Đoan Hùng tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Mặc dù đầu vụ gặp khó khăn do hạn, huyện đã chỉ đạo khắc phục kịp thời để đủ nước cấy và tưới dưỡng cho lúa. Diện tích lúa vụ mùa của huyện đạt gần 3.400ha, trong đó diện tích lúa lai hơn 2.300ha, lúa chất lượng cao gần 400ha. Diện tích áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến đạt hơn 1 nghìn ha. Do được đầu tư thâm canh theo hướng dẫn kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Đáng chú ý đầu tháng 8 sâu cuốn lá nhỏ đã gây hại trên các trà. Diện tích nhiễm sâu cuốn lá hơn 2 nghìn ha, trong đó nhiễm nhẹ hơn 1nghìn ha, nhiễm trung bình gần 750ha, nhiễm nặng hơn 230ha. Diện tích đến ngưỡng phải phòng trừ hơn 1.000ha. Mật độ sâu cuốn lá nhỏ phổ biến 15-30 con/m2; cao 50-80 con/m2, cục bộ 120-160 con/m2.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đoan Hùng cho biết: “Trước tình hình sâu bệnh gây hại trên các trà lúa. Huyện ủy có văn bản phân công các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, thị trấn xuống cơ sở đôn đốc, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trong thời gian cao điểm. UBND huyện đã ban hành công văn, công điện về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh vụ mùa và thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh”.
Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, Trạm BVTV huyện ban hành thông báo khẩn và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ; viết bài tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh gửi các xã, thị trấn phát trên đài truyền thanh để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với Đài truyền thanh huyện phát phóng sự về chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV.
Các xã, thị trấn tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo sản xuất, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa; tăng cường thông tin tuyên truyền trên đài truyền thanh, đọc thông báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh 2-3 lần/ngày để các hộ dân chủ động phòng trừ sâu bệnh. Anh Trần Đình Quý ở xã Phong Phú cho biết: “Năm nay tôi thấy các cán bộ đi thăm đồng nhiều hơn. Ti vi, đài truyền thanh xã liên tục phát thông tin về tình hình sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ. Chúng tôi đã phun thuốc khẩn trương theo hướng dẫn nên sâu bệnh đã giảm hẳn”.
Do mưa kéo dài nên tiến độ phun thuốc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Huyện đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn huy động lực lượng, phân công cán bộ phụ trách xã xuống trực tiếp chỉ đạo tại cơ sở gắn trách nhiệm cụ thể; đôn đốc cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết tạnh mưa tổ chức phun thuốc ngay. Phối hợp với các xã, thị trấn, các HTX, tổ dịch vụ liên hệ với các công ty, cửa hàng cung ứng thuốc BVTV để được cung ứng chậm trả cho bà con nông dân. Tổ chức dịch vụ phun thuốc tập trung bằng bình động cơ trên những diện tích có mật độ cao, nguy cơ thiệt hại lớn.
Kết thúc thời gian phòng trừ sâu cuốn lá, huyện tiếp tục chỉ đạo theo dõi phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh khác như: Bệnh khô vằn, bọ xít dài, rày các loại, chuột... để đảm bảo an toàn cho sản xuất, phấn đấu đạt năng suất 51 tạ/ha, sản lượng 18.615 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.644 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ước khai thác biển đạt 1.542 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Nhiều năm qua, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngọt đặc trưng của trái quýt đường tại vùng đất Hậu Giang, mà điển hình là thương hiệu quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do một vài nguyên nhân khách quan và việc thay đổi tập quán canh tác nên vô tình người dân đang đánh mất dần vị ngọt vốn có của quýt đường.

Theo Chi cục NTTS tỉnh, nhờ tập trung công tác chỉ đạo mùa vụ nuôi các đối tượng thủy sản hợp lý, qua hơn 6 tháng đầu năm đã cho thấy kết quả đạt được rất khả quan. Hầu hết các đối tượng nuôi nước ngọt, nước mặn và hải đặc sản đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, trong đó nổi bật là nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống.

Diện tích cây mắc ca trồng mới từ đầu năm 2014 đến nay chỉ là một con số quá khiêm tốn trong tổng diện tích cây lâu năm trồng mới của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, diện tích mắc ca của Lâm Đồng có khả năng tăng mạnh.

Ngày 26-7, tại xã Thành Hải, TP Phan Rang –Tháp Chàm (Ninh Thuận), Công ty TNHH Thông Thuận đã tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập Công ty và khánh thành nhà máy chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty, công suất 6.500 tấn thành phẩm/năm, với tổng mức đầu tư 13 triệu USD.