và Kĩ thuật. Trong đó, nhóm môi trường sẽ tập trung chủ yếu vào điều kiện nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió của từng tháng, từng năm trong từng khu vực sinh thái để xác định thời điểm khí hậu thích hợp nhất cho virus phát triển.
Nhóm KTXH, sẽ xét đến tình hình chăn nuôi tổng thể từ nguồn cung con giống, phương thức, mục đích chăn nuôi, ý thức phòng chống dịch. Nhóm thứ ba là nhóm kĩ thuật xét đến vacxin có tương đồng với cấu trúc kháng nguyên và nghiệp vụ chẩn đoán từ đơn giản đến hiện đại. Trên cơ sở các nhóm yếu tố này, áp dụng vào thực tiễn người ta sẽ lấy số liệu của từng địa phương và đưa vào xử lí qua phần mềm ứng dụng COESTAR để sắp đặt ra các yếu tố từ 1-n theo thứ tự quan trọng. Phương pháp này sẽ giúp Chi cục Thú y địa phương và chính quyền cơ sở xác định lập tức những yếu tố nguy cơ hàng đầu và đưa ra các giải pháp để triệt tiêu.
Tháng 10-2011, Viện Thú y – Bộ NN-PTNT đã phối hợp với tập đoàn Rockeffeller của Mĩ thí điểm dự án Dự báo – phòng chống dịch tại Lạng Sơn, là tỉnh biên giới, có khí hậu thuận lợi cho virus cúm gia cầm. Nhiều lớp tập huấn đã được tổ chức nhằm làm thay đổi nhận thức về phòng, chống dịch cho các cán bộ thú y tại Chi cục và cơ sở. Người chăn nuôi cũng được truyền đạt kiến thức để giảm thiểu các điều kiện giúp virus cúm gia cầm phát triển. Khi thời tiết lạnh giá, người dân đã tự ý thức phải che chắn, tăng cường phun khử trùng tiêu độc tại chuồng trại. Ở các chốt kiểm dịch ngoài việc kiểm tra lâm sàng như trước đây, Chi cục Thú y Lạng Sơn sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm. Dự án cũng triển khai chương trình giám sát huyết thanh đối với những huyện, xã có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Về cơ bản, đây vẫn là những cách làm cũ nhưng khác biệt ở chỗ chủ động phun khử trùng tiêu độc chứ không đợi phát hiện ổ dịch mới phun, công tác giám sát vận chuyển và giám sát dịch tại địa bàn cũng chặt chẽ và trọng tâm hơn khi được tổ chức đúng thời gian, đúng địa điểm… Dự án chưa kết thúc nên chưa thể khẳng định kết quả tuy nhiên khi dịch bệnh đang diễn ra tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam thì cho đến nay tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa phải công bố dịch.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, thực hiện mô hình phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, hơn 72.000 con bò Úc đã được nhập khẩu về Việt Nam. Con số này đã ngang bằng với lượng nhập khẩu của cả năm ngoái. Và dự báo đến hết năm, sẽ có tổng cộng khoảng 150.000 con bò Úc đổ bộ để phục vụ người tiêu dùng Việt.

Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thiện các thủ tục điều kiện đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể đối với thương hiệu cua Năm Căn.

Thời điểm này, khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn đang căng sức đối phó với “mùa đổ bộ của gia cầm lậu”. PV Báo NNVN đã thâm nhập các điểm nóng buôn lậu gia cầm nhức nhối nhất từ trước đến nay. Gia cầm lậu vẫn đổ bộ, tuy nhiên đã giảm so với trước đây.

Là đơn vị đi đầu phát triển nuôi giống cá tầm tại Việt Nam, sau một thời gian nỗ lực và tâm huyết, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nuôi cá tầm chuẩn mực, khoa học với quy mô rộng khắp, đưa Việt Nam thành một quốc gia dẫn đầu về nuôi và sản xuất một loài cá quý hiếm đang đứng bên bờ tuyệt chủng.