Đồng Bằng Sông Cửu Long Tăng Diện Tích Nuôi Trồng Thủy Sản Lên 800.000 Ha

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 800.000 ha mặt nước, tăng 5.000 ha so năm 2013. Nhờ vậy, sản lượng thủy sản ở khu vực này sẽ đạt 2,4 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn.
Để thực hiện thành công kế hoạch trên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung phát triển nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cá tra là các loài có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ mạnh với diện tích hơn 690.000 ha, đồng thời mở rộng nuôi các loài thủy sản nước lợ, nước ngọt khác như: cá hồng mỹ, cá hồng bạc, cá chẽm, cua, tôm hùm, cá rô phi, rô đồng, điêu hồng, lóc, chình, chép, mè, thát lát…
Bên cạnh đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản nói chung và tôm sú nói riêng; lành mạnh hóa môi trường nước bằng các biện pháp kiểm soát chất thải, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; siết chặt việc quản lý, kiểm soát con giống, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đưa tôm giống kém chất lượng vào nuôi; phổ biến rộng hơn kỹ thuật nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh đến tận cơ sở.
Mặt khác, các tỉnh sẽ triển khai áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của thị trường thế giới; tăng cường xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tiến tới cấp giấy chứng nhận đánh số cơ sở nuôi, vùng nuôi thủy sản.
Ngoài ra, các tỉnh sẽ triển khai kế hoạch cho người nuôi vay vốn cải tạo ao hồ, làm bè, mua con giống, thức ăn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đối với cá tra, các tỉnh đưa vào nuôi từ 5.500 - 6.000 ha, chủ yếu ven sông Tiền, sông Hậu, phấn đấu đạt sản lượng 1,2 triệu tấn.
Năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt sản lượng 2,2 triệu tấn thủy sản trên diện tích nuôi đạt 795.000 ha, chiếm 89% diện tích và 92,5% sản lượng các tỉnh phía Nam, trong đó có 650.000 ha tôm sú với sản lượng 310.000 tấn; 5.000 ha cá tra với sản lượng trên 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, việc sản xuất tôm giống đạt chuẩn mới đáp ứng được trên 50% nhu cầu của khu vực này, trong khi hạ tầng vùng nuôi chưa hoàn chỉnh, còn gây ô nhiễm nước cục bộ và làm tôm giống chết.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, về xã Thạnh Mỹ (Tân Phước - Tiền Giang), nhìn những trái khóm (miền Bắc gọi là dứa, miền Trung gọi là thơm) phụng, khóm son màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo vươn mình trong nắng ấm, chúng tôi cảm nhận dường như không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Hiện, bà con đang tất bật chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường trái cây trưng mâm ngũ quả ngày Tết.

Trồng sầu riêng trong vườn nhà, bón phân dơi và áp dụng kỹ thuật tốt, ông Lê Văn Sáu (65 tuổi), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có thu nhập hàng tỷ đồng.

“Phi thương bất phú”, bởi vậy ở cái tuổi 76 ông Phạm Văn Chép thôn Trung tâm xã Hợp Thịnh - Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn quyết tâm làm kinh tế, phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây lẫy gồ, cây ăn quả, nuôi gia cầm và đã cho thu bạc tỷ mỗi năm.

So với cấy lúa, trồng ngô ở vùng nông thôn thì trồng cây phật thủ cho thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Khuyên xóm Thông, Hợp Thịnh, Kỳ Sơn (Hòa Bình) nhờ cây trồng này mà đưa cuộc sống của gia đình từ khó khăn vươn lên làm giàu ngay tại mảnh đất quê hương.

Nhiều năm trong nghề chăm cây cảnh và là chủ nhân của nhiều sáng tạo siêu "độc" lạ, ông Lê Đức Giáp được nhiều người coi như một "cuốn từ điển bách khoa", một người “thầy giáo” trong nghề trồng cảnh.