Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Diện tích trồng nếp tăng

Diện tích trồng nếp tăng
Ngày đăng: 19/11/2015

Diện tích xuống giống nếp tăng và có xu hướng tiếp tục tăng đang gây lo lắng cho ngành chuyên môn của huyện Tháp Mười.

Ông Lê Văn Xị ở ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết, ở cánh đồng của ông diện tích trồng nếp đã tăng thêm khoảng 20ha, riêng gia đình ông có 4ha cũng xuống giống toàn nếp.

Theo ông Xị, nông dân chuyển sang trồng nếp nhiều là do vụ 3 vừa rồi giá lúa xuống quá thấp, cộng thêm ảnh hưởng của thời tiết làm năng suất lúa sụt giảm, nhiều nông dân không bán được lúa hoặc bán với giá thấp, sản xuất không có lời thậm chí lỗ vốn, trong khi đó giá nếp vẫn ở mức cao, trên 5.500 đồng/kg và có rất nhiều thương lái đến hỏi mua.

Ông Cao Văn Cun ở xã Đốc Binh Kiều cũng chuyển trên 1ha lúa của gia đình sang trồng nếp từ vụ 3 vừa rồi.

Trong khi giá lúa ở vụ 3 rất thấp thì ông bán nếp cao hơn lúa trên 1.000 đồng/kg, vì vậy vụ đông xuân này ông quyết định tiếp tục trồng nếp.

Hiện tại, nông dân chỉ sản xuất giống nếp có chất lượng cao là nếp 46 và nếp sáp, được thương lái bao tiêu nên rất an tâm.

Được biết, trong gần 3 ngàn ha nếp có khoảng 50% diện tích nông dân được thương lái ký hợp đồng bao tiêu với giá 5.500 đồng/kg; thương lái cung cấp giống và cho nông dân ứng trước 5 triệu đồng/ha.

Mặc dù giống do thương lái cung cấp và bao tiêu, có hợp đồng hẳn hoi, tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm ở đây là thị trường tiêu thụ của nếp có rộng như thương lái nói và một khi giá nếp sụt giảm thì những bảng hợp đồng giữa thương lái và người dân có giá trị pháp lý và có hỗ trợ như thế nào khi chính những nông dân ký hợp đồng với thương lái cũng không quan tâm.

Là người trồng trên 15 vụ nếp, ông Cao Văn Trung ở xã Đốc Binh Kiều cho biết: Trồng nếp nếu không biết cách chăm sóc thì rất dễ bị sâu rầy, đặc biệt là năng suất sẽ giảm.

Theo ông Trung, hiện nhu cầu tiêu thụ nếp rất lớn vì theo lời các thương lái, nếp có thể xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ, Pháp và dùng để sản xuất bia.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chuyên môn huyện Tháp Mười, diện tích xuống giống nếp đã tăng gần gấp đôi so với vụ đông xuân năm ngoái, chiếm 6,8% diện tích sản xuất toàn huyện và khả năng diện tích này còn cao hơn.

Qua trao đổi với nhiều nông dân thì có nhiều nguyên nhân để nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng nếp là do vụ đông xuân nếp có năng suất cao và nhu cầu tiêu thụ ngày Tết tăng.

Ngoài ra, còn có một số thông tin được thương lái truyền tai cho nông dân là xuất sang các thị trường lớn, có thể sản xuất bia đã khiến cho diện tích nếp tăng nhanh.

Trao đổi về vấn đề này, Kỹ sư Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: Diện tích nếp tăng ở vụ đông xuân là có cơ sở, do giá lúa không ổn định, nhu cầu tiêu thụ nếp ngày Tết tăng.

Tuy nhiên việc tăng ồ ạt dễ dẫn đến khả năng cung vượt cầu.

Điều mà huyện lo lắng hơn là khi vụ đông xuân nhu cầu tiêu thụ nếp cao cộng thêm những thông tin không chính thống dễ dẫn đến việc nông dân chủ quan tiếp tục tăng diện tích trồng nếp.

Ngoài ra, nếp có thời gian sinh trưởng dài hơn lúa, khả năng bị ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nhiều hơn.

Sản xuất giống chất lượng, chi phí thấp, năng suất cao, lợi nhuận cao là nhu cầu chính đáng của người nông dân.

Tuy nhiên, mỗi người nông dân cần tìm hiểu kỹ cung - cầu của thị trường trước khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nếp, tránh tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập của chính người nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Nai Bất Ổn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tự Phát Đồng Nai Bất Ổn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Tự Phát

Vụ thu hoạch cuối năm 2013, tôm thẻ chân trắng trúng mùa, trúng giá khiến nhiều nông dân mở rộng diện tích nuôi. Nhưng chưa kịp mừng, người nuôi lại phải đối mặt với vụ thu hoạch thua lỗ vì giá tôm hiện đang rớt giá không phanh.

28/05/2014
Tập Trung Vốn Cho Nông Nghiệp, Nông Thôn Tập Trung Vốn Cho Nông Nghiệp, Nông Thôn

Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai phải tập trung cho vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

09/05/2014
Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Ngay Từ Cơ Sở Phòng Chống Dịch Bệnh Gia Súc, Gia Cầm Ngay Từ Cơ Sở

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản ổn định. Tuy nhiên, việc chủ động các phương án phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ngay từ cơ sở vẫn là nhiệm vụ quan trọng được các địa phương lưu tâm.

28/05/2014
Gia Lai Phát Triển Cây Đinh Lăng Dược Liệu Gia Lai Phát Triển Cây Đinh Lăng Dược Liệu

Nếu trước đây, đinh lăng chỉ được trồng để chơi kiểng hoặc làm rau ăn kèm thì hiện nay, tại nhiều địa phương trong cả nước, nó đã và đang được nhân rộng diện tích, phát triển theo hướng cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều người cũng bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này với kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

28/05/2014
Nhìn Lại Vụ Nuôi Tôm 2013 Và Những Điều Cần Quan Tâm Trong Vụ Nuôi 2014 Nhìn Lại Vụ Nuôi Tôm 2013 Và Những Điều Cần Quan Tâm Trong Vụ Nuôi 2014

Năm 2013, cả nước có khoảng 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ, tổng diện tích thả nuôi 652.612 ha, sản lượng đạt 475.854 tấn. Trong đó, khu vực ĐBSCL chiếm 92,5% diện tích và 79,8% sản lượng. Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích thả nuôi 6.270 ha, là một trong 10 tỉnh, thành có diện tích nuôi tôm lớn trong nước.

09/05/2014