Đôi Tay Vàng Trồng Đặc Sản

Ông Đoàn Kiệm nổi tiếng ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán - Đồng Nai) là nông dân có đôi tay “vàng”. Trên vùng đất khô hạn, nhiều loại cây trồng dễ tính còn khó phát triển, ông lại trồng thành công các loại cây đặc sản khó tính, như: cam, quýt, bưởi.
* Quả ngọt trên vùng đất hạn
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi rộng khoảng 2,4 hécta sum suê, xanh ngát dù nằm trên vùng đất đồi xen đầy những tảng đá ong, ông Đoàn Kiệm cho biết: “Vất vả nhất của nông dân ở xứ này là nguồn nước tưới cho nông nghiệp. Tôi không tiếc chi phí đầu tư để làm 4 giếng khoan, 2 giếng đào để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho hệ thống tưới tự động được phủ rộng hết diện tích đất vườn”.
Chính vì thiếu nước, nông dân ở vùng này trước nay chỉ chọn canh tác cây điều, cây xoài vì khả năng chịu hạn tốt. Riêng ông Kiệm lại chọn trồng những giống cây trồng khó tính. Và ông đã bắt đất cằn sinh sôi nên những mùa quả ngọt.
Quê gốc ở miền Tây, ông không xa lạ gì với các giống cam, giống bưởi. Khi về vùng đất này, ông Kiệm quyết định trồng thử nghiệm các giống cây có giá trị kinh tế cao này… Từ thực tế lao động, ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý nên vườn cây của ông luôn đạt cả về chất lượng và năng suất.
* Thắng nhờ chuyên canh đặc sản
Con đường dẫn vào vườn cây ăn trái của ông Đoàn Kiệm chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc máy cày vì đường đất nhỏ gập gềnh dốc đá. Ông đã tự bỏ chi phí đổ đất, đá để con đường bớt khó đi. “Trước đây, đường sá đi lại còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng tôi không e ngại vì thương lái vẫn tấp nập về tận vườn thu mua khi vào mùa thu hoạch” - ông Kiệm nói. Ông không phải “lụy” thương lái mỗi lúc rộ mùa nhờ có diện tích chuyên canh lớn các giống trái cây đặc sản luôn được thị trường ưa chuộng.
Ông Kiệm rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin thị trường. Thời gian đầu, ông đầu tư trồng cam, quýt. Hơn 10 năm trước, khi cây quýt bắt đầu thoái hóa, ông tập trung mở rộng diện tích bưởi Năm roi và kịp thời góp mặt vào thị trường trong giai đoạn loại trái cây này thịnh hành nhất.
Hiện vườn bưởi của ông đang được trẻ hóa với giống bưởi da xanh ruột hồng, với hơn 1 hécta bưởi tơ đang cho thu hoạch. Vụ tết vừa rồi, ông thu tiền tỷ nhờ loại đặc sản này “sốt” giá. Ngoài trồng cây ăn trái, vườn bưởi của ông Kiệm còn là một trong những nguồn cung cây giống uy tín tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.

Toàn huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 450 ha trồng sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013, chủ yếu tập trung tại xã: Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Nhiều bà con nơi đây cho biết, trồng sả mang lại lợi nhuận kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và nông dân hiện trồng xen canh 1 vụ sả, 1 vụ lúa. Giá sả thương phẩm hiện tại được các thương lái từ Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn đến mua với giá 5.500 đồng/kg, lúc cao điểm giá lên tới 7.500 đồng/kg. Sau 3 tháng trồng sả, bà con nơi đây thu lãi gần 10 triệu đồng/1.000 m2 đất.