Đồng Nai Dồi Dào Heo, Gà Bán Tết

Vào thời điểm này, từ doanh nghiệp đến chủ trang trại, hộ chăn nuôi đều mạnh dạn đầu tư tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Nguồn cung dồi dào, thịt heo, gà lại nằm trong danh mục các mặt hàng được bình ổn giá nên tình trạng khan hàng, “sốt” giá về các loại thực phẩm tươi sống trong dịp tết sẽ khó xảy ra.
* Đàn heo, gà tăng mạnh
Ông Nguyễn Tấn Hậu, chủ trang trại cung cấp giống và heo thịt tại xã Lộc An (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), nhận xét chưa năm nào giá heo giống “sốt” như năm nay do người chăn nuôi tăng đàn mạnh. Ông Hậu dẫn chứng: “Vài tháng nay, giá con giống luôn ở mức cao.
Trung bình trang trại xuất khoảng 1.500 con heo giống/tháng, tăng khoảng 30% so với năm ngoái nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu người mua. Hiện đã qua thời điểm tăng đàn phục vụ cho thị trường tết, nhưng danh sách người đặt chờ mua con giống vẫn khá nhiều”.
Dồi dào thịt heo cung ứng cho thị trường tết.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, so sánh đàn heo tại địa phương tăng khoảng 30% so với đầu năm. Các trang trại chăn nuôi gà cũng tăng về sản lượng để phục vụ cho thị trường tết. Công tác phòng chống dịch, bệnh được các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện rất tốt. Đến nay, huyện đã có trên 100 hộ chăn nuôi đạt chuẩn ViêtGAP.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt gần 1,5 triệu con, đàn gà khoảng 14 triệu con, đảm bảo nguồn cung dồi dào phục vụ thị trường tết. Chi cục cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch bệnh; triển khai tốt chương trình phát triển và xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn, đảm bảo an toàn về dịch, bệnh trong chăn nuôi.
* Khó biến động về giá
Nhiều chủ trang trại tại Đồng Nai nhận xét, do nguồn cung tăng mạnh và chi phí đầu vào ít biến động, nên khả năng sốt giá của thịt heo, thịt gà trong dịp cuối năm và dịp tết là không cao. Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà tại huyện Xuân Lộc, cho rằng: “Đây là thời điểm thuận lợi cho chăn nuôi vì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu giảm và nhiều chi phí khác cũng bắt đầu hạ nhiệt, góp phần giảm giá bán đầu ra cho sản phẩm.
Các mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng gà đều nằm trong danh mục bình ổn giá tết của Đồng Nai. Chính vì vậy, tôi cho rằng sẽ không phải lo về tình trạng tăng giá đột biến của các sản phẩm chăn nuôi trong dịp tết này. Riêng trại gà Thanh Đức sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1,8 triệu trứng gà tham gia bình ổn giá dịp tết”.
Theo ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh, dịp tết này doanh nghiệp cung cấp cho thị trường khoảng 900 tấn gà thả vườn với giá bình ổn tăng khoảng 30% so với ngày thường. “Lượng hàng dự trữ này không chỉ đáp ứng tốt thị trường Đồng Nai mà cho cả thị trường lớn là TP.Hồ Chí Minh. Hiện giá thịt gà có chiều hướng hạ nhiệt vì thịt nhập về nhiều. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá sản phẩm chăn nuôi khó biến động mạnh về giá ngay cả bước vào cao điểm tết”.
Theo đại diện của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, hiện tình hình chăn nuôi rất thuận lợi, đảm bảo nguồn cung dồi dào, không lo tăng giá trong dịp tết. Phục vụ thị trường tết, CP cung cấp khoảng 10 ngàn con heo thịt/ngày cho các đơn vị chế biến, giết mổ, thị trường chủ yếu là các thành phố lớn. Trong trường hợp hút hàng, CP có thể tăng lên 12 ngàn con heo/ngày góp phần ổn định giá.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều nông dân trồng tiêu diện tích lớn tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, hiện thương lái và các đại lý đang vào tận nhà tìm mua hạt tiêu đen với giá xấp xỉ 150 ngàn đồng/kg, cao hơn giá thị trường khoảng 20 ngàn đồng/kg.

Trở lại vùng nuôi tu hài ở Vân Đồn vào thời gian này, chúng tôi vẫn chứng kiến không khí lo lắng trên khuôn mặt của những hộ nuôi ở đây. Khác với nỗi lo như đợt tu hài chết hồi năm ngoái, giờ đây người nuôi lại lo lắng về việc gom vốn để tiếp tục đầu tư vào sự mạo hiểm này không, hay lại mang tiền bỏ xuống biển.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện tượng “treo ao” lại diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh nuôi thủy sản trọng điểm, như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, … Tỉnh Sóc Trăng, diện tích “treo ao” hiện đã lên đến 50%, thậm chí ở huyện Kế Sách, vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh này là 70%. Câu trả lời, cũng chính là nỗi lo chung của ngành chăn nuôi, là do “sự nhảy múa” của giá và chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản (TĂNTTS). Giá giống và giá thương phẩm đầu ra bấp bênh gây thua lỗ kéo dài, trong khi người nông dân luôn thiếu vốn và các hỗ trợ, bảo hộ cần thiết khác.

“Mô hình nuôi ghép cá chép V1 với 1ha mặt nước cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Nga Quán, huyện Trấn Yên là cơ sở để tỉnh Yên Bái phát huy lợi thế mặt nước, phát triển chăn nuôi thủy sản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” - bà Đỗ Thị Vân - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa - cá và nuôi cá theo hướng VietGAP tỉnh Hưng Yên”. Tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 30,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trong hai năm 2014 và 2015 là 3 tỷ đồng, phần còn lại từ nguồn xã hội hóa, các hộ tham gia Dự án.