Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổi Thay Ở Xóm Người Dao

Đổi Thay Ở Xóm Người Dao
Ngày đăng: 09/12/2014

Nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) có đến 98% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trong vài năm trở lại đây nhờ cớ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân, xóm đã có sự bứt phá về mọi mặt.

Anh Lâm Đức Hà, Trưởng xóm cho biết: Thai Thèn Bạ là tiếng dân tộc có nghĩa là "Ruộng mạ to". Sở dĩ có cái tên này là do từ xa xưa, đây là một vùng rừng núi hẻo lánh, chỉ có vài hộ dân sinh sống bằng nghề khai hoang phát rẫy trồng lúa nước. Giữa xóm có một khu đất chuyên để bà con gieo mạ tạo thành một đám mạ to.

Trước, đây là xóm đặc biệt khó khăn của huyện, cái khó lớn nhất là về giao thông, xóm gần như biệt lập với các địa phương khác bởi 2 con suối Bục Chùa và Tiến Lồng. Thêm vào đó, do nguồn nước sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, nên điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn, vì thế mà đời sống bà con chật vật từng bữa. Thời điểm năm 2009, xóm có trên 70 hộ thì có tới gần 40 hộ thuộc diện nghèo.

Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, các Chương trình 134, 135, 167 đã hỗ trợ, tạo đòn bẩy để bà con Thai Thèn Bạ được xây nhà, dùng nước sạch, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Năm 2009, xóm được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 đập tràn để bà con không phải lội qua suối.

Cùng với đó, 11 hộ đặc biệt khó khăn của xóm được hỗ trợ và vay vốn để xây nhà theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế gia đình như chăn nuôi, thâm canh chè.

Trong đó, mỗi hộ nghèo được vay ít nhất là 10 triệu đồng, hộ vay nhiều là 20 triệu đồng, lãi suất 0,65% không cần thế chấp tài sản, nhờ đó trong năm xóm đã xoá được 9 hộ nghèo. Quan trọng hơn, sự đầu tư này chính là đòn bẩy để bà con dân bản có điều kiện bứt lên phát triển kinh tế.

Anh Hà cho biết thêm: Kinh tế ở đây thực sự có sự bứt phá từ năm 2010, khi có chương trình trồng chè cành do Trạm Khuyến nông huyện triển khai. Theo chương trình này, người dân được hỗ trợ 100% giá giống và tập huấn KHKT khi trồng các giống chè cành.

Điển hình trong việc phát triển cây chè cành là gia đình anh Trương Văn Chín. Nhờ kết hợp thành công mô hình kinh tế sản xuất chè cành và chăn nuôi lợn, kinh tế gia đình anh Chín đã thay đổi hẳn. Anh Chín chia sẻ: Gia đình tôi mới thoát nghèo được vài năm nay nhờ Nhà nước cho vay vốn phát triển kinh tế.

Từ 10 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách, tôi đầu tư vào chuyển đổi toàn bộ 7 sào chè trung du của gia đình sang trồng chè cành và mua 1 con lợn nái. Mỗi năm, tôi thu khoảng 1 tạ chè búp khô cùng gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Đến nay, gia đình tôi đã có của ăn của để, mua sắm được đầy đủ trang thiết bị phục vụ đời sống.

Cũng kết hợp thành công mô hình trồng chè và chăn nuôi lợn, trước đây gia đình trưởng xóm Lâm Đức Hà là một trong những hộ khó khăn ở xóm, thu nhập của gia đình chủ yếu vẫn là cây lúa, nhưng nay gia đình anh đã có một cơ ngơi khá giả. Từ năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ 100% giá giống, anh đã chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè, đồng thời trồng thêm ở những vạt đồi trống.

Đến nay, gia đình anh đã có 3 sào chè cành, 4 sào chè trung du, mỗi năm thu 7 lứa, mỗi lứa từ 70-80kg chè khô, thu nhập trên 80 triệu đồng. Ngoài trồng chè, gia đình anh Hà còn nuôi thêm lợn, mỗi năm anh chăn 3 lứa, mỗi lứa 30 con lợn thịt, thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Bên cạnh việc thâm canh chè, một số hộ dân ở đây còn vay vốn đầu tư vào nuôi cá, chăn các loại gia súc, gia cầm, trồng rừng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống bà con nơi đây đã bớt khó khăn.

