Động lực giúp hộ nghèo vươn lên khá giả

Đổi đời nhờ vốn ưu đãi
Chị Doãn Thị Hồng trú thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành (Cam Lộ) cho biết: “Nhà tôi hồi trước mái tranh xiêu vẹo.
Mỗi mùa mưa bão nhà như cái răng sắp rụng.
Hội Nông dân (ND), các đoàn thể, chính quyền động viên tôi vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH rồi bày cho cách làm ăn.
Từ đó, cứ làm từ nhỏ đến lớn, gia đình phát triển kinh tế vững, xây được nhà kiên cố…”.
Nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH Cam Lộ, ông Đinh Sỹ Hùng (phải) đã xây dựng được trang trại và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hồi chị Hồng ở mái tranh xiêu vẹo là năm 2012.
Nhà có 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ, chỉ lo cái ăn cái mặc đã bở hơi tai.
Cái ngày chị Hồng cầm 30 triệu đồng tiền vay về nhà mà trong lòng thấy lo.
Nhưng rồi được cán bộ Hội ND và các đoàn thể tư vấn, vợ chồng chị Hồng sử dụng vốn vay mua 3 con bò, được hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng.
“Chỉ mới sau 4 năm, đàn bò của tôi đã nhân lên được 7 con.
Vừa qua, tôi bán bớt 5 con, làm được cái nhà mái bằng này.
Con trai đi học đại học được vay vốn học tập dành cho học sinh, sinh viên.
Chưa hết, gia đình còn được vay vốn Ngân hàng CSXH để làm công trình nước sạch, nhà vệ sinh.
Hộ nghèo được ưu ái vay nhiều chương trình, miễn là mình có động lực làm ăn, vươn lên…” - chị Hồng thổ lộ.
Ông Đinh Sỹ Hùng (cùng thôn Thượng Lâm) là một trong những hộ nghèo sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi để từ đó vươn lên khá giả.
Cách đây 10 năm, gia đình ông thuộc diện nghèo nhất xã Cam Thành.
Năm 2005, ông vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH đầu tư cho khai khẩn đất đai, lập trang trại ở đồi Đông Tri.
Đến nay, ông Hùng đã có 3,2ha cao su, 5ha rừng tràm, vườn cây ăn quả, đàn dê 50 con, hồ cá… với lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/năm.
Đồng hành hộ nghèo
Theo bà Trần Đức Xuân Hương – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ, khách hàng của ngân hàng chủ yếu là người nghèo, trình độ hạn chế nên khi cho vay, tùy theo điều kiện mỗi hộ mà cán bộ tín dụng cùng chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả.
Toàn huyện có 186 tổ tiết kiệm và vay vốn với cộng tác viên là những người nhiệt huyết trong công tác xóa đói giảm nghèo đã giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả.
Tăng trưởng dư nợ vốn tín dụng chính sách từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện tập trung vào 4 chương trình chủ yếu là hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt...
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho hay: “Kinh tế của huyện ngày càng phát triển tích cực, số hộ nghèo giảm nhanh một phần không nhỏ là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.
Chính quyền và nhân dân trong huyện mong muốn phía ngân hàng sẽ tiếp tục tạo nguồn vốn để có thêm các đối tượng được hưởng thụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Cam Lộ trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 180 tỷ đồng với 6.815 khách hàng đang vay vốn, tăng 12,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, đạt 99,34% kế hoạch; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3%.
Có thể bạn quan tâm

Trái trúc là loại cây sống ở vùng đồi núi cùng họ với chanh, trái có vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu.

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở VN vào thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã hơn 10 năm. Thế nhưng đến nay dịch cúm vẫn hoành hành và gây thiệt hại rất nặng.

Cùng với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và cá ba sa, cá rô phi là một trong những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn để xuất khẩu.

Mấy năm trở lại đây, cá lóc trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khi người nuôi cá vui vì có thu nhập khá thì những hộ dân xung quanh lại phải “gánh” nỗi lo vì môi trường bị ô nhiễm.

"Nếu tôi là họ sẽ không tham gia dự án này vì chưa nhìn thấy hiệu quả. Thêm nữa, sẽ bấu víu vào đâu khi kịch bản xấu nhất xảy ra?"