Đồng bào Hrê đưa máy móc vào đồng ruộng

Đến các xã vùng cao Ba Tơ trong những ngày này, đồng bào Hrê khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Trên khắp các cánh đồng, hầu hết nông dân đều sử dụng máy cắt lúa cầm tay, máy tuốt lúa chạy bằng xăng. Tiếng máy tuốt, máy cắt râm ran trên các cánh đồng.
Trao đổi với chị Phạm Thị Lễ tại cánh đồng Chùa, xã Ba Chùa về chuyện thu hoạch lúa, chị cho rằng: Bây giờ làm ruộng khỏe hơn xưa, cũng nhờ vào chiếc máy cắt, máy tuốt lúa. Nhà làm 3 sào ruộng, chỉ cần kêu vài công nữ làm lúa tại đồng, vài người đàn ông đưa lúa vào tuốt là hoàn thành đám ruộng trong một buổi.
Còn trước đây, mỗi khi lúa chín trên đồng là phải lo kêu gọi cả chục người cắt giúp, đạp suốt cả ngày. Ở đồng này bây giờ ai cũng sử dụng máy cắt, máy đập chạy bằng xăng như gia đình tôi. Thanh niên, thanh nữ bây giờ đứa đi làm keo, đứa vào Nam làm ăn nên muốn làm ruộng thì nhà nhà phải dùng máy gặt thôi.
Đồng bào Hrê sử dụng máy gặt lúa cầm tay
Ở những cánh đồng xã Ba Liên, vụ lúa hè thu cũng đã chín rộ. Trên mỗi thửa ruộng đâu đâu cũng thấy hình ảnh người dân tay cầm máy cắt hạ lúa. ông Phạm Văn Chanh phấn khởi bảo: Trước đây cắt lúa là chuyện của phụ nữ. Bây giờ, lúa trên đồng đưa về nhà là chuyện đàn ông, từ khâu cắt, đập đến vận chuyển.
Phụ nữ chỉ việc làm lúa cho sạch trước khi đem phơi, đưa vào ụ. Nhà sắm được máy cắt nên đến mùa không chỉ cắt cho mình mà nhiều người gọi cắt giúp. Một ngày cũng cắt được 10 sào. Với diện tích ruộng này, mà không dùng máy cắt cũng mất 15 công.
Ông Phạm Văn Nhiết – Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Ba Liên, cho biết: Ở vùng tái định cư này cuộc sống và phương thức sản xuất nông nghiệp đỡ hơn trước rất nhiều. Ngày xưa ở làng cũ, ruộng nhỏ hẹp, mỗi góc hố là mỗi khoảnh ruộng. Mùa vụ về, nhà có ruộng nhiều thì cả làng gặt giúp, nhưng có khi cũng một mình cắt rồi ôm chất đống vào nhà chồ (chòi).
Đến khi rỗi việc, quay sang làm lúa thì bông lúa đã rục, hạt lúa cũng không còn sáng, hạt gạo làm ra đen sạm, chứ không trắng như bây giờ. Ngày nay, nhà nhà gặt lúa đã biết dùng máy tuốt, máy gặt kịp thời nên không chỉ hạn chế được công lao động mà hạt lúa làm ra, phơi dưới nắng sớm nên hạt gạo cũng ngon, đảm bảo chất lượng hơn.
Ở huyện Minh Long, đồng bào Hrê cũng đã đưa cơ giới vào đồng ruộng một cách thuần thục. Chị Phạm Thị Bách, ở thôn Kỳ Hát, xã Long Mai, tự hào: Tuy ở trong hóc núi, nhưng bà con nơi đây đã sử dụng máy gặt, máy đập lúa, máy làm đất xuống giống lâu lắm rồi. Phụ nữ bây giờ lao động ít mệt hơn ngày trước, bởi không phải cắt lúa, chà hạt, cuốc đất xuống giống...
Tất cả máy móc do đàn ông điều khiển làm thay. Con trâu bây giờ nuôi chỉ bán kiếm tiền, không phải dùng làm sức kéo.
Nhờ sử dụng máy móc việc làm đất, thu hoạch đều nhanh gọn và gieo sạ giống lúa mới, chất lượng, áp dụng kỹ thuật khuyến nông vào chăm sóc nên năng suất lúa những năm qua luôn đạt cao. Nhà chị Bách chỉ làm hai sào ruộng nhưng đã thu được khoảng 20 bao. Chị cho rằng đây là thành quả của việc sử dụng máy móc vào đồng ruộng. Hạt lúa thu được nhiều mà công sức bỏ ra rất ít.
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngoài máy gặt, máy móc nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều trên các thửa ruộng của bà con nông dân vùng cao. Nhờ vậy, năng suất cũng như sản lượng cây trồng trên các địa bàn ngày càng tăng. Đời sống của người nông dân từ đó cũng ổn định hơn.
Như năng suất lúa huyện Ba Tơ năm 2011 đạt 45,58 tạ/ha thì đến năm 2015 có những vụ mùa đạt 48 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng lương thực năm 2014 đạt trên 21.800 tấn. Dự kiến năm 2015 đạt gần 25.860 tấn.
Trong thời gian đến, các huyện miền núi trong tỉnh vẫn xác định sản xuất nông nghiệp là thế mạnh. Bên cạnh phát triển rừng, các huyện sẽ tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy móc nông nghiệp để người dân được tiếp cận và sử dụng những loại máy hiện đại, tiện ích trên các cánh đồng vùng cao.
Có thể bạn quan tâm

Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) vừa hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật trồng rau pó xôi gồm các nội dung từ khâu chọn giống đến kỹ thuật làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bảo quản theo VietGAP cho hơn 1.300 lượt nông dân và 30 cán bộ khuyến nông tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương (Lâm Đồng).

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm.

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.