Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổi Mới Liên Kết Để Phát Triển Bền Vững

Đổi Mới Liên Kết Để Phát Triển Bền Vững
Ngày đăng: 28/06/2013

Cây cà phê ở Mường Ảng được xác định là cây mũi nhọn, cây xóa đói giảm nghèo cho người dân. Có tiềm năng, có lợi thế, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, người trồng cà phê Mường Ảng vẫn đau đáu một nỗi niềm đó là có thị trường ổn định tiêu thụ cho sản phẩm. Điều đó cần sự đổi mới trong liên kết sản xuất và rất cần sự “nhập cuộc” từ các “nhà” liên quan...

Thiếu bền vững trong liên kết

Đó là thực trạng phát triển cà phê hiện nay tại huyện Mường Ảng. Bởi lẽ, nhiều năm qua dù chính quyền địa phương đã có cơ chế thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và bao tiêu sản phẩm cà phê cho người dân. Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa Mường Ảng (thuộc Tập đoàn Thái Hòa) nay thuộc

Tập đoàn Hàng Hải đầu tư vào Mường Ảng là một ví dụ. Bước đầu doanh nghiệp đã liên kết với nông dân trồng cà phê theo mô hình nông dân góp tư liệu sản xuất (góp đất) còn doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư cây giống, phân bón... để trồng cà phê.

Tiếp đến, Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Với kiểu liên kết này, tưởng như mọi việc đều thuận lợi, vì người dân và doanh nghiệp cùng có lợi. Song quá trình thực hiện, người dân lại chẳng mặn mà. Nguyên nhân có nhiều, song tựu trung vẫn là do quyền lợi của người dân chưa đảm bảo. Đồng ý với việc doanh nghiệp liên kết thu mua nhưng có nhiều thời điểm giá thu mua của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường; yêu cầu khắt khe hơn và chưa nói đến tình trạng có thu mua nhưng “tiền tươi” không có...

Chính điều này, dẫn đến thực trạng, cà phê “trúng giá”, bà con “phá” liên kết, tự bán sản phẩm ra bên ngoài thay vì bán cho doanh nghiệp. Đến khi cà phê mất giá thì doanh nghiệp lại “hạn chế” thu mua... Lúc ấy, nông dân trồng cà phê chỉ biết than trời và lại thấp thỏm mong cà phê tăng giá.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng trên là do một bộ phận nông dân vẫn làm ăn vì lợi ích trước mắt. Còn về phía doanh nghiệp, một phần là do mô hình liên kết của doanh nghiệp với người dân chưa thực sự vì lợi ích hài hòa cho cả đôi bên.

Đó là mới chỉ bàn việc phát triển cà phê doanh nghiệp. Diện tích cà phê còn lại, hơn 2.600ha cà phê nhân dân thì tình trạng “được mùa, mất giá” còn ảnh hưởng nặng nề hơn. Bởi người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cà phê trong nước, giá cà phê thế giới. Khi khan hiếm hàng thì xảy ra tình trạng mua tranh, bán đắt, còn thị trường cà phê “chững” thì bà con cũng chỉ biết chờ đợi và chờ đợi...

Đổi mới liên kết để phát triển

Ngoài nguyên nhân chưa tìm được doanh nghiệp đủ mạnh để liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm, thì vấn đề tránh “độc quyền” của doanh nghiệp cũng là một vấn đề cần được quan tâm đối với chương trình phát triển cà phê Mường Ảng. Chỉ khi có hơn một doanh nghiệp đứng ra cùng người dân sản xuất và tiêu thụ thì vấn đề đảm bảo quyền lợi cho người trồng cà phê mới thực sự được đảm bảo. Cùng với đó, cũng cần phải có chính sách hỗ trợ người dân khi giá cà phê xuống thấp; coi chế biến, xuất khẩu cà phê như là một ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện...

Một thực tế khác cho thấy, gần 80% diện tích cà phê ở Mường Ảng nằm ở các nông hộ thì rất khó để hình thành nền sản xuất tập trung, bền vững. Do vậy việc thành lập các tổ hợp tác, các liên minh trong sản xuất cà phê để tạo sự thống nhất là điều cần thiết.

