Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điêu Đứng Vì Cây Trinh Nữ Hoàng Cung Không Tiêu Thụ Được

Điêu Đứng Vì Cây Trinh Nữ Hoàng Cung Không Tiêu Thụ Được
Ngày đăng: 20/09/2014

Được coi là một loại cây dược liệu quý, cây trinh nữ hoàng cung đã được một số hộ dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng theo hướng thâm canh, thu lá và hoa phơi khô để bán cho một số đầu mối thu mua, chế biến dược liệu. Nhưng từ khoảng một năm nay, do không tiêu thụ được nên người trồng điêu đứng.

Hộ ông Đạo Văn Nũng và bà Châu Thị Đỉnh ở thôn Lương Tri 1, xã Nhơn Sơn, hơn 3 ha cây Trinh nữ hoàng cung trong thời kỳ cho thu hoạch đành phải bỏ cho lụi tàn dần do không có điều kiện chăm sóc, theo nước, bón phân.

Hơn 15 tấn nguyên liệu thành phẩm gồm lá, hoa phơi khô được chất trong kho gần 1 năm nay vẫn chưa thể xuất bán để thu hồi vốn đầu tư hàng tỷ đồng trong 3 năm qua. Bà Đỉnh lo lắng không biết xoay đâu ra tiền trả nợ nhân công, tiền điện và nợ lãi ngân hàng lẫn vay “nóng” lên đến trên 600 triệu đồng nên đã đổ bệnh.

Bà Đỉnh cho biết, từ tháng 8 năm 2011, gia đình bắt đầu trồng 2,5 ha cây Trinh nữ hoàng cung theo hợp đồng cung cấp nguyên liệu với một đơn vị dược phẩm tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, thấy việc trồng cây dược liệu này có triển vọng, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên gia đình mở rộng thêm 7 sào.

Trong hai năm đầu tư phân bón, công, giống, xây dựng nhà kho, sân phơi, hệ thống tưới… để sản xuất, gia đình đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng, mong thu hồi vốn và sinh lãi trong những năm tiếp theo thì nay bị “đổ bể” vì sản xuất ra, không bán được.

Theo tính toán của gia đình, mỗi năm cây dược liệu này cho thu hoạch 6 lứa (2 tháng/lứa), với năng suất khoảng 5 tấn/ha. Trung bình 8 kg lá tươi, sau khi phơi khô sẽ cho tương đương 1 kg thành phẩm. Với giá bán 40 ngàn đồng/kg hiện nay, thì 15 tấn lá thành phẩm đang tồn trong kho của gia đình trị giá đến 600 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, số nguyên liệu đã đóng bao chờ bán này, không biết đến bao giờ mới được thu mua.

Qua trao đổi với đại diện đơn vị đứng tên trong hợp đồng với người dân, ông Nguyễn Công Đức (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Công Đức-TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Loại dược phẩm này, chúng tôi thu mua chủ yếu để bán đi các tỉnh phía Bắc, nhưng từ đầu năm đến nay bên thu mua không tiếp tục nhập hàng dẫn đến khó khăn về “đầu ra”. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để nối lại việc trao đổi mua bán.

Tuy nhiên trước mắt phải khắc phục từ từ, từng bước vì hiện nay lượng “cung” vượt quá “cầu”. Nông dân chia sẻ với chúng tôi vì khó khăn chung hiện nay…

Qua tìm hiểu được biết, tại xã Nhơn Sơn hiện có một số hộ cũng tham gia trồng, cung cấp cho một số đơn vị thu mua dược liệu với khoảng 6 ha, thuộc các thôn Lương Tri, Lương Cang, nhưng đều mang tính tự phát, không nằm trong quy hoạch của xã.

Các hợp đồng giữa nhà cung ứng, đầu tư, đồng thời là đầu mối thu mua với người dân đều không có xác nhận và thông qua ý kiến của UBND xã, các điều khoản trong hợp đồng thiếu chặt chẽ do đó người dân vẫn là người chịu thiệt thòi trong quá trình thương thảo với bên liên quan.

Đồng chí Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Nhơn Sơn cho biết thêm: Trước đây, người dân canh tác, phát triển cây dược liệu này khá thuận lợi, làm tới đâu có người thu mua tới đó, nhưng thời gian gần đây “đầu ra” có khó khăn.

UBND xã cũng có khuyến cáo các hộ dân trong quá trình thực hiện các hợp đồng làm ăn, nhất là khâu bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cần thông qua ý kiến của chính quyền địa phương để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, vừa đảm bảo tính pháp lý khi “vỡ” chuyện, tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt, thiếu hiểu biết đến khi xảy ra tranh chấp khó giải quyết, gây thiệt hại cho chính người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Giá Khoai Lang Tăng Gấp Đôi So Với Năm 2012 Ở Đồng Tháp Giá Khoai Lang Tăng Gấp Đôi So Với Năm 2012 Ở Đồng Tháp

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) diện tích trồng khoai lang năm nay khoảng 2.000ha, thấp hơn so với diện tích sản xuất năm 2012. Do thời gian qua, nguồn cung khoai tím quá nhiều, dẫn đến tình trạng khoai ứ đọng, giá giảm nghiêm trọng.

28/05/2013
Chôm Chôm Rớt Giá Ở Đồng Nai Chôm Chôm Rớt Giá Ở Đồng Nai

Trong những ngày qua, hàng trăm nhà vườn ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) than trời vì giá chôm chôm rẻ như bèo, chưa đến 4 ngàn đồng/kg. Người dân đang rất lao đao vì không tìm được đầu ra cho mặt hàng này.

28/05/2013
100% Cá Tầm Nhập Lậu Không Đảm Bảo Tiêu Chuẩn Quốc Tế 100% Cá Tầm Nhập Lậu Không Đảm Bảo Tiêu Chuẩn Quốc Tế

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam khẳng định, cả cơ quan ông cũng như CITES tại Trung Quốc chưa cấp bất cứ giấy phép nào để có thể giao dịch thương mại cá tầm giữa 2 nước.

29/05/2013
Nuôi Kỳ Đà Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Krông Pa (Gia Lai) Nuôi Kỳ Đà Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Krông Pa (Gia Lai)

Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.

29/05/2013
Chấn Chỉnh Chăn Nuôi Khu Vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc Chấn Chỉnh Chăn Nuôi Khu Vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

29/05/2013