Theo thống kê, hiện nay toàn xóm khoảng trên 30ha đất sản xuất, trong đó bao gồm cả đất lúa và đất trồng chè, riêng cây chè chiếm khoảng 60-70% diện tích. Trung bình mỗi hộ dân trong xóm có từ 3-4 sào chè, hộ nào nhiều thì có khoảng một mẫu. Hiện, toàn xóm có 87 hộ với 336 nhân khẩu thì còn 11 hộ nghèo, là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt như: người già, không nơi nương tựa, bệnh tật…

Đời sống nâng cao, xóm có điều kiện để chung tay cùng Nhà nước làm các công trình như: giao thông, thuỷ lợi, nhà văn hoá… Đến nay, xóm đã đối ứng làm được hơn 3km đường giao thông.

Đặc biệt, trong năm 2014, bà con trong xóm đã đóng góp được 75 triệu đồng để cùng với Dự án Bánh Mỳ thế giới xây dựng nhà văn hoá xóm với tổng trị giá trên 355 triệu đồng. Công trình này được khởi công từ tháng 9, dự kiến đến trung tuần tháng 12-2014 sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng, phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hoá của xóm.

Có được ngôi nhà văn hoá khang trang làm nơi sinh hoạt từ lâu là ước mơ của bà con nơi đây. Giờ, ước mơ ấy đã thành hiện thực, bà con xóm Thai Thèn Bạ càng có thêm động lực để phấn đấu.

Nguồn bài viết: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/doi-thay-o-xom-nguoi-dao-222648-108.html


Có thể bạn quan tâm

Nhập Khẩu Bò Thịt Từ Úc Tăng Mạnh Nhập Khẩu Bò Thịt Từ Úc Tăng Mạnh

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay năm ngoái Việt Nam đã nhập 66.951 con bò Úc, đầu năm hiệp hội ước tính cả năm 2014 sẽ nhập khoảng 120.000 con, nhưng theo tình hình hiện nay thì số bò Úc sẽ nhập khẩu năm nay sẽ lên tới 150.000 con.

16/07/2014
Táo Mỹ Rẻ Như Táo Tàu? Táo Mỹ Rẻ Như Táo Tàu?

Thời gian gần đây, tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Ocean Mark, Lotte Mark, thậm chí là sạp hàng, chợ truyền thống tại Hà Nội xuất hiện khá nhiều mặt hàng trái cây cao cấp từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand với giá bán rẻ hơn cả hoa quả Trung Quốc khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ.

01/08/2014
Hạn Chế Rủi Ro Nhờ Nuôi Tôm Theo Hướng Bảo Vệ Môi Trường Hạn Chế Rủi Ro Nhờ Nuôi Tôm Theo Hướng Bảo Vệ Môi Trường

Từ tháng thứ tư trở đi, người nuôi mới thả một lượng rất nhỏ thức ăn tươi để tôm nhanh cứng cáp, sau đó bổ sung thêm thức ăn công nghiệp; đặc biệt trong quá trình cho tôm ăn thức ăn tươi, người nuôi không bỏ thức ăn xuống lồng như cách nuôi truyền thống, mà cho vào túi lưới, bố trí đều trong các ô.

17/07/2014
Nghề Sản Xuất Nước Mắm Truyền Thống Phú Quốc Khởi Sắc Trở Lại Nghề Sản Xuất Nước Mắm Truyền Thống Phú Quốc Khởi Sắc Trở Lại

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc sau hơn một năm rơi vào tình cảnh lao đao khiến nhiều nhà thùng “treo thùng” thì nay đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại và tiếp tục phát triển.

01/08/2014
Bồ Câu Đem Lại Kinh Tế Cao Bồ Câu Đem Lại Kinh Tế Cao

Những năm gần đây, một số nông dân ở huyện Thoại Sơn (An Giang) đã triển khai thành công mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp. Trong đó có nông dân Lê Minh Vân ngụ ấp Hòa Thới – Định Thành.

17/07/2014