Doanh Nghiệp Điêu Đứng Vì Công Nhân Bỏ Thuốc Chuột Vào Hàng Xuất Khẩu

Nhà máy phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua sau khi lô thủy sản xuất khẩu sang Nhật bị phát hiện có chứa thuốc chuột, phân người.
Cuối tháng 7/2014, 2 hãng tin lớn của Nhật là Japan Times và NHK đồng loạt đưa tin chính quyền tỉnh Yamaguchi (Nhật) phát hiện một số lô cá đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam có dính thuốc diệt chuột và chất bị nghi là phân người. Các vật phẩm này được tìm thấy trong các hộp các tông loại 5kg chứa cá đông lạnh, gói trong túi nilon tại hai siêu thị.
Quan chức y tế tỉnh Yamaguchi sau đó đã xác định chất bột này là loại thuốc diệt chuột có chứa diphacinone - hóa chất có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Nếu bị nhiễm lượng lớn, người dùng có thể bị đau đầu, nôn mửa dẫn đến tử vong. Sau đó, Imura đã bắt đầu thu hồi số sản phẩm trên. Đây là lô hàng được nhập khẩu từ tháng 5, do Công ty Rich Beauty (Thái Bình, Việt Nam) sản xuất.
Sau sự việc, phía Nhật Bản đã gửi thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và ngừng nhập hàng của Rich Beauty.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết do đây là sự việc rất nghiêm trọng, có dấu hiệu của sự phá hoại và ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không riêng tại thị trường Nhật mà cả ở những quốc gia khác nên cơ quan này đã phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ.
Mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sự việc này. Nghi phạm là Trần Xuân Trình - công nhân tổ bảo quản sản phẩm xuất khẩu của Rich Beauty. Theo điều tra ban đầu Trình đã cho thuốc diệt chuột, chất thải, dao mổ cá và ốc vít vào hàng xuất khẩu sang Nhật Bản làm mất uy tín của công ty nhằm ít việc để được nghỉ theo cam kết.
Trao đổi với VnExpress, đại diện công ty cho biết từ khi xảy ra sự việc (khoảng 2 tháng nay), doanh nghiệp phải ngừng sản xuất vì thị trường chính là Nhật Bản đều bị "đóng cửa".
"Trước đó, chúng tôi chỉ tập trung thị trường Nhật nên không đẩy mạnh việc mở rộng các quốc gia khác. Khi xảy ra sự cố, không được xuất sang quốc gia này nữa, nhà máy buộc phải ngừng sản xuất để chờ đợi kết luận từ phía cơ quan điều tra. Doanh thu và uy tín đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đầu tháng 9, chúng tôi mới xin được chứng thư để xuất hàng sang thị trường khác, tuy nhiên chưa có nhiều khách hàng nên nhà máy vẫn đóng cửa", vị này nói.
Đại diện doanh nghiệp cũng cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan điều tra sẽ làm việc với Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, phía cơ quan chức năng cũng như các đối tác Nhật để tiếp tục được xuất khẩu hàng sang thị trường này. "Tuy nhiên, có lẽ phải mất một vài tháng hoạt động mới trở lại bình thường được. Hơn nữa, chưa chắc chúng tôi đã tiếp tục ký được hợp đồng với các đối tác cũ", vị này lo ngại.
Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng tháng 8 năm 2007 tại Khu cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Đây là đơn vị chế biến hải sản cao cấp 100% vốn của Đài Loan. Các sản phẩm chế biến chính của doanh nghiệp là tôm và cá đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Australia. Trung bình, Rich Beauty có 400 công nhân, lúc cao điểm là 700 người. 5 tháng đầu năm 2014, ước tính doanh thu của công ty đạt trên 4 triệu USD.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 8/3, Chi cục Thú y Hà Nội tổ chức triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 cho gần 600 cán bộ thú y của các trạm thú y trên địa bàn TP.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, đánh giá dịch cúm gia cầm đang có hiện tượng lây lan. Sau Trảng Bom và Cẩm Mỹ, huyện Vĩnh Cửu là địa phương thứ 3 của tỉnh xuất hiện dịch trên đàn vịt hơn 20 ngàn con.

Tỉnh Bắc Cạn tập trung phát triển đàn lợn giống Móng Cái thuần trên địa bàn từ hai năm nay với mong muốn tạo đàn lợn giống để cung cấp đủ con giống nuôi thương phẩm tại chỗ, phòng, chống dịch bệnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, để đề án thành hiện thực, tránh lãng phí, đến nay vẫn cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 28.000 ha hồ tiêu, chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông, với năng suất đạt 3,5 tấn/ha.

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Hoan ở khu phố Phú Tân, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài - Bình Phước) được một người giới thiệu trồng cây hông (Paulownia) cho lợi nhuận cao. Với ước muốn làm giàu, anh Hoan đã bỏ hàng ngàn USD mua giống trồng để rồi thu về “trái đắng”.