Đổ Xô Mua Heo Mỡ, Mừng Hay Lo?

Mấy ngày gần đây, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Đồng Nai lùng mua heo mỡ có cân nặng từ 110 kg/con trở lên, kéo giá heo hơi tăng theo.
Đa số người chăn nuôi không bán được heo lúc 100 kg/con trở xuống mới để heo mỡ. Trong ảnh: Trại heo của anh Thẩm ở xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ).
Heo có trọng lượng 110 kg/con trở lên thường tích nhiều mỡ nên người chăn nuôi quen gọi là heo mỡ. Gần 1 tuần nay, mỗi ngày có khoảng 8-10 xe tải từ phía Bắc vào Đồng Nai tìm mua heo mỡ. Giá heo theo đó nhích lên từng ngày. Chiều ngày 25-7, giá heo mỡ khoảng 39.000 - 39.500 đồng/kg, tăng 4.000-4.500 đồng/kg so với cách đây một tuần. Còn heo nạc 41-42 ngàn đồng/kg.
* Trút được gánh nặng
Hơn 1 năm qua, giá heo hơi tại các tỉnh phía Nam cũng như Đồng Nai luôn nằm dưới giá thành, có thời điểm, giá heo hơi bán ra thấp hơn giá thành từ 8-9 ngàn đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Bên cạnh đó, đầu ra của heo thịt cũng rất khó khăn do thương lái thường ưu tiên mua heo ở các trại lớn vì heo đồng đều, đẹp, có tỷ lệ nạc cao (khoảng 90-105 kg/con).
Heo của các hộ nuôi nhỏ lẻ thường khó bán, nhiều hộ vì không bán được, đành phải nuôi tiếp, có khi lên đến 130-150 kg/con và chấp nhận bán thấp hơn heo của các trại 3-4 ngàn đồng/kg. Lúc này, thương lái từ ngoài Bắc vào mua heo lớn với giá cao và ít kén chọn, giúp nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh như trút được gánh nặng.
Bà Nguyễn Thị Sao ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), nói: “Heo đang ế, giá rẻ nên bây giờ có thương lái ngoài Bắc vào mua với số lượng lớn, giá cao người chăn nuôi chúng tôi mừng như bắt được vàng. Thương lái Việt Nam hay Trung Quốc mua cũng được, miễn bán giá cao, đầu ra thuận lợi là được”.
Tuy nhiên, thấy tình trạng thương lái chỉ chọn mua heo mỡ, nhiều người đặt câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng, sau một thời gian, thương lái sẽ ngừng mua chăng? Lúc đó lượng heo mỡ khá nhiều, không biết bán đi đâu và chịu thiệt thòi lại chính là nông dân.
Lý giải vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng: “Mấy ngày gần đây, giá heo hơi có tăng nhưng không đột biến nên chưa có gì đáng lo ngại. Thực tế, giá heo mỡ hiện nay vẫn còn thấp hơn giá thành gần 3 ngàn đồng/kg”. Ông Công cũng tỏ ra quan ngại việc thông tin đại chúng quá nhạy cảm, kết luận quá sớm về hiện tượng này với giải thích là do thương lái Trung Quốc đang chơi xấu.
Theo ông Công tại thời điểm này, khi giá heo trong nước đang quá thấp, đầu ra khó khăn mà tìm được nơi để xuất khẩu heo để kéo giá trong nước tăng giúp nông dân bớt lỗ và có lời là tốt. “Còn việc họ mua với mục đích gì thì Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải có điều tra, xem xét để cảnh báo kịp thời giúp nông dân bớt được các rủi ro” - ông Công đề xuất.
* Chưa phát hiện bất thường
Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Sau khi nghe thông tin thương lái Trung Quốc vào Đồng Nai mua heo, mỡ với ý đồ xấu, Sở có yêu cầu Chi cục Thú y xem xét tình hình. Hiện chưa phát hiện thương lái Trung Quốc vào mua heo tại Đồng Nai mà chỉ có thương lái các tỉnh phía Bắc vào mua, vận chuyển ra Hà Nội, Móng Cái, Lạng Sơn”.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, lượng heo xuất ra các tỉnh phía Bắc từ đầu tháng 7 đến nay gần 16 ngàn con, chỉ tăng vài trăm con so với những tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định giá heo hơi tại Trung Quốc hiện nay dao động ở mức 46-48 ngàn đồng/kg, trong khi tại Việt Nam chỉ có 39-41 ngàn đồng/kg nên thương lái trong nước sẽ vận chuyển qua đó bán để kiếm lời.
“Còn việc vì sao họ chỉ mua heo mỡ loại trên 110 kg/con, hiệp hội tìm hiểu thì có 3 lý do: một là hiện nay ngành thú y tính tiền kiểm dịch trên đầu con nên mua con lớn sẽ bớt được tiền kiểm dịch so với con nhỏ; hai là mua heo mỡ loại lớn dễ vận chuyển và quá trình vận chuyển heo khỏe ít chết hoặc bị bệnh dọc đường và ba là heo lớn, tỷ lệ hao hụt khi xẻ thịt thấp người bán sẽ lợi hơn” - ông Đoán nói.
“Còn việc họ mua với mục đích gì thì Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải có điều tra, xem xét để cảnh báo kịp thời giúp nông dân bớt được các rủi ro” - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công đề xuất
Một số hộ nuôi heo nhận xét, những lo ngại cho rằng thương lái Trung Quốc mua heo mỡ một thời gian nhằm tạo cầu ảo, khiến người chăn nuôi chuyển qua nuôi heo mỡ rồi bất ngờ ngưng mua, gây thiệt hại cho người nuôi là “lo xa”. Vì theo lệ thường, heo đạt trọng lượng từ 90-105 kg/con là các hộ chăn nuôi đã bán, chỉ khi không bán được mới để heo lớn thêm, thành heo mỡ.
Nuôi lâu, trọng lượng lớn thì lượng thức ăn tiêu hao nhiều, tốn thêm công chăm sóc, trong khi giá bán lại thấp hơn 2 ngàn đồng/kg và tỷ lệ rủi ro lại cao. Do đó, dù heo mỡ có giá cao ngang bằng heo đẹp thì lợi nhuận vẫn thấp hơn nên người nuôi sẽ không “neo” heo lại để bán heo mỡ như lo ngại.
Có thể bạn quan tâm

Nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) có đến 98% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trong vài năm trở lại đây nhờ cớ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân, xóm đã có sự bứt phá về mọi mặt.

Đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt gần 7.800 tấn, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt trên 7.600 tấn, còn lại là thủy sản khai thác. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 500 triệu con cá giống, cá bột; triển khai nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả như nuôi cá Diêu Hồng trong lồng, nuôi cá thâm canh trong ao sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá hồ chứa nhỏ…

Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.

Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.

Từ đầu năm đến nay nhiều tổ chức cá nhân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn, đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh, cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát và trong ao đất lót bạt, vỗ bờ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.