Điểm Sáng Phát Triển Cây Vụ Đông Ở Huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)

Từ nhiều năm qua, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) được đánh giá là điểm sáng phát triển cây trồng vụ đông với diện tích chiếm gần 1/3 diện tích cây vụ đông toàn thành phố. Kết thúc năm 2013, nông dân Tiên Lãng có một vụ đông thắng lợi với tổng giá trị sản lượng đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 20% so với vụ đông năm 2012). Cây vụ đông bước đầu trở thành vụ sản xuất hàng hoá, đem lại thu nhập cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Vụ đông trở thành vụ sản xuất chính
Dẫn chúng tôi thăm vùng trồng khoai tây tập trung của địa phương, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tiên Cường Lương Văn Tuấn khoe: “Từ nhiều năm qua, Tiên Cường là địa phương đi đầu thực hiện chương trình phát triển cây trồng vụ đông của Tiên Lãng”.
Đến nay, toàn xã có 140 ha cây vụ đông, trong đó cây khoai tây chiếm hơn 50%. Hầu hết bà con nông dân các thôn tích cực chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng cây vụ đông, có hộ trồng tới 1 mẫu, hộ ít cũng trồng một vài sào. Hiệu quả từ cây vụ đông góp phần nâng cao đời sống người dân trong xã, nhiều gia đình thoát nghèo, khá lên nhờ cây vụ đông.
Là hộ đi đầu phát triển cây trồng vụ đông của xã Tiên Cường, chị Nguyễn Thị Mây, nông dân thôn Đại Công cho biết, mỗi vụ gia đình tôi trồng 4-5 sào gồm khoai tây, cà chua, súp lơ, dưa…Theo chị Mây, cây trồng vụ đông đem lại giá trị khá cao, gấp 3-4 lần so với cấy lúa.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chiêm, xã Quyết Tiến, đây là vụ thứ 4 gia đình trồng khoai tây giống mới Atlantic thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Năm nay khoai tây được mùa lớn, với 3 sào trồng khoai tây, vụ này gia đình thu nhập hơn 20 triệu đồng, gấp 3 lần cấy lúa.
Chưa bao giờ nông dân xã Tiên Cường, Quyết Tiến và các xã khác ở huyện Tiên Lãng phấn khởi như vụ đông vừa qua. Tiên Cường, Quyết Tiến là 2 xã điển hình về phát triển cây trồng vụ đông của Tiên Lãng. Các địa phương còn lại cũng hình thành được vùng sản xuất cây vụ đông quy mô lớn với nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Tại nhiều xã, cây vụ đông trở thành vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, với nhiều vùng chuyên canh rau màu tập trung quy mô lớn được đầu tư như vùng sản xuất hành, tỏi xã Vinh Quang, Đông Hưng; vùng cà chua, khoai tây, dưa chuột xuất khẩu ở xã Cấp Tiến, Tiên Thanh, Toàn Thắng, Kiến Thiết…
Bài học kinh nghiệm
Tại cuộc kiểm tra sản xuất nông nghiệp ở Tiên Lãng đầu xuân Giáp Ngọ 2014 vừa qua, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại và lãnh đạo các sở, ngành chung nhận xét: Tiên Lãng là điểm sáng phát triển cây vụ đông của thành phố với nhiều cách làm hay, mô hình mới.
Điều này được minh chứng bằng giá trị, diện tích, sản lượng cây vụ đông các năm đem lại. Ông Nguyễn Văn Thấm, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lãng cho biết: “Thành công bước đầu trong chương trình phát triển cây vụ đông ở Tiên Lãng có nhiều yếu tố.
Trước tiên, là các địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết chuyên đề về việc phát triển cây trồng vụ xuân, vụ đông của Huyện ủy. Việc tập huấn, chuyển giao KHKT đến người nông dân được các cơ quan chuyên môn triển khai có hiệu quả. Việc liên kết “4 nhà”, quy vùng sản xuất tập trung được chú trọng”.
Hiện nay, Tiên Lãng hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung ở hầu hết xã, thị trấn, quy mô lớn. Điển hình như xã Đông Hưng có vùng sản xuất hành, tỏi quy mô 60-70 ha; Tiên Thanh có vùng sản xuất dưa chuột xuất khẩu và khoai tây 30 ha.
Hệ thống thủy lợi Bắc Nam sông Mới, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, đường ra đồng phục vụ sản xuất được trung ương, thành phố, huyện, các địa phương quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng vào thành công trong chương trình phát triển cây trồng vụ đông ở Tiên Lãng. Tập quán, kinh nghiệm sản xuất của người dân cũng là những nhân tố quan trọng tạo ra thắng lợi cây vụ đông các năm.
Nhân tố quan trọng là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ huyện tới cơ sở được tập trung cao ngay từ đầu vụ. Đây là những kinh nghiệm quý để các địa phương khác trong thành phố tham khảo, học tập. Song, để duy trì và phát triển, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông vẫn là trăn trở đối với các cấp chính quyền địa phương và cơ quan liên quan.
Thực tế, dù đạt kết cao, nhưng việc phát triển cây trồng vụ đông tại Tiên Lãng chưa đồng đều giữa các địa phương; diện tích cây trồng có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đạt hàng nghìn ha, chiếm hơn 1/3 diện tích cây trồng của huyện, so với tiềm năng, lợi thế chưa tương xứng.
Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, tích cực đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Vũ Đức Cảnh: Vụ đông năm 2013 toàn huyện Tiên Lãng trồng gần 3.500 ha, tăng 500 ha so với vụ đông năm 2012. Trong đó có 685 ha khoai tây, gần 500 ha hành, tỏi, 280 ha cà chua, 248 ha ngô, 264 ha dưa, 216 ha ớt và một số cây trồng khác. Toàn huyện có 500 ha (khoai tây, ớt) có hợp đồng tiêu thụ cho các doanh nghiệp với gần 1.000 tấn sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.896ha diện tích xoài cát Hòa Lộc, tập trung ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, TP.Vị Thanh. Theo đó, nông dân sản xuất 2 vụ xoài/năm: vụ chính từ tháng 8 đến 12, vụ nghịch từ tháng 1 đến 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cá sặc rằn và phát triển mô hình nuôi ghép cá sặc rằn với cá thát lát còm bằng thức ăn công nghiệp giai đoạn 2014-2015”

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có 8 hợp tác xã (HTX) nghêu, gồm: Thạnh Lợi, Bình Minh, Thạnh Phong, Thanh Bình (Thạnh Phú); Tân Thủy, Bảo Thuận, An Thủy (Ba Tri); Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, trong 4 tháng đầu năm 2014, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của địa phương này đã tăng 13,08% so với cùng kỳ năm 2013.

Anh Trần Văn Chánh ở ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên thực hiện mô hình nuôi dông đầu tiên ở vùng Bảy Núi, thả nuôi 1.500 con giống với diện tích chuồng trại rộng 500 m2.