Dự Án Nuôi Bò Ở Xã Long An (Châu Thành)

Trong tháng 1-2012, Hội Nông dân huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã triển khai thực hiện dự án chăn nuôi, đã giải ngân cho 30 hộ nông dân xã Long An có nhu cầu vay vốn chăn nuôi từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tổng tiền vốn 700 triệu đồng (mỗi hộ vay từ 20 - 30 triệu đồng), thời hạn 3 năm trả nợ (2012 - 2015).
Vừa qua, Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Nông dân xã tổ chức kiểm tra, nhận thấy 30 hộ dân nói trên đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Nguyễn Văn Thuận, ngụ ấp Long Thạnh, vay 30 triệu đồng vui mừng cho biết:
Gia đình anh trước đây nuôi được 1 con bò đực, sau khi nhận được vốn vay, anh mua 1 con bò cái sinh sản giống tốt, số tiền còn dư anh dùng vào việc xây hầm ủ khí Biogas, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau đó anh bán con bò đực, cộng thêm một ít tiền mua 2 con bò sữa nuôi thịt vỗ béo. Hiện con bò cái vốn dự án đã sinh sản 1 bò con. Anh quyết tâm nhân rộng đàn bò trong thời gian tới.
Cũng tại ấp Long Thạnh, chị Trần Thị Thơ được vay 20 triệu đồng, mua 2 con bò đực nuôi vỗ béo bán bò thịt (2 bò con lúc ấy giá 16 triệu đồng). Chị kể: Do có thức ăn đầy đủ, chăm sóc tốt nên bò mau lớn, chỉ trong vòng 2 năm, chị bán được 78 triệu đồng, lời 62 triệu đồng.
Sau đó, chị mua lại 2 con bò đực nuôi vỗ béo. Được biết, hơn 50% hộ vay vốn trong dự án là nuôi bò sinh sản. Bà con chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện chọn hỗ trợ gieo tinh nhân tạo cho bò trong Chương trình “Cải thiện tầm vóc đàn bò”. Chương trình triển khai từ tháng 2-2013, với 14 hộ tham gia. Qua 1 năm thực hiện gieo tinh, kết quả đàn bò đã thụ thai, sinh sản tốt.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thành, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết: Nhằm giúp nông dân cải thiện tầm vóc đàn bò, ngành đã chọn lọc “tinh giống bò cao sản” như bò: Brashman, Limousin và Red Angus.
Sau khi tổng kết chương trình (ngày 31-3-2014), Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đánh giá cao về hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân. Qua theo dõi kiểm tra, tất cả các con bò gieo tinh đều thụ thai, đạt tỷ lệ 100%. Trong số này có 1 con mới vừa cho ra đời 1 bò con cân nặng 25 kg.
Có thể bạn quan tâm

Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà đã có từ lâu ở Đồng Văn cũng như các huyện miền núi của tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, người nuôi chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy trình hợp lý nên sản lượng và chất lượng sản phẩm rất thấp.

Theo tin từ Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh trên 2,4 triệu con heo/năm. Trong đó, các trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp hơn 1,9 triệu con, doanh nghiệp Nhà nước gần 60 ngàn con, còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20%).

Hiện nay, diện tích cây sắn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 9.000 ha, năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Sắn đang là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân vùng cao, vùng nông thôn. Vì vậy, việc canh tác sắn theo phương thức bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên đang trở thành vấn đề đáng quan tâm.

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 134.000 tấn tiêu, thu về gần 900 triệu USD. Đây là giá trị cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam từ trước đến nay. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, sản lượng của vụ mùa tiêu năm 2014 này của cả nước tăng không nhiều. Nhưng do nguồn cung tiêu trên thế giới sụt giảm nên giá tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

Những năm gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây nhãn tiêu Huế bị ảnh hưởng vì bệnh “chổi rồng”, nhiều nhà vườn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích trồng nhãn Ido (một giống nhãn Thái Lan) vì năng suất cao, đầu ra ổn định và kháng sâu bệnh tốt.