Đỏ Mắt Vì Bí Đỏ

Vụ bí đỏ năm nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được mùa, nhưng người trồng bí lại lỗ nặng vì giá quá rẻ. Hàng chục nghìn tấn bí đã thu hoạch từ hơn nửa tháng nay đang nằm chất đống, một lượng không nhỏ có nguy cơ bị thối…
Bí đẹp thành bí thối
Đến thị xã Ninh Hòa những ngày này, đâu đâu cũng nghe người dân xôn xao bàn tán chuyện bí đỏ. Những nông dân trồng bí đỏ vốn đã buồn vì giá bí xuống thấp, thấy tiết trời âm u, mưa rả rích, lại thêm phần lo lắng về số bí đã hái về nhưng chưa bán được và cả về những nương bí chín rộ chưa thu hoạch.
Đi qua nhiều nhà dân ở dọc các con đường liên thôn thuộc xã Ninh Thân, thấy bí đỏ chất từng đống. Ông Lê Nhật Phong (thôn Đại Tập) lắc đầu ngán ngẩm: “Năm ngoái, bí đỏ được giá nên năm nay, tôi thuê 3ha đất đồi để trồng. Bí năm nay được mùa, quả to đều nhưng giá bán thì rẻ như bèo. Nghĩ tới bí lại thấy nản, hết muốn đi làm!”. Ông Phong cho biết, 3ha bí đỏ của gia đình ông, nếu thu hoạch hết sẽ được khoảng gần 30 tấn quả. Đầu mùa, ông thu hoạch 10 tấn, bán với giá 3.600 đồng/kg; 9 tấn thu hoạch đợt tiếp theo phải đợi sau 20 ngày mới bán được với giá 1.700 đồng/kg, nhưng thương lái cũng chỉ lựa mua 5 tấn, số còn lại đã bị dập và thối nên ông phải bổ lấy hạt, phần cơm làm thức ăn cho heo. Hiện tại, thương lái chỉ trả giá 500 đồng/kg, nếu thu hoạch hết sẽ lỗ thêm tiền công hái và vận chuyển nên ông Phong tính sẽ bổ lấy hạt ngay tại rẫy. Tính ra, vụ bí đỏ năm nay, gia đình ông thua lỗ khoảng 40 triệu đồng. Cả nhà ông buồn đến đỏ mắt vì... bí đỏ
So với nhiều địa phương khác ở thị xã, năm nay, Ninh Sơn là nơi có diện tích trồng bí đỏ lớn nhất. Hai bên trục đường chính từ thôn Gia Mỹ, xã Ninh An đến trung tâm xã, có rất nhiều đống bí đỏ được phủ bạt nhiều ngày đang chờ người mua; cả những đống bí thối do người dân vứt bỏ; thi thoảng lại xuất hiện những điểm có đông người dân xúm nhau mua bí giá rẻ về lấy hạt và làm thức ăn cho gia súc. Ngồi cạnh đống bí đã tập kết bên đường gần nửa tháng, anh Vi Công Hùng (thôn 3, xã Ninh Sơn) cho biết, năm ngoái, anh trồng 2 ha bí đỏ, thu lãi gần 40 triệu đồng. Năm nay, anh vay 20 triệu đồng của Hội Nông dân xã để thêm vào đầu tư trồng 3 ha. Bí được mùa nhưng lại lỗ nặng. “Đống bí này tôi thu hoạch đã gần nửa tháng nay, nhưng chưa bán được quả nào. Đêm nào tôi cũng phải ra đây nằm canh bí. Giá bí thấp quá, tôi chỉ mong sao gỡ gạc để trả nợ vốn vay!”, anh nói.
Một lượng lớn bí đỏ trên những triền núi ven hồ Đá Bàn (xã Ninh Sơn) vẫn đang được người dân thu hoạch. Tuy giá quá thấp và rất khó bán, nhưng vì sợ trời mưa, bí chín rộ trên rẫy sẽ bị thối nên nông dân vẫn hái về với hy vọng khi giá khá hơn sẽ bán để gỡ vốn.
Thương lái ép giá
Năm ngoái, giá bí đỏ ở Ninh Hòa đạt trên 6.000 đồng/kg nên người trồng có lãi; nhưng năm nay, giá đầu vụ chỉ bằng một nửa, còn hiện nay, giá dưới 1.000 đồng/kg mà nông dân cũng khó tìm được người mua. Nhiều người dân trồng bí cho biết, năm nay, bí được mùa, sản lượng tăng cao nên thương lái tha hồ lựa chọn và tìm cách ép giá với lý do “thị trường khó tiêu thụ”. Dù lỗ nặng, nông dân vẫn phải bấm bụng bán đổ bán tháo vì bí không thể để mãi trên núi mà chờ giá lên, thu hoạch xong cũng không để được lâu.
Tuy nhiên, việc bán đổ bán tháo xem ra cũng không dễ dàng đối với những người trồng bí trót mua giống và vay tiền từ đầu vụ của một số đầu nậu cung cấp giống và thu mua sản phẩm. Anh Đỗ Thanh Sơn (thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân) bức xúc: “Vì thiếu vốn đầu tư nên đầu vụ bí năm nay, tôi phải mua nợ giống và vay của bà Mười Tàu 2 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận miệng, khi thu hoạch, tôi sẽ bán bí cho bà ấy. Trước Noel, bà Mười báo giá 3.000 đồng/kg, nhưng khi tôi thu hoạch về, bà ấy ép xuống còn 1.700 đồng/kg. Tôi muốn bán cho những người khác với giá cao hơn nhưng những người này đều bị bà Mười hăm dọa nên không dám hỏi mua. Sợ bí thối, tôi đành phải bán cho bà ấy, nhưng lúc này, bà chỉ trả 1.300 đồng/kg”. 4 anh em anh Vũ Viết Đoàn ở thôn 3, xã Ninh Sơn còn thê thảm hơn. Mấy anh em trồng 10 ha bí đỏ, cách đây gần 20 ngày đã thu hoạch toàn bộ được khoảng 70 tấn, nhưng chưa bán được trái nào. “Trước khi hái, bà Mười Tàu nói 3.000 đồng/kg, hôm qua lại hạ xuống 1.500 đồng/kg. Chúng tôi đã kêu nhiều thương lái khác đến mua, nhưng họ không dám đến vì bị bà Mười Tàu dằn mặt”, họ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, có rất nhiều người trồng bí ở Ninh Hòa đang bị bà Mười Tàu chi phối về giá bán, nhất là trên địa bàn xã Ninh Sơn. Có trường hợp không mua giống hay mượn tiền của đầu nậu nào, nhưng vẫn không tìm được mối tiêu thụ bởi những thương lái khác không dám đến mua do bị dằn mặt, hăm dọa.
Bài học chưa cũ
Theo ông Nguyễn Tiến, cán bộ phụ trách nông nghiệp - Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, hiện chưa thống kê được diện tích trồng bí đỏ trên toàn thị xã; nhưng nhìn chung diện tích trồng loại cây này tăng đột biến so với các năm trước, tập trung chủ yếu ở các xã Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Thân, Ninh Thượng, Ninh Trung, Ninh Lộc và nhiều nhất ở Ninh Sơn.
Ông Lê Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Ninh Thân cho biết: “Người dân trồng bí đỏ mang tính tự phát nên chúng tôi không thể thống kê được diện tích, nhưng chắc chắn năm nay, diện tích và sản lượng trên địa bàn xã nhiều hơn năm ngoái. Người trồng bí thua lỗ do giá thu mua quá thấp”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quới - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sơn khẳng định: “Chúng tôi không khuyến khích người dân trồng bí đỏ, nhưng vì năm ngoái được giá nên năm nay, người dân tự phát trồng nhiều loại cây này. Năm ngoái, toàn xã có 150 ha trồng bí đỏ, năm nay diện tích đó đã tăng lên 370 ha. Hiện nay, một lượng lớn bí đỏ đã thu hoạch nhiều ngày đang tồn đọng trong dân chưa tiêu thụ được; số bí chưa thu hoạch cũng rất đáng kể”.
Như vậy, sau “vụ dưa hấu” Tết 2010, nay điệp khúc “được mùa - mất giá, mất mùa - được giá” lại một lần nữa đeo bám những nông dân trồng bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa. Và chắc rằng năm nay, hàng trăm hộ nông dân nơi đây sẽ thiếu một cái Tết trọn vẹn!
Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa: Hiện nay, trên địa bàn thị xã, ngoài cây mía, các loại cây trồng khác đều chưa có bảo hiểm giá cả đầu ra. Riêng cây bí đỏ, do năm ngoái được giá, nông dân có lãi nên năm nay, bà con tự phát trồng ồ ạt, trong khi đó đầu ra không đảm bảo nên giá cả bấp bênh và khó tiêu thụ. Qua lực lượng cán bộ nông dân, cộng tác viên khuyến nông xã, phường tại các kỳ giao ban hàng tháng, chúng tôi đều khuyến cáo vấn đề này. Nhưng nông dân cứ thấy năm ngoái trồng có lãi thì năm sau trồng nhiều lên, không ngăn được.
Có thể bạn quan tâm

