Điêu Đứng Vì Gừng

Hàng trăm hộ dân trồng gừng tại Tiền Giang đang đứng ngồi không yên vì giá xuống thấp, bán không ai mua.
Bán lỗ vẫn không ai mua
Sau vụ gừng trúng đậm vào tháng 3 (âm lịch) năm ngoái, bà con nông dân huyện Gò Công Đông, Tiền Giang ồ ạt mở rộng diện tích lên rất nhanh. Vào thời điểm đó, giá gừng giống tăng lên rất mạnh, có lúc đạt 35.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, sang vụ thu hoạch năm nay, cả làng trồng gừng tại huyện Gò Công Đông đều ngao ngán do giá xuống quá thấp, bán không ai mua. Thậm chí nếu có bán được cũng không đủ bù vào tiền mua gừng giống hồi đầu vụ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, một hộ nông dân trồng 4 công gừng (4.000 m2) tại ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cho biết, hiện giá gừng loại tốt chỉ còn 2.500-3.000 đồng/kg nhưng bán cũng không ai mua. So với năm ngoái, hiện mỗi kí lô gam gừng bà còn mất khoảng 25.000-26.000 đồng.
“Tôi dám cam đoan với chú, vụ gừng năm nay nếu như có 100 hộ trồng thì chắc chắn sẽ có 100 hộ lỗ nặng, không một hộ nào huề vốn nỗi nữa chứ nói chi là có lãi. Tôi trồng gừng này đã 20 năm rồi nhưng chưa năm nào xảy ra tình trạng giá xuống thấp như thế này, dù kêu bán lỗ nhưng cũng chẳng một thương lái nào đến mua cả” - ông Trương Văn Hoàng chồng của bà Tuyết quả quyết.
Theo tính toán của bà Tuyết, chỉ riêng tiền gừng giống bà con nông dân phải bỏ ra ít nhất từ 3-4 triệu đồng (tùy vào trồng dày hay thưa), nếu tính cả tiền công vun đất, phân thuốc các thứ…, ít nhất bà con phải bỏ ra 5-6 triệu đồng/công. Nhưng vụ gừng năm nay mỗi công bán nhiều lắm cũng chỉ 2 triệu đồng thôi, tức chưa đủ bù vào tiền gừng giống.
Bà con trồng gừng cho biết, dù giá gừng đã xuống rất thấp nhưng kêu bán cũng không ai thèm đến xem mua. Chị Đoàn Thị Nhỏ, ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết: “Nửa tháng nay, tôi kêu bán gừng nhưng không có một lái nào xuống xem hết, họ (thương lái) nói hiện gừng không có nơi tiêu thụ nên không mua. Hộ nào quen biết với thương lái dữ lắm họ mới chịu mua nhưng phải chở đến nơi mới lấy”.
Hên xui vụ mới
Dù giá gừng xuống thấp, bán như cho cũng không ai mua nhưng bà con nông dân vẫn trồng tiếp với hy vọng giá sẽ khá hơn năm nay bởi theo bà con nông dân “không trồng gừng chẳng lẽ phải bỏ đất hoang”. Chị Đoàn Thị Nhỏ cho biết: “Trồng cây màu hay trồng gừng này cũng vậy, hên xui thôi, hên nhờ xui thì chịu. Nói thì nói vậy, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng vụ gừng năm sau sẽ đỡ hơn, chứ tình trạng này mà kéo dài chắc chúng tôi không sống nổi đâu”.
Dù bị lỗ khá nặng trong vụ gừng vừa rồi nhưng theo ông Trương Văn Hoàng, hiện đang chuẩn bị đất chờ có mưa là xuống giống tiếp 4 công gừng. Ông Hoàng nói: “Để xuống giống vụ này, tôi đã trữ lại 1 tấn gừng giống rồi đó. Nhưng nói thiệt, trồng thì trồng vậy thôi chứ cũng năm ăn năm thua thôi”.
Bà Nguyễn Thị Hai, ấp 4, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông cho biết, vụ năm nay bà sẽ tiếp tục xuống giống 1.200 m2 gừng, dù vụ vừa rồi bà cũng chung số phận lỗ lã như nhiều hộ dân khác trong khu vực. Dẫn chúng tôi đi xem đống gừng chưa bán được, bà nói: “Gừng vụ vừa rồi của tôi còn chất một đống trong nhà vậy đó nhưng mưa xuống là trồng nữa đó, không trồng gừng thì trồng gì bây giờ”.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Khuyến nông Củ Chi thuộc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM vừa tổ chức hội thảo triển khai Đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” năm 2015 tại địa bàn xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ cao khiến gia súc giảm sức đề kháng và dễ mắc một số bệnh như: E.coli, viêm vú, ký sinh trùng đường máu...

Phong trào xây nhà nuôi chim yến ở các huyện phía Đông, nhất là ở TX. Gò Công (Tiền Giang), đã giảm “nóng”. Ông Trần Thanh Hoàng, Phó trưởng phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện nay cho thấy, toàn thị xã có 281 căn nhà nuôi chim yến nhưng phong trào xây nhà đã tạm đứng lại.

Những năm gần đây ở vùng gò đồi xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình nuôi hươu lấy nhung đang được người dân xem là hướng làm giàu mới nhiều triển vọng.
Mặc dù chỉ mới bước vào giai đoạn đầu mùa, nhưng giá nhiều loại trái cây đang giảm mạnh, một số trái cây rớt giá thảm khiến nhà vườn khốn đốn như ổi chỉ còn 500 - 700 đồng/kg, xoài ghép 2.000 - 2.500 đồng/kg.