Đón Tết Trên Biển

Đã cận Tết nhưng hàng trăm tàu cá của ngư dân Khánh Hòa vẫn thẳng tiến ra các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa để khai thác hải sản. Đón giao thừa trên biển đã trở nên quen thuộc với nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ.
Chuyến biển cuối năm
Sau rằm tháng Chạp, không khí tại các làng biển như Hà Ra, Hòn Rớ, Cửa Bé (TP. Nha Trang) trở nên chộn rộn không khí Tết sớm. Nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên để cánh đàn ông, những ngư phủ trong gia đình ra khơi cho kịp chuyến biển cuối năm.
Bên cạnh chuẩn bị mâm cơm tất niên, những người phụ nữ ở làng biển còn phải chạy vạy để chuẩn bị cho chuyến biển cuối năm của chồng, con. Những chi phí trong dịp Tết được các gia đình cắt giảm để dồn tiền lo cho chuyến biển. Chị Trần Thị Hà, vợ anh Nguyễn Trường, chủ tàu KH96672TS ở phường Phước Long cho biết, hơn 10 năm lập gia đình, chưa có năm nào chồng chị đón Tết ở nhà.
Chuyến biển này tổng chi phí gia đình chị phải bỏ ra gần 100 triệu đồng. Ngoài gần 5.000 lít dầu, 400 cây đá, thực phẩm, còn có cả bánh, mứt, nhang, đèn... để đêm giao thừa chồng chị cúng ông bà, tổ tiên, tri ân những thế hệ người Việt đã nằm lại trên biển.
Chị cũng không quên mua thêm ít bia để chồng cùng các bạn chài quây quần đêm giao thừa. Trước giờ tàu rời cảng Hòn Rớ, chị Hà bịn rịn: “Tết đến, ai cũng muốn vợ chồng, con cái ở nhà sum vầy. Nhưng làm nghề biển phải bám biển để mưu sinh, chồng xa nhà tôi cũng quen rồi nên chỉ mong anh ấy cùng mọi người có chuyến biển bình yên”.
Chuyến biển cuối năm khác với các chuyến biển trước đó, các chủ tàu đều hỗ trợ cho các bạn chài một ít tiền để đem về cho gia đình mua sắm Tết trước khi ra khơi. Ông Lê Văn Hy, chủ đoàn tàu 3 chiếc với tổng công suất hơn 1.200CV ở làng chài Hòn Rớ, xã Phước Đồng cho biết, năm 2014, nghề biển gặp nhiều thuận lợi, thu nhập bình quân mỗi bạn chài của đoàn tàu nhà ông đạt khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Đây là mức thu nhập khá cao so với nhiều lao động đi biển. Trước khi ra khơi, ông Hy đã hỗ trợ mỗi ngư dân 2 triệu đồng để đưa về cho vợ con sắm Tết, đồng thời cho ngư dân ăn Tết sớm. 3 chiếc tàu của gia đình ông Hy đã chất đầy đá, dầu với tổng chi phí lên đến 400 triệu đồng rời cảng Hòn Rớ từ ngày 7-2 cùng với hơn 20 bạn chài.
“Bây giờ nghề biển thuận lợi vì giá dầu đang giảm, mỗi chuyến biển mình tiết kiệm được mấy chục triệu đồng. Hàng chục năm đón Tết trên biển, đoàn tàu của gia đình tôi đều thắng lớn, cho nên những bạn chài đi cùng rất phấn khởi,” ông Hy cho biết.
Đón Tết muộn
Trong chuyến đi biển cuối năm, ngư dân sẽ đón mùng 1 Tết trên biển, sau đó trở về đất liền từ sau mùng 10 tháng Giêng để đón Tết lần thứ 3. Ông Lê Văn Hy cho biết, vào đêm 30, các tàu đánh cá trong cùng tổ liên kết sẽ hẹn nhau tại cùng 1 tọa độ để đón giao thừa. Giữa biển khơi, các tàu sẽ căng dù lên, chủ tàu cùng các ngư dân bày biện hương, đèn, hoa cùng trái cây, bánh ngọt để cúng giao thừa. Sau đó, mọi người cùng chung vui với nhau. Tất cả ngư dân sẽ neo tàu, nghỉ làm từ đêm giao thừa đến hết ngày mùng 1.
Anh Nguyễn Trường, chủ tàu KH96672TS cho biết, đêm giao thừa, tàu của anh cố gắng đến gần các đảo trên quần đảo Trường Sa để có sóng điện thoại, từ đó liên lạc về nhà. Nếu như không đến gần được các đảo thì sẽ thông qua hệ thống Đài thông tin Duyên hải để các ngư dân lần lượt gọi điện về nhà chúc Tết gia đình, bạn bè, động viên vợ con.
“Giao thừa, mình đi xa, thương mấy mẹ con ở nhà nên gọi điện vừa để động viên, vừa thông báo kết quả đánh bắt. Tôi cũng như anh em, chỉ mong năm mới đi biển được bình an, nghề biển thuận lợi hơn” - anh Trường nói.
Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thủy sản tỉnh cho biết, năm 2014, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xuống tận cảng cá Hòn Rớ để động viên, khích lệ ngư dân bám biển.
Sau Tết Nguyên đán, các hoạt động mua bán hải sản sẽ rất sôi động nên hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ đều phấn khởi vươn khơi, kỳ vọng một chuyến biển bội thu, được giá. Theo đó, 5 cảng cá trong tỉnh sẽ tăng cường nhân lực, trực 24/24 giờ để hỗ trợ các ngư dân khi cập bến bán hải sản, lấy nhiên liệu, thực phẩm, đá cây để đi chuyến biển tiếp theo.
Ra khơi vào dịp Tết đã trở thành một thói quen của ngư dân Khánh Hòa chuyên đánh bắt xa bờ. Với họ, niềm vui ngày Tết chỉ trọn vẹn khi trở về đất liền mang theo khoang tàu đầy cá, sau đó sẽ đón Tết muộn trong sự sum vầy gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Theo chân anh Dũng - cán bộ xã Mậu Duệ (yên Minh), chúng tôi vượt qua gần 5km đường núi quanh co với độ dốc lớn từ trung tâm xã đến Khâu Piai, một thôn vùng cao của xã Mậu Duệ. Những năm gần đây, nhờ sự chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, năng suất lúa, ngô đã tăng đáng kể; sản lượng lương thực ngày một cao, đời sống của người dân cũng đỡ vất vả hơn.

