Diêm dân khóc ròng

Nếu như TX Ninh Hòa là thủ phủ SX muối của tỉnh Khánh Hòa, thì phường Ninh Diêm là vùng SX muối trọng điểm của thị xã, với diện tích lên đến hàng trăm ha. Những ngày này chúng tôi có mặt tại phường Ninh Diêm dưới cái nắng cháy da cháy thịt. Đây lại là điều kiện thuận lợi cho diêm dân SX muối.
Trên cánh đồng 3, tổ SX muối do anh Huỳnh Ngọc Truyền, ở phường Ninh Diêm làm tổ trưởng vẫn đang miệt mài SX, dù biết là giá muối thủ công hiện chỉ còn 350.000đ/tấn, giảm hơn nửa so với năm ngoái.
Gặp chúng tôi, anh Truyền than vãn: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên từ đầu vụ đến nay tổ chúng tôi SX được hơn 70 tấn muối, tăng 30 tấn so với thời điểm năm ngoái. Thế nhưng giá muối quá thấp, khiến chúng tôi SX thua lỗ từ 400-500 ngàn đồng/tháng. Do SX muối thua lỗ nên đời sống anh em trong tổ hiện rất khó khăn”.
Theo anh Truyền, tổ của anh gồm 13 xã viên nhận khoán SX 2,2 ha, mỗi tháng tổ SX được 8 mẻ muối, mỗi mẻ cào được từ 9-10 tấn, nhưng chưa có xã viên nào có thu nhập. Nhiều xã viên trong tổ đành ôm thêm công việc đóng muối vào bao để kiếm thêm tiền bù lỗ.
Còn ông Trương Công Hiến, Chủ nhiệm HTX Muối 1-5 Ninh Diêm cho biết, toàn HTX có hơn 102 ha muối SX trên nền đất, với 493 xã viên. Từ đầu vụ đến nay thời tiết nắng to, muối SX được mùa nhưng giá quá rẻ. Với giá muối thu mua tại HTX chỉ 350.000đ/tấn, tính ra thua lỗ 120.000đ/tấn.
“Tính đến nay chúng tôi SX được khoảng 2.000 tấn muối. Do chủ động liên kết với thương lái, chúng tôi đã bán được 1.800 tấn nên lượng muối tồn kho không nhiều. Thế nhưng hiện muối vẫn tiếp tục SX ra, mà thương lái thu mua có phần chững lại nên e rằng sắp tới diêm dân sẽ khó khăn hơn”, ông Hiến lo lắng.
Không sáng sủa gì hơn so với muối SX thủ công, hiện giá muối trải bạt cũng đang rớt giá thê thảm, chỉ còn 700.000đ/tấn, thấp hơn 400.000đ/tấn so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ nhiệm HTX Muối Ninh Thủy (TX Ninh Hòa) cho biết: “Mặc dù những năm qua đơn vị đã nâng cao chất lượng muối, đầu tư ô kết tinh bằng công nghệ lót bạt, sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, diêm dân SX có lãi.
Tuy nhiên, chưa năm nào giá muối trải bạt lại thấp như hiện nay nên chúng tôi tiêu thụ không được. Hiện lượng muối tồn của HTX lên đến 400 tấn, nhưng chưa tìm được đầu ra. Các thương lái thu mua muối cứ làm giá, tới trả giá rồi không mua”.
Trao đổi với PV, chị Lê Thị Loan, một thương lái ở phường Ninh Diêm cho biết, sở dĩ giá muối thấp là do năm ngoái lượng muối tồn nhiều, trong khi đó năm nay thời tiết nắng to, diêm dân được mùa muối, nên giá rẻ. Mặt khác việc thắt chặt tải trọng xe cũng khiến giá muối không tăng lên được bởi chi phí quá cao.
Cụ thể, hiện giá cước vận chuyển muối từ Ninh Diêm vào TP HCM lên đến 380.000đ/tấn, còn vận chuyển muối ra Quảng Ngãi khoảng 400.000đ/tấn, tăng nhiều so với năm ngoái. Do vậy hiện nay chị cũng không dám thu mua mạnh.
Được biết, toàn TX có hơn 700ha muối, trong đó diêm dân có khoảng 220ha. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, tổng lượng muối làm ra hơn 17.000 tấn nhưng lượng tồn kho hơn 3.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Từ tháng 11 đến tháng Giêng, đưa ong vào Bình Phước lấy mật hoa điều, cao su; đến tháng 2 lên Tây nguyên lấy mật hoa cà phê; tháng 5 ra Bắc lấy mật hoa vải... đó là chu kỳ trong năm của những người nuôi ong lấy mật.

Một chú gà trống trưởng thành có trọng lượng từ 4,5 - 6kg với đôi chân khỏe, dáng hình cao to thể hiện uy lực dũng mãnh, nên rất được dân gian lựa chọn làm lễ vật cúng tế. Thông tin trên các trang mạng cho hay, mỗi chú gà trống trưởng thành có dáng đẹp giá lên tới chục triệu đồng.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 55 hộ dân đã được ngành chức năng các cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã, gồm: Gấu ngựa 1 con, heo rừng lai 102 con, nhím 372 con, cá sấu nước ngọt 47 con, kỳ đà vân 14 con, chim trĩ đỏ 33 con, dúi 100 con.

Ông Hoàng Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: "Nhà nhà nuôi lợn đón Tết đã trở thành phong trào trong toàn xã. Không nuôi vì mục đích kinh tế, chỉ mong cái Tết thêm an toàn, đầm ấm, vui vẻ. Mấy năm trở lại đây, tục ăn đụng thịt lợn trên địa bàn trở lại như Tết xưa”.

Vẫn những giồng đất đã gieo trồng lâu nay, nhưng thay vì cùng một giống thì đằng này mỗi khóm mỗi khác nhau. Không chỉ về chủng loại mà còn ngày, giờ xuống giống, thu hoạch. Sự đa dạng vừa để thử nghiệm vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngày nào cũng có rau để bán mà lại không sợ “đụng hàng”. Đây chỉ là một khác biệt nhỏ từ khi bà con trồng màu ở khu vực khóm 6, phường 4, TP. Sóc Trăng bắt đầu sản xuất mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP.