Đỏ mắt tìm rau, quả sạch

Hàng loạt thông tin trái cây tẩm hóa chất, rau bị lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích… khiến người tiêu dùng lo ngại trong khi thị trường vẫn tràn lan rau quả không rõ nguồn gốc.
Nông sản kiểm soát tốt về chất lượng, an toàn vẫn còn ít người với tới.
Bất an vẫn phải ăn
Cũng như nhiều gia đình trẻ khác mới lập nghiệp tại TP HCM, chị Phạm Thị Hương (ngụ quận Bình Tân) không có thời gian mua sắm cho bữa ăn gia đình. Ngoài những ngày cuối tuần đi siêu thị, ngày thường chị Hương ghé các chợ cóc bên đường để mua rau, quả về dùng dù không hề yên tâm về chất lượng.
Khách hàng mua rau, củ sạch tại Satramart Sài Gòn
Đang xúc tiến mở một trung tâm phân phối rau, quả sạch tại quận 3, TP HCM, lấy nguồn từ một công ty sản xuất có tiếng ở Đà Lạt đã thành công trong xuất khẩu nhưng vẫn đang loay hoay phát triển thị trường nội địa nên bà Ngô Thị Phương Thảo (đại diện Thơm Foods, đại lý chính thức rau quả An Phú Đà Lạt trên đường Trương Định, quận 3 - người khởi xướng dự án) chuẩn bị rất kỹ.
Bà Thảo và cộng sự đã thực hiện một khảo sát về hành vi mua sắm dành cho đối tượng phụ nữ, dân văn phòng, người quyết định việc mua sắm trong gia đình cho thấy thời điểm hiện nay, mọi người đều rất lo lắng về vấn đề sức khỏe nhưng có đến 80% người được hỏi trả lời không biết về nguồn gốc rau, quả đang mua.
Khảo sát cũng cho thấy nơi họ thường xuyên mua rau, quả nhiều nhất là chợ truyền thống/chợ cóc, vỉa hè (gần 47%), siêu thị (40%), cửa hàng tiện lợi (9%), các nguồn khác như: tự trồng, ở quê gửi lên hoặc cửa hàng chuyên rau, quả rất ít người chọn. Nguyên nhân được trả lời là do yếu tố “tiện lợi” (70%), “chất lượng” bị xếp sau rất xa.
“Đây thật sự là thách thức cho chúng tôi khi có đến 80% người được hỏi vẫn muốn mua rau, quả trực tiếp tại cửa hàng mà chưa sẵn sàng cho việc mua online hoặc đặt hàng qua điện thoại” - bà Thảo cho biết.
Người trồng gặp khó
Tìm nguồn rau, quả sạch không chỉ là khó khăn của người tiêu dùng mà ngay cả những người muốn tham gia phân phối dòng hàng này cũng khá lận đận. Bà Trần Thanh Hà, đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Great Việt Nam (quận Bình Thạnh), cho biết bà đã đi “rạc chân” ở các vùng nguyên liệu để mua hàng cung ứng cho thị trường.
“Người trồng trước giờ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và đã bị thương lái làm “hư” thông qua việc hướng dẫn sử dụng thuốc để làm cho rau, quả có hình thức đẹp, bất chấp an toàn.
Ngay giữa mùa bơ, sầu riêng, mít nhưng muốn tìm trái già trên cây rất khó vì chúng đã được hái non, sau đó xử lý hóa chất.
Khi tôi đặt vấn đề với chủ vườn ký hợp đồng thu mua mùa sau và đưa ra các yêu cầu về thu hoạch để chín tự nhiên nhưng bị từ chối do cách “gom” một lần của thương lái hiện nay tiện hơn” - bà Hà nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt (huyện Củ Chi), cho biết dù hợp tác xã đã đưa hàng vào siêu thị nhưng vẫn muốn phát triển thêm kênh bán lẻ do cạnh tranh ngày càng khó. Mới đây, điểm bán lẻ rau VietGAP tại chợ Tân Định (quận 1) của hợp tác xã phải tạm ngưng do chi phí mặt bằng quá cao.
Còn khi bắt đầu giao hàng lẻ cho khách đã gặp trở ngại ngay tại hợp tác xã do nhân viên không mặn mà việc giao đơn hàng lẻ, họ thích bán sỉ khỏe hơn.
“Họ không biết rằng khách hàng lẻ là khách trung thành, tại một điểm giao một đơn hàng có thể lỗ xăng xe nhưng nếu thêm được vài đơn hàng ở khu vực lân cận thì sẽ có lời vì tỉ suất lợi nhuận bán lẻ cao hơn nhiều so với giao sỉ” - bà Ánh Ngọc phân tích và cho biết lượng hàng giao lẻ của Thỏ Việt đã đạt 2 tấn/ngày.
Tại hợp tác xã Phước An (huyện Củ Chi - 1 trong 8 đơn vị đầu tiên được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi rau, quả; được quản lý theo chuỗi cung ứng sạch từ trang trại đến bàn ăn)
Ông Võ Thành Dương, phó chủ nhiệm phụ trách kinh doanh, chia sẻ đến nay, hợp tác xã đã có 16 mặt hàng tham gia chuỗi và nông dân đã phải hết sức vất vả để đáp ứng các quy định của chương trình. Nhưng cái khó hiện nay là giá bán hàng vẫn bằng thị trường.
“So với hàng trôi nổi ngoài chợ, vỉa hè không qua kiểm soát giá có thể cao hơn 20% nhưng thực chất vẫn bằng vì rau chợ về còn phải nhặt bỏ rất nhiều trong khi rau tham gia chuỗi đã được sơ chế sạch, về nhà chỉ cần rửa” - ông Dương nói.
Nguyên nhân là người tiêu dùng không thể phân biệt rau sạch và các tiêu chuẩn khác nhau nên giá bán bị cào bằng. Đối với rau tham gia chuỗi, rau ăn lá thì đóng gói, củ quả thì quấn ni-lông và dán nhãn xanh nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu ý nghĩa của chứng nhận này.
Ông Dương mong muốn được hỗ trợ tuyên truyền để việc tiêu thụ rau sạch tốt hơn và tập cho người tiêu dùng thói quen mua rau ở những nơi đã qua kiểm soát, không dễ dãi với những sản phẩm trôi nổi để động viên nông dân tuân thủ quy trình sạch.
Ngoài ra, ông Dương còn lo ngại sẽ có làn sóng rau, quả Thái Lan tràn vào Việt Nam trong nay mai nếu hàng trong nước còn nhập nhèm giữa người sản xuất gian dối và chân chính. Lúc đó, không biết nông dân sẽ sống bằng gì khi họ không có khả năng chuyển đổi sang ngành nghề nào khác.
Rau, quả sạch chỉ dành cho... trẻ em
Chị Lê Thị Tường Lam (Trường ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG TP HCM) đang thực hiện đề tài luận văn cao học về “Hành vi mua rau hữu cơ của người tiêu dùng Việt Nam” cũng ghi nhận một thực tế là nhiều gia đình mua rau, quả hữu cơ
(không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng) nhưng chỉ dành cho trẻ em, còn người lớn vẫn mua hàng thường về ăn vì hàng hữu cơ giá quá cao (đắt gấp 3-4 lần).
Theo khảo sát của chị Lam, người sử dụng rau hữu cơ thường có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng, những gia đình tiêu dùng thoải mái phải có thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng.
Có thể bạn quan tâm

Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) hiện có 71ha đất liếp được nông dân trồng chuyên canh mãng cầu xiêm, trong đó có 28ha trồng mới, số còn lại đang trong giai đoạn cho trái. Trồng mãng cầu nhẹ chi phí và công chăm sóc nhưng thu nhập khá cao.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 2.092 ha, trong đó có gần 1.457 ha đất nông nghiệp, An Hải là một trong 3 xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Từ thực tế sản xuất, Ban Phát triển xã và người dân các thôn đã lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, trong đó đáng chú ý là chuỗi giá trị nho, cây trồng thế mạnh của địa phương.
Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) trồng hơn 100ha măng cụt. Nếu như thời điểm thu hoạch rộ măng cụt giảm mạnh có lúc 20.000 đồng/kg, giảm hơn phân nửa so với đầu vụ thì hiện nay giá tăng trở lại.

Tân Lập, một thôn của xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xưa nay có truyền thống trồng rau thương phẩm. Không chỉ dừng lại ở những cây rau truyền thống ven sông Đa Nhim như cà chua, ớt sừng hay cải thảo, bà con Tân Lập còn cung cấp cho thị trường các loại rau thơm. Và Tổ hợp tác Chính Nghĩa, nơi tập trung những người trồng rau thơm đã đồng hành cùng bà con, giúp diện tích rau thơm ở đây ngày càng mở rộng.

Ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm thành công nhiều giống lúa mới đầy triển vọng, song việc nhân rộng diện tích còn rất chậm.