Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đổ Xô Trồng Nếp Có Lo Ngại Đầu Ra?

Đổ Xô Trồng Nếp Có Lo Ngại Đầu Ra?
Ngày đăng: 08/07/2013

Ở Đồng Tháp, thấy trồng nếp dễ bán nên nhiều nông dân ở các huyện: Thanh Bình, Tân Hồng, Tháp Mười đổ xô trồng nếp, dù không cần biết thị trường thế nào.

Giấc mơ đổi đời

Những ngày này, về huyện Thanh Bình, đều nghe người dân xôn xao bàn chuyện trồng nếp đổi đời. Sở dĩ nơi đây xuất hiện phong trào này vì trồng nếp bán cao hơn lúa gần 2.000 đồng/kg, trong khi nếp dễ trồng, lại ít tốn chi phí...

Xã Tân Bình, huyện Thanh Bình là nơi có truyền thống trồng nếp nhiều năm nay, tuy nhiên đến vụ hè thu này thì diện tích trồng nếp tăng đột biến. Theo thống kê, vụ hè thu năm 2013, diện tích trồng nếp của xã là trên 502ha, chiếm trên 80% diện tích gieo sạ toàn xã. Được biết, việc tăng diện tích này chủ yếu là do trồng nếp bán được giá hơn so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Nghe, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng nếp ở ấp Phú Trung, xã Tân Bình cho biết: “Trồng nếp rất dễ bán, vào vụ, thương lái đến ruộng thương lượng giá và quy định ngày cắt. Nếu đồng ý thì nhận tiền đặt cọc. Vụ đông xuân rồi tôi trồng 2ha nếp, bán giá 6.500 đồng/kg, nếu so với lúa thì cao hơn gần 2.000 đồng/kg, tính ra cũng có lời”. Ông Nghe cũng cho biết, vụ hè thu này gần như 100% diện tích toàn ấp Phú Trung đều chuyển sang trồng nếp.

Xã An Phong, huyện Thanh Bình không nằm trong danh sách những vùng có truyền thồng trồng nếp, nhưng theo thống kê, vụ hè thu này toàn xã có 22ha xuống giống nếp, chủ yếu người dân trồng theo hình thức tự phát... Mới trồng nếp mùa đầu chưa biết giá cả ra sao, nhưng bà Đinh Thị Mai (xã An Phong, huyện Thanh Bình) hy vọng nếp có giá như vụ đông xuân.

Bà Mai bộc bạch: Vụ đông xuân rồi tôi trồng 2ha lúa zmin khi thu hoạch bán với giá 5.500 đồng/kg, trong khi những hộ xung quanh trồng nếp bán giá 6.500 đồng/kg mà lái mua khi còn chưa gặt... Năm nay, tôi quyết định chuyển 2ha lúa sang trồng nếp, hy vọng nếp tiếp tục có giá...”.

Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thanh Bình cho biết: Diện tích trồng nếp của toàn huyện vụ hè thu này khoảng 1.380ha, tăng hơn vài trăm ha so với vụ đông xuân. Hiện ngành nông nghiệp không khuyến khích tăng nhanh diện tích trồng nếp, chỉ khuyến cáo người dân nên ổn định diện tích trồng nếp.

Vì nếu tăng nhanh diện tích trồng nếp, không khéo lại xảy ra tình trạng cung vượt cầu, nếp không bán được, khi đó nông dân tiếp tục là người chịu thiệt. Khuyến cáo là vậy, tuy nhiên hiện đã có hàng trăm hecta diện tích trồng mới và con số này có thể vượt nhanh hơn trong thời gian tới...