Sau những chuyến đi chơi ở Bắc Bình và nhận thấy địa phương này có nhiều hộ nuôi dông sinh sản, tuy nhiên khâu thu hoạch dông con gặp phải những khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, anh Ngô Viết Năng đã về bàn bạc cùng các anh Tôn Văn Bảo, Trần Văn Nhân thuộc khu phố 2, phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết tìm ra một giải pháp thu hoạch mới.

Nấm cục trắng là loài hiếm thấy, lớn lên ở Italy và có kích thước thông thường bằng quả óc chó. Đây là một loại thực phẩm được ưa chuộng, các món ăn chứa thành phần nấm cục trắng thông thường có giá hàng trăm USD. Người phát hiện ra cây nấm cục "khổng lồ" này cho biết nó nằm sâu dưới lòng đất 4 inches (10cm).

Brazil có giá thành mía vào loại thấp nhất 12 USD/tấn nhờ tạo ra được 12 tấn đường/ha; Thái Lan 25 USD/tấn mía, 8 tấn đường/ha; trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 5,4 tấn đường/ha nên giá thành mía lên đến 50 USD/tấn.

Theo đánh giá của Tổ điều hành xất khẩu gạo, các nước nhập khẩu lớn ở khu vực châu Á tăng cường nhập khẩu, một số thị trường trọng điểm truyền thống cũng tiếp tục giao dịch. Cụ thể, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với 31,1% thị phần.