Doanh nghiệp hồ tiêu đề nghị xây phòng kiểm định chất lượng

Theo ông Hà Huy Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex (Pitco), để xuất khẩu được hồ tiêu sang các thị trường khó tính, Pitco phải thuê chuyên gia nước ngoài về kiểm tra 80 chỉ tiêu thuốc BVTV mà các đơn vị kiểm định hàng đầu trong nước không thể kiểm định được. Tuy nhiên, việc này tốn nhiều chi phí của công ty.
Không chỉ riêng Pitco gặp phải vấn đề này, theo bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay các phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế có thể kiểm định được 543 chỉ tiêu nhưng các phòng kiểm định trong nước chỉ có chưa đến 200 chỉ tiêu.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong Hiệp hội muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính thường phải gửi mẫu xuất khẩu ra nước ngoài trước 2 tuần với chi phí không hề nhỏ. Bà Oanh đề nghị, nên chăng nhà nước bỏ tiền đầu tư một phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế và thu lại phí kiểm định hoặc đầu tư dưới hình thức góp vốn với doanh nghiệp tư nhân để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, Bộ sẽ đề nghị Cục quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tìm hiểu xem để đầu tư một phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế thì cần bao nhiêu tiền, máy gì, mua ở đâu và trong tháng 4 này phải báo cáo lại bộ trưởng.
Bà Oanh cho hay, theo tìm hiểu, để đầu tư một nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế cần khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, không phải chỉ đầu tư là xong mà cần phải xây dựng được uy tín cho phòng kiểm định này. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường không tin tưởng vào các đơn vị kiểm định trong nước và luôn chỉ định các phòng kiểm định nước ngoài.
“Nếu xây dựng phòng kiểm định thì trước mắt phòng kiểm định này phải tạo dựng được uy tín với các doanh nghiệp nước ngoài, tức hàng hóa sau khi phân tích tại phòng thí nghiệm này thì xuất khẩu được. Nếu không thì phòng kiểm định có đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng sẽ bị bỏ không, gây lãng phí” – bà Oanh nói.
Tỉ lệ hàng bị trả về nhiều
Bên cạnh việc gặp khó khăn trong việc kiểm định chất lượng, theo bà Oanh, thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu còn phàn nàn về việc tỉ lệ các đơn hàng bị trả về trong những tháng đầu năm nay nhiều hơn những năm trước nhưng Hiệp hội không có con số cụ thể.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu, hiện nay có thông tin phản ánh là do quá trình thu hoạch và trữ tiêu, nông dân đã sử dụng chất carbedazim để trữ tiêu và trừ nầm.
Hơn nữa, tiêu hiện được thu mua qua hệ thống thương lái từ các hộ nhỏ, nên tiêu sạch và tiêu bẩn trộn lẫn nhau để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm đạt 38.000 tấn, trị giá 342 triệu đô la Mỹ, tăng 3% về giá trị nhưng giảm tới 23,1% về lượng. Điều này, theo nhiều danh nghiệp trong ngành là do tỉ lệ đơn hàng bị trả về nhiều.
Hiệp hội Hồ tiêu đề nghị Bộ NNPTNT khảo sát đánh giá về hiện trạng canh tác hồ tiêu hiện nay xem liệu có dư lượng thuốc BVTV hay không? Nếu có thì ở khâu nào trong quá trình canh tác, do nông dân không hiểu biết hay lạm dụng để đảm bảo sản lượng? hay do quá trình thu mua?
“Nếu cứ để tình trạng như hiện nay thì hàng sẽ không xuất khẩu được” – bà Oanh nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, hiện nay tại một số nơi có dịch bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu. Nguyên nhân là do biến trùng lan truyền trong đất nhưng nông dân không biết nên phun thuốc trên cây. Bộ đã tìm ra biện pháp chữa bệnh và sẽ hướng dẫn phổ biến trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa Đông Xuân sớm, nông dân phấn khởi vì trúng mùa được giá. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao ngày, đến thời điểm này ở Vĩnh Long, khi những cánh đồng lúa phía Bắc QL1 như TX Bình Minh, Bình Tân và một phần của huyện Tam Bình đang vào vụ chín rộ thì giá lúa rớt từng ngày. Nông dân kêu trời, còn nhiều thương lái mua lúa đã bỏ cả tiền đặt cọc và… “biến mất dạng”.

Siêu bão số 10 đã gây ra thiệt hại lớn cho cây cao su ở khu vực Bắc Trung bộ, trong đó, Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng với bản tính cần cù chịu khó của người miền Trung, những vườn cao su tan hoang sau bão giờ vẫn sẽ được thay thế bằng những vườn cao su mới.

Hiện nay giá kén rất ổn định trên 140.000 đồng/kg, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá. Các hộ nuôi tằm ở Hoài Ân kiến nghị các cơ quan chuyên môn giúp bà con biện pháp bảo vệ tốt cây dâu để tiếp tục phát triển nghề nuôi tằm.

Nếu như tại Bình Định, cho đến lúc này có khoảng 300ha lúa bị thiếu nước tưới thì tại Phú Yên, mía - cây trồng chủ lực của nông dân miền núi đang bị khô và cháy, khiến thu nhập của người trồng mía bị giảm sút, thậm chí mất trắng.

Trong năm qua, sản lượng chôm chôm của xã Phú Phụng (Bến Tre) xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đạt hơn 15.000 tấn và giá cả cũng ổn định hơn…