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc sản xuất cà phê bền vững đòi hỏi phải tuân thủ theo một quy trình khép kín, ngay từ khâu trồng phải đúng kỹ thuật, phù hợp với từng loại thổ nhưỡng và khí hậu; khâu chăm sóc cũng phải bảo đảm an toàn cho cây không bị sâu bệnh, ít rủi ro. #ến khi thu hoạch phải hái chín, hái đúng quy trình... Nhờ thế, các mô hình sản xuất cà phê sạch, bền vững có năng suất cao hơn cà phê sản xuất thông thường; chất lượng luôn được đánh giá cao, và có giá cao hơn.

Tuy nhiên, với quy trình sản xuất truyền thống của nông dân trồng cà phê Mường Ảng thì rất khó để nâng cao năng suất, chất lượng bền vững. Đơn cử, ngay khâu thu hái chỉ hơn 80% quả tươi được thu hái đảm bảo chất lượng, còn lại là quả xanh không đáp ứng yêu cầu.

Do đó, thay đổi tập quán sản xuất, thu hái cho người dân là việc làm cần thiết. Vì đó cũng là giữ thương hiệu cho cà phê Mường Ảng. Và đương nhiên, lợi ích kinh tế về lâu dài sẽ là của người dân. Từ đó, cà phê Mường Ảng sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.

Trao đổi với ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - người trực tiếp tham gia hội thảo quốc tế về “Triển vọng ngành cà phê 2013: Giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức trong khuôn khổ “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4” vào ngày 10/3 vừa qua, ông Lò Quang Chiêu cho biết: Hội thảo đã bàn và cung cấp rất nhiều thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, thị trường, giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê Việt Nam. Và quan điểm được thống nhất cao trong hội thảo đó là phải đổi mới tổ chức ngành hàng cà phê thông qua việc thành lập Ban Điều phối cà phê Việt Nam.

Đây là tổ chức có chức năng xây dựng chiến lược, điều phối và giám sát thực thi chính sách; điều phối thống nhất ngành cà phê; cấp phép hoạt động bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng; điều tiết và phát triển thị trường nhằm cân bằng cung cầu; đại diện cho Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề quốc tế về cà phê; phân xử trong trường hợp có tranh chấp liên quan...

Việc hình thành tổ chức này hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết tốt các tồn tại trong sản xuất cà phê, nhất là tình trạng sản xuất phân tán, tiêu thụ sản phẩm và cạnh tranh thị trường trong thời gian tới. Từ đó sẽ mở ra hướng phát triển mới cho cà phê Việt Nam nói chung và phát triển cà phê của tỉnh Điện Biên, cà phê Mường Ảng nói riêng.


Có thể bạn quan tâm

“Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ “Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ

Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.

18/06/2013
Đổi Đời Nhờ Mướp Đổi Đời Nhờ Mướp

Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.

10/09/2012
Biến Chim Cút Thải Loại Thành Chim Rừng Để Lừa Người Tiêu Dùng Biến Chim Cút Thải Loại Thành Chim Rừng Để Lừa Người Tiêu Dùng

Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên vỉa hè khu vực đầu cầu phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) xuất hiện một vài người bán những xâu chim đã được vặt lông sẵn, mỗi xâu có 30 – 40 con. Sáng ngày 17/4 lại xuất hiện một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh rêu bán chim.

19/04/2013
Quảng Nam Trồng Dưa Hấu VietGAP Quảng Nam Trồng Dưa Hấu VietGAP

Đề tài “Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây dưa hấu tại Quảng Nam” do Trung tâm KN-KN Quảng Nam thực hiện sau 3 vụ trồng/2 năm tại thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước (Phú Ninh) đã “ăn đứt” dưa hấu trồng truyền thống.

03/08/2013
Mở Đường Cho Khoai Lang Xuất Ngoại Mở Đường Cho Khoai Lang Xuất Ngoại

Nhằm tháo gỡ tình trạng giá khoai lang luôn bấp bênh và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Trường ĐH Cần Thơ vừa phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang”.

10/09/2012