Đồng Nai Đưa Phòng Thí Nghiệm Ra Đồng

Đây là lần thứ 2, Sở Khoa học - công nghệ phối hợp với Công ty TNHH Việt Nông tổ chức “Ngày hội ruộng đồng” tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ - Đồng Nai).
Theo ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông, lượng nông dân đăng ký tham gia chương trình đông vượt mức dự kiến của nhà tổ chức với khoảng 1.900 người, tăng gần gấp đôi so với lần 1. Chương trình này sẽ trở thành hoạt động thường niên để giới thiệu thêm nhiều mô hình hay, ứng dụng mới đến nông dân.
* Học ngay tại ruộng
“Ngày hội ruộng đồng” lần 2 tạo ấn tượng với nông dân vì có nhiều giống mới, ứng dụng hay được giới thiệu. Trên cánh đồng thực nghiệm, 105 giống cây trồng, trong đó có hàng chục loại giống mới được giới thiệu với nông dân. Tham quan thực tế, nông dân không khỏi trầm trồ vì những vườn rau trĩu quả. Họ bị thuyết phục vì được “mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, vừa học thêm những ứng dụng hay về kỹ thuật canh tác.
Ông Nguyễn Thành Trưng, nông dân ở huyện Xuân Lộc, nhận xét: “Được trực tiếp xem hiệu quả những giống cây trồng mới trên cánh đồng chúng tôi rất yên tâm. Chuyến đi rất hữu ích vì sự đa dạng các mô hình rau màu, chỉ riêng bí đỏ đã có gần 20 giống để bà con so sánh, chọn lựa. Đi thực tế, tôi còn học thêm nhiều kỹ thuật trong canh tác”.
Nhìn những dàn khổ qua chen kín trái và nghe giới thiệu về khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, bà Huỳnh Thị Tý, nông dân huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) háo hức bày tỏ sẽ mua ngay giống mới về trồng. Bà cũng tỏ ra quan tâm đến giống bí đỏ tròn sẽ được đưa ra thị trường trong năm nay với nhiều ưu thế, như: tiết kiệm đất gieo trồng, năng suất cao, có thể bán ngọn và trái non hoặc để trái già mới thu hoạch.
Ông Trần Xuân Trường cho biết, nhiều năm nay Công ty TNHH Việt Nông hợp tác với một công ty nông nghiệp của Hà Lan, được chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến, nguồn gen tốt trong sản xuất giống. Công ty tập trung đầu tư cho khâu nghiên cứu với mục tiêu tạo ra nhiều giống mới đạt sản lượng, chất lượng cao với thời gian canh tác ngắn. Trong đó, dòng giống cây trồng kháng sâu, bệnh cho ra sản phẩm an toàn vì hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đang là thế mạnh của doanh nghiệp.
* Chia sẻ với nông dân
Hiện Công ty TNHH Việt Nông đã đầu tư khá hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu giống, gồm: phòng thí nghiệm, kho lạnh lưu trữ nguồn gen... Phòng thí nghiệm này được công ty đặt ngay trên cánh đồng canh tác rộng 20 hécta tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Mỗi giống mới ra đời được gieo trồng, thử nghiệm ngay bên cạnh phòng thí nghiệm, diện tích đất trồng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động. Và khi cần, bất cứ khi nào nông dân có thể tìm đến đây để được tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật.
Ông Lê Quang Thái, nông dân tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), nói: “Tôi thường xuyên đến công ty khi muốn tìm hiểu về giống mới, có khi để nghe tư vấn về kỹ thuật canh tác. Ở đây có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi nghề, luôn nhiệt tình với công việc. Khi có sự cố, cán bộ kỹ thuật của công ty sẵn sàng xuống tận cánh đồng cùng nông dân giải quyết”.
GS.TS Trần Khắc Thi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, đánh giá từ thực tế trên cánh đồng, giống cây trồng do doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với giống cây trồng nhập khẩu từ các nước tiên tiến. Khâu nghiên cứu giống được đầu tư rất bài bản, nhưng hơn hẳn các viện nghiên cứu là doanh nghiệp rất năng động với thị trường. Doanh nghiệp đã đưa phòng thí nghiệm ra cánh đồng, tiếp cận với nông dân để làm ra giống, đáp ứng thị hiếu người mua từ hình dáng đến kích cỡ trái. Họ chủ động tiếp thị, tạo được tâm lý chờ đợi ở nông dân trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp - phát triển nông thôn Việt Nam:
“Ở Việt Nam không thiếu những chương trình tham quan mô hình nông nghiệp tốt, nhưng đối tượng tham gia chủ yếu là cán bộ Nhà nước, người quản lý. “Ngày hội ruộng đồng” của Đồng Nai là mô hình rất hay, rất sáng tạo vì tổ chức được đông đảo nông dân tham gia với mục tiêu chuyển giao giống mới, kỹ thuật hay trực tiếp đến họ.
Hiện giống rau màu do Việt Nam sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 20% thị trường trong nước. Nhà nước đang mở rộng cơ chế tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường còn rất giàu tiềm năng này.
Chuyển giao nhiều mô hình công nghệ cao cho nông dân
Theo Sở Khoa học - công nghệ, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai hiện đã thu hút được 6 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: sản xuất giống, sản xuất rau thủy canh, dược liệu... với tổng diện tích 70 hécta.
Trung tâm cũng triển khai các mô hình sản xuất giống, mô hình trồng xen canh nhiều loại cây trồng, như: cây ca cao, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, chuối trồng bằng cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh... với diện tích trên 20 hécta. Những kết quả nghiên cứu trên sẽ được chuyển giao trực tiếp cho nông dân để nhân rộng trong thực tế.
Hiện trung tâm ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, như: ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; trong chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất vaccine, thực phẩm chức năng...
Có thể bạn quan tâm

Báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng, 100% số xã trên địa bàn đã có đề án phát triển sản xuất được phê duyệt và đang triển khai thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển sản xuất công nghệ cao đối với rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản, bò sữa,...

Thống kê chưa đầy đủ của hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cho thấy diện tích lúa bị thiệt hại lên đến trên 10.000 ha. Điều đáng nói diện tích này chưa dùng lại mà có khả năng tăng từng ngày do nắng nóng, trời ít mưa, xâm nhập mặn.

Xã Đạo Đức (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vốn là một xã thuần nông, có điểm xuất phát thấp trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã đã chủ động mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Với các điều kiện thuận lợi từ tự nhiên đến kinh tế - xã hội, TP.HCM đã phát triển nghề nuôi cá cảnh từ hơn 50 năm qua và đây được xem là trung tâm cá cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất, kinh doanh cá cảnh ở TP.HCM vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi...

Người câu được cá sủ vàng ở Quảng Bình là anh Nguyễn Tiến Nhật xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Được biết, con cá sủ vàng nặng 2,8 kg, được thương lái trả đến nửa tỷ đồng, nhưng ngư dân này vẫn chưa đồng ý bán.