Doanh Nghiệp Bỏ Rơi Cánh Đồng Mẫu

Vụ đông xuân năm 2012, xã Phú Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) xây dựng mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.800ha. Trong đó, gần 850ha được doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, DN đã không thu mua lúa cho nông dân.
Bán cho dân phân bón giá cao
Bước vào vụ đông xuân, HTX Nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường) đại diện cho 245 hộ nông dân ký hợp đồng ghi nhớ về việc bao tiêu sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp với tổng diện tích 600ha lúa Jasmine. Công ty cổ phần Docimexco (Đồng Tháp) là đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp với giá tương đương đại lý cấp I và sau đó sẽ bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao của nông dân.
Hợp đồng ký chưa được bao lâu, đã xuất hiện sự bất ổn ngay từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Trãi- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Cường cho biết: “Khi đến vụ sản xuất, Docimexco vẫn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn giá thị trường từ 3 - 5%, tương đương như giá của đại lý cấp III. Vì vậy, nông dân không chấp nhận và đã mua ở đại lý bên ngoài với giá thấp hơn giá Công ty Docimexco cung ứng”.
Cũng như HTX Tân Cường, HTX Nông nghiệp Phú Cường với 508 hộ đã xây dựng cánh đồng mẫu với diện tích 600ha, trong đó 250ha lúa Jasmine được ký hợp đồng bao tiêu với Docimexco, nhưng thực tế không như cam kết. Ông Dương Văn Hùng- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Cường cho biết: “Công ty cung ứng vật tư nông nghiệp với giá cao hơn thị trường, nhưng lại không đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu của nông dân. Vì vậy, hầu hết các hộ nông dân trong HTX đều không chấp nhận mua vật tư nông nghiệp của công ty”.
Ông Huỳnh Văn Nhu - người canh tác 6ha lúa Jasmine, ở ấp B, xã Phú Cường, cho biết: “Công ty hứa cung ứng vật tư nông nghiệp với giá của đại lý cấp I nhưng thực tế lại cao hơn nhiều, thủ tục lại rườm rà. Trong khi đó, mua ở chỗ khác, chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là được cung ứng hàng ngay tại bờ ruộng”.
Dân mất lòng tin
Gần đến ngày thu hoạch lúa, các HTX ở huyện Tam Nông đã gửi văn bản đến Docimexco và các cơ quan chức năng để bàn hướng thu mua lúa của các xã viên. Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện Docimexco đã thống nhất mua tất cả 400ha lúa theo giá thị trường. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, Docimexco đã quay ngược lại, không chịu thu mua lúa với lý do… lúa chưa chín.
Ông Trãi bức xúc nói: “Nông dân làm cánh đồng mẫu theo đúng quy trình, có sổ nhật ký trong suốt mùa vụ. Dự kiến ngày thu hoạch là từ 4 đến 8.3, nên đã hợp đồng với máy gặt đập liên hợp để thu hoạch… Tuy nhiên, đại diện công ty lấy lý do chưa chín nên dời ngày thu hoạch từ 8 đến 12.3 mới chịu thu mua”. Không chấp nhận thời gian mà công ty đưa ra nên tất cả nông dân tham gia làm cánh đồng mẫu đều thu hoạch như dự kiến và chấp nhận bán lúa ở bên ngoài với giá thấp hơn. Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp A, xã Phú Cường, trồng 2ha lúa Jasmine và thu hoạch được khoảng 17 tấn lúa tươi. Ông cho hay: “Tôi phải phơi khô lúa bán với giá 6.500 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường lúc đó khoảng 200 đồng/kg”.
Ông Phùng Công Thanh- Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: “Công ty tìm mọi lý do để không thu mua lúa của nông dân đã làm thiệt hại khoảng 200 đồng/kg. Nghiêm trọng hơn, sự việc này còn gây mất lòng tin đối với việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chính sự “bỏ rơi” của DN đã tạo ra khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu ở những vụ sau”.
Đến nay, HTX Tân Cường đã thu hoạch xong 400ha lúa của cánh đồng mẫu với tổng sản lượng khoảng hơn 28.000 tấn. Còn lại hàng trăm ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch ở 2 HTX Tân Cường và Phú Cường đã ký kết với Docimexco, nhưng hiện công ty này vẫn chưa cho biết có mua hay không.
Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT):
“Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc doanh nghiệp “bỏ rơi” cánh đồng mẫu ở Đồng Tháp. Cục đang có kế hoạch đi kiểm tra tình hình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu ở ĐBSCL vào giữa tuần này”. Cũng theo ông Ngọc, nếu đúng có vụ việc như thế, sẽ xử lý doanh nghiệp nghiêm khắc vì đây là chương trình thí điểm của Nhà nước đang tạo được sự đồng thuận rất lớn ở các địa phương, cũng như bà con nông dân.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp:
“Chúng tôi đã cho kiểm tra vụ việc, thấy mâu thuẫn giữa công ty và nông dân chủ yếu ở thời điểm thu hoạch, bên bảo sớm, bên bảo muộn, rồi không thống nhất giá cả. Sắp tới sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm, dứt khoát vụ sau cả hai bên phải hài hoà lợi ích”.
Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, chúng tôi được cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Ảng đưa đi tham quan mô hình nuôi giun quế của ông Quàng Văn Tây, bản Bua 2, xã Ẳng Tở. Đây là một trong những mô hình được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đầu tư giống giun quế ban đầu.

Khai thác tốt tiềm năng đất đai trong trồng trọt và chăn nuôi đã giúp nhiều nông dân huyện Lấp Vò tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Điển hình như hộ ông Phạm Quang Tuyến ở ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung với mô hình nuôi cá lóc, cá thác lác cườm kết hợp trồng xen canh mít thái trên bờ ao đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là dự án phát triển sản xuất thâm canh lúa nếp gà gáy Mỹ Lung thành vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện năm 2009 - 2011; mô hình gieo trồng giống lúa (N ưu 838, N ưu 7), 2 giống ngô lai NK 4.300 và DK 9955 và một số mô hình của giống lúa, ngô khác đã được khảo nghiệm trong 4-5 năm trở lại đây…

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã thống nhất phê duyệt danh sách 40 ngư dân được vay vốn ngân hàng đợt 1 năm 2014 để đóng mới tàu cá theo chủ trương của Chính phủ. Đây là những ngư dân đầu tiên chuẩn bị được vay vốn theo Nghị định 67…

Theo đó, có 40 tàu được hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu có công suất lớn để đánh bắt hải sản, trong đó có 37 tàu cá, 3 tàu dịch vụ hậu cần. Trong số đó có 15 tàu đóng mới bằng chất liệu vỏ thép, 2 chiếc bằng chất liệu vỏ composite, 23 chiếc bằng chất liệu vỏ gỗ.