Đồng Nai Đưa Nấm Sạch Vào Siêu Thị

Sau vài năm làm thuê cho các trại nấm, anh nông dân từng “ở nhà lá, thắp đèn dầu” Lương Văn Nguyện (ảnh) quyết định vay vốn mở một trại nấm nhỏ với quy mô hộ gia đình.
Anh ứng dụng quy trình làm nấm sạch, mở rộng quy mô sản xuất và trở thành nhà cung cấp uy tín các loại nấm bào ngư, nấm mèo cho hệ thống các siêu thị lớn, như: BigC, Co.opmart.
* Trồng nấm sạch
Anh Nguyện kể: “Thời đó, tài sản duy nhất của cả nhà là chiếc xe máy cà tàng. Dựng trại nấm đầu tiên, tôi phải tận dụng lại các vật liệu từ nhà kho cũ để tiết kiệm chi phí. Ngay từ đầu, tôi đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn để làm sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường”.
Cơ sở nấm Nguyện (ấp Suối Tiên, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom - Đồng Nai) sản xuất tuân theo một quy trình nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc đến thu hoạch.
Theo anh Nguyện: “Nấm đạt chất lượng tốt phải được hái khi đúng “độ chín” của nó. Khâu thu hái và sơ chế, đóng gói phải nhanh rồi đưa vào bảo quản tự nhiên trong kho lạnh để đảm bảo nguồn dinh dưỡng. Vì đây là thực phẩm tươi nên hạn sử dụng cơ sở đưa ra chỉ trong vòng 5 ngày để luôn đảm bảo cho khách mua được sản phẩm tươi ngon”.
Chủ cơ sở này cho biết, thời gian đầu, sản phẩm của cơ sở chỉ tiêu thụ tại các chợ truyền thống nên vấn đề sản xuất an toàn hoặc xuất xứ hàng hóa hầu như không được quan tâm.
Nhưng ý thức được việc xây dựng uy tín cho sản phẩm của mình, anh thường ghi tên và số điện thoại trên những bịch nấm khi giao đến các chợ đầu mối. Nhờ chất lượng hàng tốt nên giới thương lái đều biết tiếng nấm Nguyện. Khi đưa hàng vào siêu thị, anh lấy lại cái tên đã được thị trường biết tiếng.
* Tăng giá trị cho nấm
Theo anh Nguyện, sản xuất nấm chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết, giá cả cũng rất bấp bênh. Giá nấm từ trại phải qua rất nhiều khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng nên nông dân luôn chịu thiệt thòi. Ngay từ khi đầu tư vào sản xuất, anh đã nghĩ đến việc đưa nấm vào siêu thị để có được kênh tiêu thụ ổn định với giá tốt.
“Là nông dân chân đất nên tôi lạ lẫm với tất cả những vấn đề như làm xuất xứ cho sản phẩm, các giấy tờ về sổ sách, hóa đơn, báo cáo thuế… Để vào được siêu thị, tôi mất đến 4 năm trời vất vả chuẩn bị. Thời gian đầu, siêu thị chỉ đặt thử trên chục ký nấm mỗi ngày nên thu không đủ bù chi” - anh Nguyện nhớ lại.
Siêu thị chấp nhận cơ sở là nhà cung cấp nhưng người tiêu dùng là người chọn và quyết định chỗ đứng cho sản phẩm. Vào siêu thị đã khó nhưng giữ được chỗ đứng ở kênh tiêu thụ này càng khó hơn vì áp lực cạnh tranh giữa các nhãn hàng sản xuất nấm ngày càng lớn.
Chính vì vậy, cơ sở rất trau chuốt cho chất lượng và hình thức sản phẩm. Nhờ vậy, sau 2 năm, từ siêu thị đầu tiên, cơ sở đã mở rộng mạng lưới cung cấp cho trên 20 siêu thị tại Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh với sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Ngoài ra, cơ sở còn cung cấp hàng tấn nấm/tháng cho các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức...
Không chỉ tiêu thụ tốt nguồn nấm do cơ sở sản xuất, anh còn kết nối và bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ trồng nấm tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù được coi là hạt “ngọc” của Việt Nam, nhưng do chuỗi giá trị phức tạp nên gạo Việt đang rơi vào tình trạng 3 “không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.
Vài tuần trở lại đây, do thường xuyên có các trận mưa to nên đã ảnh hưởng tới diện tích rau màu, khiến cho hàng loạt các loại rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội tăng giá mạnh.

Trong 2 ngày 1 và 2/10, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Quốc hội tổ chức diễn đàn chính sách “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập - kinh nghiệm từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Nhiều sản phẩm tim lợn có màu đen, đã mốc xanh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bày bán công khai tại chợ Phùng Khoang. Cảnh sát đã tịch thu hơn 100kg sản phẩm này và bàn giao cho cơ quan thú y cơ sở tiến hành tiêu hủy.

Thế giới sẽ cần thêm một Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới để có thể tránh nguy cơ thiếu hụt cà phê.