Doanh Nghiệp Bỏ Rơi Cánh Đồng Mẫu

Vụ đông xuân năm 2012, xã Phú Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) xây dựng mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.800ha. Trong đó, gần 850ha được doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, DN đã không thu mua lúa cho nông dân.
Bán cho dân phân bón giá cao
Bước vào vụ đông xuân, HTX Nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường) đại diện cho 245 hộ nông dân ký hợp đồng ghi nhớ về việc bao tiêu sản phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp với tổng diện tích 600ha lúa Jasmine. Công ty cổ phần Docimexco (Đồng Tháp) là đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp với giá tương đương đại lý cấp I và sau đó sẽ bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao của nông dân.
Hợp đồng ký chưa được bao lâu, đã xuất hiện sự bất ổn ngay từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Trãi- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Cường cho biết: “Khi đến vụ sản xuất, Docimexco vẫn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn giá thị trường từ 3 - 5%, tương đương như giá của đại lý cấp III. Vì vậy, nông dân không chấp nhận và đã mua ở đại lý bên ngoài với giá thấp hơn giá Công ty Docimexco cung ứng”.
Cũng như HTX Tân Cường, HTX Nông nghiệp Phú Cường với 508 hộ đã xây dựng cánh đồng mẫu với diện tích 600ha, trong đó 250ha lúa Jasmine được ký hợp đồng bao tiêu với Docimexco, nhưng thực tế không như cam kết. Ông Dương Văn Hùng- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Cường cho biết: “Công ty cung ứng vật tư nông nghiệp với giá cao hơn thị trường, nhưng lại không đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu của nông dân. Vì vậy, hầu hết các hộ nông dân trong HTX đều không chấp nhận mua vật tư nông nghiệp của công ty”.
Ông Huỳnh Văn Nhu - người canh tác 6ha lúa Jasmine, ở ấp B, xã Phú Cường, cho biết: “Công ty hứa cung ứng vật tư nông nghiệp với giá của đại lý cấp I nhưng thực tế lại cao hơn nhiều, thủ tục lại rườm rà. Trong khi đó, mua ở chỗ khác, chúng tôi chỉ cần gọi điện thoại là được cung ứng hàng ngay tại bờ ruộng”.
Dân mất lòng tin
Gần đến ngày thu hoạch lúa, các HTX ở huyện Tam Nông đã gửi văn bản đến Docimexco và các cơ quan chức năng để bàn hướng thu mua lúa của các xã viên. Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, đại diện Docimexco đã thống nhất mua tất cả 400ha lúa theo giá thị trường. Tuy nhiên, sau buổi làm việc, Docimexco đã quay ngược lại, không chịu thu mua lúa với lý do… lúa chưa chín.
Ông Trãi bức xúc nói: “Nông dân làm cánh đồng mẫu theo đúng quy trình, có sổ nhật ký trong suốt mùa vụ. Dự kiến ngày thu hoạch là từ 4 đến 8.3, nên đã hợp đồng với máy gặt đập liên hợp để thu hoạch… Tuy nhiên, đại diện công ty lấy lý do chưa chín nên dời ngày thu hoạch từ 8 đến 12.3 mới chịu thu mua”. Không chấp nhận thời gian mà công ty đưa ra nên tất cả nông dân tham gia làm cánh đồng mẫu đều thu hoạch như dự kiến và chấp nhận bán lúa ở bên ngoài với giá thấp hơn. Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp A, xã Phú Cường, trồng 2ha lúa Jasmine và thu hoạch được khoảng 17 tấn lúa tươi. Ông cho hay: “Tôi phải phơi khô lúa bán với giá 6.500 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường lúc đó khoảng 200 đồng/kg”.
Ông Phùng Công Thanh- Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: “Công ty tìm mọi lý do để không thu mua lúa của nông dân đã làm thiệt hại khoảng 200 đồng/kg. Nghiêm trọng hơn, sự việc này còn gây mất lòng tin đối với việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chính sự “bỏ rơi” của DN đã tạo ra khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc vận động nông dân xây dựng cánh đồng mẫu ở những vụ sau”.
Đến nay, HTX Tân Cường đã thu hoạch xong 400ha lúa của cánh đồng mẫu với tổng sản lượng khoảng hơn 28.000 tấn. Còn lại hàng trăm ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch ở 2 HTX Tân Cường và Phú Cường đã ký kết với Docimexco, nhưng hiện công ty này vẫn chưa cho biết có mua hay không.
Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT):
“Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc doanh nghiệp “bỏ rơi” cánh đồng mẫu ở Đồng Tháp. Cục đang có kế hoạch đi kiểm tra tình hình thực hiện mô hình cánh đồng mẫu ở ĐBSCL vào giữa tuần này”. Cũng theo ông Ngọc, nếu đúng có vụ việc như thế, sẽ xử lý doanh nghiệp nghiêm khắc vì đây là chương trình thí điểm của Nhà nước đang tạo được sự đồng thuận rất lớn ở các địa phương, cũng như bà con nông dân.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp:
“Chúng tôi đã cho kiểm tra vụ việc, thấy mâu thuẫn giữa công ty và nông dân chủ yếu ở thời điểm thu hoạch, bên bảo sớm, bên bảo muộn, rồi không thống nhất giá cả. Sắp tới sẽ có cuộc họp để rút kinh nghiệm, dứt khoát vụ sau cả hai bên phải hài hoà lợi ích”.
Có thể bạn quan tâm

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng canh tác gặp nhiều khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất. Trong vụ đông xuân 2013 - 2014, Tiền Giang chỉ gieo sạ 78.500 ha, giảm khoảng 2.000 ha so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích giảm trên được chuyển đổi sang trồng màu tết, lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản hoặc cây trồng phù hợp khác.

Trồng tre điền trúc lấy măng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ấp 2 và ấp 3, xã Thành Tâm (Chơn Thành - Bình Phước). Năm nay mùa mưa đến sớm, mưa nhiều nên được mùa măng.

Trước kia, người dân xã Hồng An (Hưng Hà - Thái Bình) chủ yếu thu nhập từ 2 vụ lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gần chục năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa dạng các loại cây rau màu giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng rau màu cho thu nhập cao, ổn định, bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Chương trình “1 phải, 5 giảm” (1P5G) ngày càng được nhiều nông dân huyện Châu Thành (An Giang) áp dụng. Bởi, chương trình không những tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận mà còn bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nông dân.

Những tháng đầu năm 2013, tình hình nuôi và tiêu thụ cá tra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến không thuận lợi do giá cá tra nguyên liệu hầu như luôn nằm dưới giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá lỗ nặng, phải thu hẹp sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra xuất khẩu (XK) lại cạnh tranh nhau về giá XK cá tra phi lê dẫn đến giá cá liên tục giảm.