Dự án nuôi cá tầm ở Kbang (Gia Lai) tìm đầu ra cho sản phẩm

Sau hơn 2 năm, cá phát triển tương đối tốt, thích nghi với điều kiện tại Kbang và được đánh giá là có triển vọng. Tuy nhiên, những người tham gia dự án rất lo cho đầu ra của sản phẩm.
Dự án nuôi cá tầm do Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kbang làm chủ dự án có quy mô 10 lồng với 10.000 con tại hồ chứa C-thủy điện Vĩnh Sơn.
Mỗi lồng có diện tích hơn 30m2, bình quân thả 1.000 con/lồng. Trọng lượng cá khi thả mỗi con 60 - 70g, giống Sterlet (A.Ruthenus).
Tổng kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng (vốn Nhà nước 50%, còn lại 50% là do 10 hộ dân tham gia dự án đóng góp).
Dự án do Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô chuyển giao kỹ thuật, tư vấn thị trường và thực hiện hợp đồng cung cấp giống cá tầm, bao tiêu sản phẩm theo chu kỳ thu hoạch.
Anh Chế Hiển Lê-kỹ sư nuôi trồng thủy sản, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang cho biết:
Kỹ thuật nuôi không quá phức tạp nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ theo quy trình như phải dùng máy đo oxy kiểm tra 5 giờ một lần bất kể ngày hay đêm để điều chỉnh lượng oxy cho phù hợp.
Các yếu tố về độ trong của nước và lồng, bè phải di dời, luân chuyển để phù hợp với dòng nước…
Sau một thời gian, cá được chọn lọc, phân loại theo trọng lượng và chia tách thành 20 lồng để đảm bảo cho việc phát triển.
Qua 2 năm, cá tầm tương đối thích nghi với môi trường sống ở lòng hồ C và sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Võ Tấn Hưng-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kbang, chủ dự án, cho biết: Sau khi triển khai, tỷ lệ sống đạt 90%, tốc độ tăng trọng sau 1 năm, có con đã đạt trọng lượng 5kg.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là đầu ra cho sản phẩm vì phía đơn vị bao tiêu sản phẩm là Công ty cổ phần Hàng hải và Dầu khí Việt Xô vẫn chưa thể giải ngân được nguồn vốn như đã ký hợp đồng. Hiện thị trường tiêu thụ đang rất nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở một số nhà hàng trong và ngoài huyện.
Trong khi hiện nay đang còn khoảng 40 tấn cá thương phẩm. Chính điều này đã gây khó khăn cho những hộ tham gia dự án vì chi phí bỏ ra ban đầu tương đối lớn và thức ăn cung cấp cho cá hoàn toàn là nhập khẩu. Hiện tại, bình quân mỗi ngày mất khoảng 6,5 triệu đồng tiền thức ăn.
Anh Trương Hoài Tú (tổ dân phố 17, thị trấn Kbang)-một trong những hộ tham gia dự án cho biết: Nói chung khi chưa tiêu thụ được thì ai cũng lo nhưng có đơn vị dự án ở đây đứng ra bảo lãnh bảo đảm cho người dân và tích cực lo đầu ra, lo thức ăn và kỹ thuật nên cũng tương đối an tâm.
Trước vấn đề đó, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cũng đang tìm các biện pháp để tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cá tầm. Ông Võ Tấn Hưng cho biết thêm: Nguồn để tiếp tục đầu tư cho cá hiện nay đang rất khó khăn.
Đối tác chỉ cung cấp lượng thức ăn và trả tiền lương còn tiền mua sản phẩm họ chưa trả được. Khi sản phẩm làm ra nếu bán được ngay sẽ tạo động lực cho người dân, họ sẽ tiếp tục bỏ vốn đầu tư và mở rộng ra các lòng hồ khác chứ hiện nay tiêu thụ đang chậm trễ nên cũng có mặt tiêu cực.
Chúng tôi sẽ phân loại và siêu âm cá cái sẽ đưa lên đầu nguồn của sông Ba để tạo hồ và nuôi lấy trứng, còn cá đực sẽ xuất khẩu trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dự án, trong đó có đầu tư của Việt Xô trên hồ này và trên các hồ có khả năng để phấn đấu mỗi năm được khoảng 300 tấn qua hình thức nuôi lấy trứng và xuất khẩu.
Khi lô hàng đầu tiên này được tháo gỡ sẽ tạo thông lệ và tạo điều kiện cho doanh nhân nước ngoài đầu tư vào đây. Đồng thời, chúng tôi tìm nguồn đầu tư phân phối cho các nhà hàng trong huyện và trong tỉnh.
Qua thực tế cho thấy, hồ C của thủy điện Vĩnh Sơn đã đáp ứng được các điều kiện để nuôi cá tầm, song còn một điều kiện rất quan trọng nữa là đầu ra cho sản phẩm lại đang khó khăn.
Khi đầu ra được đảm bảo mới có cơ hội để mở rộng được quy mô và thu hút người dân trên địa bàn tham gia, tạo hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.
Cá tầm là loại cá xương sụn, toàn bộ hệ thống xương của cá cũng như đầu cá đều cấu tạo từ sụn, thịt cá tầm trắng, dai, có vị béo ngậy, thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ.
Trứng cá tầm được các chuyên gia ẩm thực thế giới đánh giá là loại đặc sản hàng đầu, ngoài việc sử dụng như một loại thực phẩm cao cấp, nó còn được dùng để chế biến các loại mỹ phẩm.
Đây là loại cá sống ở vùng nước lợ, nước ngọt, nước lạnh có nhiệt độ 17 - 26oC, sống ở vùng nước lạnh ôn đới. Hiện nhu cầu của thị trường về cá tầm ngày càng tăng, do vậy cá tầm ngày càng trở nên có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm

Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi nay sẽ có thêm cơ hội thành công nhờ nguồn vốn cho vay xây dựng chuồng trại từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank).

Người chăn nuôi heo lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” do giá heo thịt giảm mạnh. Liên tục trong gần 2 tháng qua, giá heo thịt giảm từ 4,7 triệu đồng/tạ xuống còn 3,4 - 4 triệu đồng/tạ. Hiện nhiều hộ chăn nuôi heo “tiến thoái lưỡng nan”, bởi heo đến thời kỳ xuất chuồng gặp phải lúc giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm nhiều chi phí.

Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...

Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.