Lo đầu ra khi tăng nhanh diện tích

Tại huyện Tháp Mười, hiện diện tích trồng nếp vụ thu đông của huyện đã lên tới con số 3.861ha, tăng gần 2.000ha so với vụ hè thu. Ông Nguyễn Văn Ngoan - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười cho biết: Do lúa khó bán, đặc biệt là 2 vụ đông xuân và hè thu gần đây giá lúa chỉ ở mức 3.400 - 4.500 đồng/kg, trong khi đó, nếp hiện nay rất được thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn lúa từ 1.600 - 1.700 đồng/kg. Người dân thấy có lời thì làm, ngành nông nghiệp không thể ép dân phải trồng nếp hay trồng lúa...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh, vụ hè thu năm nay, diện tích trồng nếp toàn tỉnh vụ thu đông này là trên 7.764ha, tăng hơn 1.500ha so với vụ đông xuân năm 2013. Ngoài 3 huyện có diện tích nếp lớn là Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười, nếp còn được trồng rải rác ở các huyện, thị khác, trong đó đa phần đều mới trồng trong năm nay...

Đến thời điểm này, tuy việc tiêu thụ nếp rất dễ, nhưng không ai biết trước được thị trường tới đây sẽ như thế nào. Trong khi đó việc tiêu thụ nếp phần lớn ở thị trường nội địa nên việc tăng diện tích nếp cũng là điều đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Thông tin và truyền thông Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Nhiều nông dân đang hăm hở trồng nếp, nhưng đây lại là điều đáng lo ngại. Lý do là nếp của Việt Nam không thể cạnh tranh với nếp Thái Lan - vốn có thương hiệu, nên việc đẩy mạnh lượng xuất khẩu rất khó thực hiện.

Năm 2012, trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, nhiều nhất thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất được hơn 300.000 tấn nếp/năm - chỉ chiếm khoảng 0,5-1% sản lượng xuất khẩu. Vì vậy, nếu người dân tăng diện tích trồng nếp, nguy cơ thị trường nội địa không tiêu thụ hết, lượng nếp thừa sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Điều đáng lo ngại là nếu diện tích nếp ngày càng tăng thì nguy cơ nhiễm sâu bệnh là rất cao, vì nếp thường có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn lúa, nếu diện tích lúa, nếp không thu hoạch đồng loạt thì rất dễ xảy ra tình trạng dịch bệnh xuất hiện, làm giảm chất lượng hạt nếp.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Trồng Cây Đinh Lăng Dược Liệu Ở Hải Hậu Phát Triển Trồng Cây Đinh Lăng Dược Liệu Ở Hải Hậu

Huyện Hải Hậu (Nam Định) có 15.000ha đất nông nghiệp, trong đó 11.000ha đất trồng lúa, 4.000ha trồng màu và vườn tạp. Những năm qua, nhân dân trong huyện đã nỗ lực phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

08/12/2013
Thành Công Từ Nuôi Gà An Toàn Sinh Học Thành Công Từ Nuôi Gà An Toàn Sinh Học

Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Đặc biệt, mô hình nuôi gà an toàn sinh học đã chứng minh được hiệu quả bền vững khi vừa cho lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

27/12/2013
Hợp Tác Xã Rau An Toàn Phước Hậu Xuống Giống Hơn 20 Ha Rau Đón Tết Hợp Tác Xã Rau An Toàn Phước Hậu Xuống Giống Hơn 20 Ha Rau Đón Tết

Được hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu về môi trường, phân tích sản phẩm rau an toàn, ứng dụng công nghệ sinh học và canh tác theo hướng sinh thái nên sản phẩm rau màu của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng.

08/12/2013
Thực Hiện Niềm Đam Mê, Nghiêm Gia Dũng Bỏ Phố Lên Rừng Nuôi Gà Chín Cựa Thực Hiện Niềm Đam Mê, Nghiêm Gia Dũng Bỏ Phố Lên Rừng Nuôi Gà Chín Cựa

Đang làm cho một chi nhánh ngân hàng với mức thu nhập ổn định, chàng trai ấy quyết định bỏ phố về quê nuôi gà chín cựa, loài gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trải qua không ít gian nan, cuối cùng, anh đã thành công trong sự khâm phục của nhiều người.

27/12/2013
200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững 200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững

Nhờ đề án phát triển cà phê bền vững nên hiện Việt Nam đã có 200.000 héc ta cà phê được chứng nhận theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như 4C, UTZ, trong đó, có 150.000 héc ta theo tiêu chuẩn 4C. Diện tích này sẽ tăng lên 300.000 héc ta vào năm 2015.

08/12/2013