Diện tích trồng nếp tăng

Diện tích xuống giống nếp tăng và có xu hướng tiếp tục tăng đang gây lo lắng cho ngành chuyên môn của huyện Tháp Mười.
Ông Lê Văn Xị ở ấp 4, xã Mỹ Đông cho biết, ở cánh đồng của ông diện tích trồng nếp đã tăng thêm khoảng 20ha, riêng gia đình ông có 4ha cũng xuống giống toàn nếp.
Theo ông Xị, nông dân chuyển sang trồng nếp nhiều là do vụ 3 vừa rồi giá lúa xuống quá thấp, cộng thêm ảnh hưởng của thời tiết làm năng suất lúa sụt giảm, nhiều nông dân không bán được lúa hoặc bán với giá thấp, sản xuất không có lời thậm chí lỗ vốn, trong khi đó giá nếp vẫn ở mức cao, trên 5.500 đồng/kg và có rất nhiều thương lái đến hỏi mua.
Ông Cao Văn Cun ở xã Đốc Binh Kiều cũng chuyển trên 1ha lúa của gia đình sang trồng nếp từ vụ 3 vừa rồi.
Trong khi giá lúa ở vụ 3 rất thấp thì ông bán nếp cao hơn lúa trên 1.000 đồng/kg, vì vậy vụ đông xuân này ông quyết định tiếp tục trồng nếp.
Hiện tại, nông dân chỉ sản xuất giống nếp có chất lượng cao là nếp 46 và nếp sáp, được thương lái bao tiêu nên rất an tâm.
Được biết, trong gần 3 ngàn ha nếp có khoảng 50% diện tích nông dân được thương lái ký hợp đồng bao tiêu với giá 5.500 đồng/kg; thương lái cung cấp giống và cho nông dân ứng trước 5 triệu đồng/ha.
Mặc dù giống do thương lái cung cấp và bao tiêu, có hợp đồng hẳn hoi, tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm ở đây là thị trường tiêu thụ của nếp có rộng như thương lái nói và một khi giá nếp sụt giảm thì những bảng hợp đồng giữa thương lái và người dân có giá trị pháp lý và có hỗ trợ như thế nào khi chính những nông dân ký hợp đồng với thương lái cũng không quan tâm.
Là người trồng trên 15 vụ nếp, ông Cao Văn Trung ở xã Đốc Binh Kiều cho biết: Trồng nếp nếu không biết cách chăm sóc thì rất dễ bị sâu rầy, đặc biệt là năng suất sẽ giảm.
Theo ông Trung, hiện nhu cầu tiêu thụ nếp rất lớn vì theo lời các thương lái, nếp có thể xuất khẩu sang các nước Nhật, Mỹ, Pháp và dùng để sản xuất bia.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chuyên môn huyện Tháp Mười, diện tích xuống giống nếp đã tăng gần gấp đôi so với vụ đông xuân năm ngoái, chiếm 6,8% diện tích sản xuất toàn huyện và khả năng diện tích này còn cao hơn.
Qua trao đổi với nhiều nông dân thì có nhiều nguyên nhân để nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng nếp là do vụ đông xuân nếp có năng suất cao và nhu cầu tiêu thụ ngày Tết tăng.
Ngoài ra, còn có một số thông tin được thương lái truyền tai cho nông dân là xuất sang các thị trường lớn, có thể sản xuất bia đã khiến cho diện tích nếp tăng nhanh.
Trao đổi về vấn đề này, Kỹ sư Võ Văn Dũng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười cho biết: Diện tích nếp tăng ở vụ đông xuân là có cơ sở, do giá lúa không ổn định, nhu cầu tiêu thụ nếp ngày Tết tăng.
Tuy nhiên việc tăng ồ ạt dễ dẫn đến khả năng cung vượt cầu.
Điều mà huyện lo lắng hơn là khi vụ đông xuân nhu cầu tiêu thụ nếp cao cộng thêm những thông tin không chính thống dễ dẫn đến việc nông dân chủ quan tiếp tục tăng diện tích trồng nếp.
Ngoài ra, nếp có thời gian sinh trưởng dài hơn lúa, khả năng bị ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ nhiều hơn.
Sản xuất giống chất lượng, chi phí thấp, năng suất cao, lợi nhuận cao là nhu cầu chính đáng của người nông dân.
Tuy nhiên, mỗi người nông dân cần tìm hiểu kỹ cung - cầu của thị trường trước khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nếp, tránh tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập của chính người nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Những cán bộ làm công tác tư vấn về sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn GAP cần phải am hiểu những vấn đề về lĩnh vực này, là yêu cầu cao hơn những kiến thức chuyên môn về nông nghiệp thông thường.

Từ năm 2009, nông dân 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên 6 ha đất giồng cát. Cây măng tây rất phù hợp với vùng đất trồng rau màu, đất tơi xốp và không ngập nước (như vùng đất giồng vành đai xanh thành phố). Sau 5 tháng là cây măng đã cho thu hoạch và cho thu hoạch quanh năm

Gần một tuần nay, giá heo hơi, gà thịt tại Đồng Nai liên tục giảm giá. Hiện giá heo hơi bán tại các trang trại chỉ còn 40 ngàn đồng/kg, những hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được giá 37 - 38 ngàn đồng/kg. Với giá heo hơi như hiện nay, người chăn nuôi có heo bán ra phải chịu thua lỗ từ 500 - 700 ngàn đồng/tạ. Theo các chủ trang trại, giá heo hơi giảm sâu, đầu ra rất khó khăn vì người tiêu dùng vẫn còn ngại chất cấm tạo nạc chưa dám sử dụng nhiều thịt heo như trước. Ngoài giá heo hơi giảm, giá gà thịt bán tại các trại cũng giảm 3 - 4 ngàn đồng/kg. Giá gà thịt như hiện nay, chỉ những hộ chăn nuôi tốt tỷ lệ hao hụt đàn thấp mới có lời.

Phương Trang, một kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Nông Lâm TP HCM muốn học tiếp chuyên ngành về nấm, nhưng sau 3 tháng “tầm sư”, Trang lắc đầu: "VN không có trường nào đào tạo ngành nấm!".

Liên tục một tuần qua, ngư dân đánh bắt gần bờ khu vực Bắc miền Trung trúng đậm cá nục gai. Mỗi phương tiện sau một đêm ra khơi đánh bắt được 5 - 8 tạ các loại thủy hải sản, chủ yếu là cá nục gai.