Nấm rơm được bà con trồng ngay trong sân vườn và tận dụng nguồn rơm từ ruộng nhà nên chi phí rất ít. Một chai meo hiện có giá từ 1.200 – 1.400 đồng, nếu ủ tốt có thể cho thu hoạch 2kg nấm. Theo tính toán của anh Danh Việt ở ấp Hoà Mỹ thì với 2.200 chai meo gia đình đang trồng, sau hơn 1 tháng chăm sóc sẽ cho thu nhập khoảng 23-24 triệu đồng. Hiện nấm rơm Định Hòa được thương lái ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua với giá từ 11.500-13.000 đồng/kg.

Bảo quản củ giống khoai tây bằng kho lạnh là biện pháp tiên tiến hiện nay, do có nhiều ưu điểm như tổn thất trong kho ít, củ giống trẻ, cây phát triển khoẻ, giảm sự thoái hoá giống, khi trồng cho nhiều củ to, tăng năng suất thu hoạch từ 10% đến 15%.

Nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người là một đòi hỏi bức thiết

Giống ngô ngọt Hoa TrânGiống ngô ngọt Hoa Trân có những ưu điểm vượt trội sau đây: Khả năng sinh trưởng, phát triển khoẻ, chống đổ tốt. Thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình từ 70-80 ngày nên có thể gieo trồng được nhiều vụ trong năm. Bắp to trung bình 250-300g, hạt đều màu vàng cam, tỷ lệ kết hạt trên bắp cao, ăn giòn, ngọt, có hương vị đặc trưng. Tỷ lệ thu hồi sản phẩm cao (38-40% trong khi các giống ngô ngọt khác chỉ đạt 28-30%) nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Cây cho thu hoạch từ 1-2 bắp, trong đó số cây đóng 2 bắp chiếm tới 70% nên năng suất cao. Đặc biệt, giống Hoa Trân có khả năng chịu lạnh tốt trong điều kiện khí hậu mùa đông của các tỉnh phía Bắc.

Quyết định 59/QĐ-UBND ban hành ngày 20/1/2011 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc công nhận hội đặc thù, trong đó có Hội Làm vườn (HLV) tỉnh, đã tạo niềm vui lớn cho người làm vườn xứ sen