Doanh nghiệp săn chuối làm hàng Tết nông dân mừng rơn vì được giá

Giá nguyên liệu tăng kỷ lục
Những ngày này, đi khắp các nẻo đường thuộc khu vực rừng U Minh Hạ, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân tất bật thu hoạch, dọn lá, chiết thân trồng chuối mới tạo nên một sức sống mới cho đồng đất nơi đây.
Người dân phấn khởi thu hoạch chuối.
Theo chân cán bộ địa phương, chúng tôi đến gia đình anh Nguyễn Văn Thắng ở ấp 12, xã Khánh Thuận (U Minh) chứng kiến gia đình anh đang tất bật đưa cơ giới vào cuốc bờ bao để tiếp tục trồng thêm hơn 1000 cây chuối, nâng tổng số chuối của gia đình lên gần 4.000 gốc.
“Lúc trước, giá chuối xuống thấp quá nên tôi cũng nản, có lúc muốn bỏ hẳn.
Nhưng suy đi nghĩ lại cái gì cũng có lúc thăng, lúc trầm, cây chuối cũng mang về cho mình thu nhập đáng kể nên cố gắng duy trì.
Giờ chuối tăng giá, đây là đợt tăng giá cao nhất từ trước đến nay nên tôi và bà con mừng lắm.
Hôm rồi với 3.000 gốc chuối, tôi thu hoạch hơn 6 triệu đồng, tăng gần 3 triệu đồng so với thời điểm trước Tết”, anh Thắng chia sẻ.
Cùng ngụ xã Khánh Thuận, bà Lê Thị Mai, một trong những hộ trồng chuối lâu năm ở ấp 18 vô cùng phấn khởi khi giá chuối liên tục tăng.
“Không vui sao được bởi trước đây với hơn 2.000 gốc vào thời điểm chuối sụt giá, không có người mua, gia đình chỉ còn biết lấy chuối làm thức ăn cho cá, cho heo.
Giờ chuối của gia đình thu hoạch bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết”.
Được biết, đợt này bà Mai vừa bán hơn 1.000 nải và hơn 60 bắp chuối, thu về gần 5 triệu đồng.
Đó là những hộ bán chuối mối, còn các hộ bán chuối không có mối có khi bán được từ 5.000 – 6.000 đồng/nải, có hôm lên tới 7.000 đồng/nải.
Tuy nhiên, hình thức bán này không được người trồng ưa thích vì ai cũng muốn đảm bảo uy tín làm ăn lâu dài.
Bắp chuối cũng… “leo thang”
Người dân địa phương cho biết, bên cạnh việc giá chuối nguyên liệu tăng cao thì giá bắp chuối cũng tăng đáng kể, hiện được các thương lái đến tận nơi thu mua với giá từ 5-6 ngàn đồng thay vì 3-4 ngàn đồng so với dịp trước Tết.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nga (ngụ xã Khánh Lâm), người có gần 3,5 ngàn gốc chuối cho biết: “Bên cạnh nguồn thu chính từ chuối nguyên liệu, bắp chuối cũng mang về cho gia đình tôi một nguồn thu nhập tuy không nhiều nhưng đã giúp gia đình rất nhiều trong việc trang trải cuộc sống.
Cũng như chuối nguyên liệu, mỗi tháng thu hoạch bắp chuối 2 lần, mỗi lần cũng kiếm thêm từ 300 - 400 ngàn đồng, những đợt nhiều có khi lên đến 500 - 600 ngàn đồng”.
Qua tìm hiểu được biết, đây là đợt tăng giá đầu tiên trong năm 2015 sau khi chuối giảm giá mạnh từ trước Tết Nguyên đán 2015, đã thắp lại hy vọng cho người dân xứ rừng.
Theo các thương lái, giá chuối tăng là do các công ty chế biến chuối khô trong nước đang cần nguyên liệu để làm khô phục vụ Tết Nguyên đán 2016.
Bên cạnh đó, các công ty của Trung Quốc cũng bắt đầu nhập chuối trở lại dẫn đến tình trạng chuối nguyên liệu khan hiếm.
Ông Trần Huy Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh đánh giá: “Chuối là một trong những loại cây trồng mang về nguồn thu khá lớn cho người dân trên địa bàn huyện U Minh.
Tuy có thời điểm giá chuối xuống thấp nhưng nó vẫn duy trì được nguồn thu cho người dân…”.
Ngoài ra, ông Quang còn cho biết thêm, để phát triển loại cây trồng này trong thời gian tới, huyện và hội sẽ khuyến khích bà con nuôi một số vật nuôi kết hợp với trồng chuối như vịt xiêm, heo, cá… để tận dụng hết tiềm năng của cây chuối, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Trước thực trạng người nuôi tôm trên cát liên tiếp bị thua lỗ, nhiều diện tích người nuôi tôm chuyển sang nuôi kết hợp với ốc hương. Mô hình này đang dấy lên mối lo ngại “lợi bất cập hại”?

Toàn huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) có 4 xã nuôi ngao với tổng diện tích 703 ha. Nếu thời tiết thuận lợi và không dịch bệnh, mỗi năm cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn/ha. Mặc dù sản phẩm làm lớn, nhưng nghề nuôi ngao ở Hậu Lộc vẫn chưa phát huy được hiệu quả bởi đường ra thị trường còn nhiều “chướng ngại”.

Nhằm góp phần khắc phục, cải thiện và bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh An Giang, theo kế hoạch quy hoạch và bảo vệ môi trường đến năm 2020, tỉnh đã đề ra Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ BVMT.

Sáng 9/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với thị trấn Thuận An (Phú Vang) tổ chức thả tôm sú, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển Thuận An.

Thay thế sức kéo của 8 người, rút ngắn thời gian kéo chỉ còn 1/5 lần, tăng lượt thả lưới gấp 3 lần… chiếc máy kéo lưới bằng thủy lực do anh Lê Phước Hoàng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), chủ cơ sở sửa chữa động cơ máy thủy Phước Hoàng chế tạo đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con ngư dân hành nghề đánh bắt lưới rê, lưới cá.