Dự Án Bò Lai BBB Bước Đầu Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, ngày 10-2-2012, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án "Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt laisind thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố Hà Nội" và giao cho Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau hơn một năm thực hiện, bước đầu dự án đã thu được những kết quả khả quan.
Bò BBB (Blanc - Blue -Belgium) là giống bò chuyên dụng thịt của Bỉ, tuy nhiên, bò BBB thuần khó đẻ, tỷ lệ mổ đẻ cao và giống đắt. Để khắc phục những nhược điểm này, từ năm 2001, Công ty Giống gia súc Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát công thức lai tạo giống bò thịt cao sản từ bò laisind với bò BBB (F1 BBB) và ứng dụng trong chăn nuôi bò thịt ở Hà Nội.
Dự án được triển khai trên địa bàn 44 xã thuộc 7 huyện ngoại thành gồm: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Gia Lâm, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Đan Phượng. Ban quản lý Dự án đã tổ chức tập huấn, chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăn nuôi cho khoảng 7.000 lượt hộ chăn nuôi; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 55 cán bộ của 7 huyện tham gia dự án...
Dự án cũng đã xây dựng 3 mô hình chuồng trại ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm để hướng dẫn, trình diễn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con; bàn giao cho các huyện những trang thiết bị, vật tư, dụng cụ như máy vi tính, bình bảo quản tinh, bình chứa nitơ, thẻ tai bò, kìm bấm số tai...
Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý Dự án đã tiến hành bình tuyển đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn, phẩm cấp để triển khai phối giống. Kết quả, đã bình tuyển được hơn 10 nghìn bò cái nền, với trọng lượng bình quân đạt 285kg/con, hầu hết đã đẻ từ lứa thứ 2 đến lứa thứ 5.
Đến nay, dự án đã phối giống cho hơn 5.000 con bò, hiện đã có hơn 300 con bê F1 BBB được sinh ra và đến hết năm 2013 sẽ có khoảng 3.000 con bê F1 BBB. Qua theo dõi, 100% bê F1 BBB sinh ra có trọng lượng từ 28 đến 31 kg/con (trong khi trọng lượng sơ sinh của các giống bò thịt khác chỉ 18 - 21kg/con). Bê F1 BBB đẻ dễ, hầu như không phải can thiệp về kỹ thuật và đặc biệt là không phải mổ đẻ.
Bê F1 BBB sinh ra khỏe mạnh, kết hợp được cả tốc độ tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt của bố - bò siêu thịt BBB và sự thích nghi với điều kiện, môi trường sống của bò mẹ - bò laisind (Việt Nam). Đáng chú ý là bê F1 BBB rất dễ nuôi, phàm ăn và lớn nhanh. Thức ăn cũng khá đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc. Bình quân mỗi tháng bò F1 BBB tăng trọng được khoảng 25kg, cá biệt có con tăng trọng hơn 30kg một tháng.
Thời gian nuôi hiệu quả kinh tế cao nhất khoảng 17 - 18 tháng, bởi đây là thời gian sinh trưởng nhanh nhất, chất lượng thịt tốt nhất. Thịt bò F1 BBB thơm ngon, dinh dưỡng cao, mềm, đặc biệt tỷ lệ thịt rất cao (khoảng 60% thịt xẻ, hơn 50% thịt tinh), trong khi các giống bò thịt khác chỉ đạt 38 - 40% thịt xẻ). Vì vậy, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Hiện có một số bò F1 BBB nuôi được 16 - 17 tháng, trọng lượng đạt 450 - 500kg/con đã được các thương lái trả tới 44 - 45 triệu đồng/con, cao hơn bò thịt giống khác cùng tháng 15 - 16 triệu đồng/con. Ngay cả bê F1 BBB 1 tháng tuổi cũng bán được tới 5 triệu đồng/con, cao hơn bê thịt khác hơn 2 triệu đồng.
Ông Bùi Đại Phong, Giám đốc Công ty Giống gia súc Hà Nội cho biết, công ty đang đề nghị thành phố cho phép mở rộng dự án thêm 8 huyện: Thạch Thất, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Đông Anh. Công ty cũng đã đề nghị thành phố cho phép nghiên cứu, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm bê lai F1 BBB theo chuỗi giá trị, có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các tỉnh, thành phố bạn.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt nói riêng. Những kết quả đạt được về nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần tích cực vào thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.

Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.

Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.