Đổi Đời Sau 3 Năm Xây Dựng Nông Thôn Mới

Những con đường bê tông phẳng lì, những ngôi nhà ngày một khang trang, các cánh đồng sản xuất nông nghiệp trù phú... Đó là những đổi thay có thể nhìn thấy được ngay ở xã điểm nông thôn mới Tân Thịnh, huyện Lạng Giang. Còn nhớ, cách đây 3 năm (năm 2009), khi được Ban Bí thư Trung ương chọn làm xã điểm đại diện cho vùng trung du miền núi phía Bắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), Tân Thịnh còn ngổn ngang công việc, chưa tiêu chí nào đạt được.
Chỉ sau hơn 3 năm xây dựng, Tân Thịnh đã đạt tới 18/19 tiêu chí về NTM. Nông dân thành triệu phú Những ngày này, người dân Tân Thịnh đang hối hả thu hoạch khoai tây, cà chua bi để chuyển sang xuống giống vụ lúa chiêm xuân cho kịp thời vụ. Trên những con đường làng trải bê tông phẳng lì vươn tới khắp các cánh đồng của xã, người dân có thể đi xe máy, xe đạp ra tận ruộng của nhà mình. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Trưởng thôn Sậm Diêm Lập Trọng. Bới những củ khoai tây óng vàng, ông Trọng giới thiệu: “Vụ vừa rồi, chúng tôi được xã đưa về 2 giống khoai tây là Alaska của Đức và Atlantic để trồng cung cấp cho các cơ sở sản xuất mì ăn liền và bim bim.
Ưu điểm của các giống khoai này là củ to, sai củ và năng suất cao”. Sau khi được xã đưa giống về, ông Trọng đã đi mượn đất của bà con trong thôn để trồng 6 ha khoai. Kết quả, chỉ sau 80 ngày, ông đã thu hoạch được hàng trăm tấn khoai, lãi hơn 300 triệu đồng. Không có diện tích lớn như ông Trọng, ông Trần Quốc Toản ở thôn Lèo chỉ với 4 sào cà chua bi và 4 lao động trong gia đình cũng thu về 60 triệu đồng lợi nhuận. Ông Toản nói: “Từ khi có Chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã được xã hỗ giống, kỹ thuật, rồi cả đầu ra cho sản phẩm, nên trồng cà chua bi rất có hiệu quả, không lo bị ế”. Ông Đặng Đình Thìn - Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Thịnh cho biết: “Đối với mô hình sản xuất khoai tây, cả xã đã có 280 hộ tham gia, còn mô hình cà chua bi cũng có 300 hộ.
Ngoài ra, mô hình trồng cây thuốc lá 2 vụ cũng đã mở rộng diện tích lên tới 120 ha, cùng các mô hình trồng nấm, trồng hoa chất lượng cao, sản xuất đá mỹ nghệ, sản xuất mì Chũ theo công nghệ mới và chăn nuôi lợn trang trại đang rất thành công”. Từ các mô hình sản xuất này, Tân Thịnh đã tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân đầu người từ 11,9 triệu đồng năm 2009 đã tăng lên 23 triệu đồng/người/năm. Đã đạt 18 tiêu chí Về Tân Thịnh hôm nay, chúng tôi nhận thấy, hình hài của một mô hình NTM đã cơ bản hoàn thiện. Trong đó, công trình đầu tiên chính là trụ sở làm việc của xã với 3 tầng khang trang, cùng hội trường đa năng hiện đại và khu liên hiệp thể thao đang chuẩn bị khánh thành… Chỉ sau 3 năm triển khai Chương trình NTM, Tân Thịnh đã triển khai gần 70 hạng mục công trình từ xã đến thôn, trong đó nhiều công trình đã cơ bản hoàn thiện như: Giao thông, thuỷ lợi, điện, chợ nông thôn, y tế, giáo dục, văn hoá…
Hiện Tân Thịnh chỉ còn duy nhất 1 tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM là chuyển dịch cơ cấu lao động và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012 này. “Lúc đầu nghe nói tới NTM người dân trong xã chẳng ai hiểu gì cả, chỉ đến khi thấy người dân được hưởng thụ thành quả, nhiều nhà có “bát ăn, bát để”, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, chúng tôi mới hiểu NTM là gì” - bà Nguyễn Thị Nho ở thôn Lèo phấn khởi nói. Theo báo cáo của UBND xã Tân Thịnh, sau 3 năm triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình NTM, Tân Thịnh từ chỗ chỉ đạt 8 tiêu chí NTM, đến nay đã hoàn thành 18/19 tiêu chí. Cụ thể, 100% đường ngõ xóm đã được cứng hóa, không còn lầy lội vào mùa mưa, 100% kênh mương do xã quản lý được kiên cố, 100% số hộ trong xã được sử dụng điện, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia. Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thịnh liên tục 16 năm liền đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định…
Có thể bạn quan tâm

Từ khi cao su xuống giá, nhiều nông dân đã tìm cây trồng thay thế. Nhiều hộ bắt đầu trồng những cây có hướng kinh tế cao hơn, trong đó nổi lên là cây sưa đỏ. Những lời đồn thổi về giá trị của cây sưa đỏ trưởng thành đã khiến không ít nông dân ồ ạt chạy theo.

Nhiều hộ đã chịu khó tìm tòi đầu tư con giống, xây dựng chuồng trại quy mô và nhím được coi là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, thậm chí là “khủng” cho người dân nơi đây, có không ít hộ giàu lên nhờ nuôi nhím. Còn giờ đây, giá nhím rớt thê thảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi con vật này rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Những ngày qua, hàng trăm hecta cà phê trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị rụng trái hàng loạt. Người trồng cà phê ở đây rất lo lắng, vì chưa có biện pháp xử lý. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dân cho nông dân.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi đã và đang mang lại lợi nhuận cao, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều địa phương.

Nấm có giá trị dinh dưỡng cao, giòn, ngọt, sử dụng đa dạng trong bữa ăn và hiện tại trên thị trường rất được ưa chuộng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất nấm chân dài cho hộ nông dân, cung cấp thêm cho người tiêu dùng một loại nấm ăn chất lượng cao.