Dịch Tai Xanh Bùng Phát Ở Một Số Tỉnh Miền Trung

Dịch lợn tai xanh đã và đang lây lan nhanh tại một số tỉnh miền Trung, nhất là tại các địa bàn chăn nuôi trọng điểm.
Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch gia cầm, chiều 19/3, tại Hà Nội.
Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho thấy, trong khi dịch cúm gia cầm đã được các địa phương cơ bản khống chế thì dịch tai xanh đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị.
Tại tỉnh Nghệ An, dịch đã bùng phát trên diện rộng tại 3 huyện gồm: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, với số lợn gần 400 con chết và bị tiêu hủy, dịch có chiều hướng tăng nhanh từng ngày; tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát hiện các ổ dịch nhỏ lẻ.
Đáng lo ngại là hầu hết các địa phương xuất hiện dịch tai xanh ở các địa bàn trọng điểm chăn nuôi. Hiện 6 đoàn kiểm tra của Cục Thú y vẫn tiếp tục trực tiếp phối hợp chống dịch tại các địa phương tái phát các ổ dịch.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: “Việc tái đàn, buôn bán vận chuyển gia súc trái phép đang làm dịch tai xanh lây lan trên diện rộng, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan thú y vùng, cán bộ thú y ở cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương khống chế ổ dịch, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch tái phát”.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá giống gia cầm trên thị trường hiện tăng 20% so với giá cuối tháng trước nên tư thương và các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi để vận chuyển con giống và trứng gia cầm nhập khẩu trái phép về tập kết tại chợ gia cầm Phú Xuyên (Hà Nội). Bên cạnh đó gà thải loại của Trung Quốc cũng được phát hiện bày bán công khai tại một số chợ giáp biên ở Cao Bằng và Bắc Kạn.
Ông Trọng đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo ngăn chặn tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước như là một hướng đi bền vững nhất trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, giữa việc nơi nơi đua nhau triển khai, nhân rộng, công ty nối tiếp công ty đẩy mạnh đầu tư và hàng trăm ngàn nông dân phấn khởi hưởng ứng thì nên chăng có sự nhìn nhận lại một cách tổng quan nhất về toàn bộ mô hình và sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển, nhân rộng theo đúng định hướng. Đây cũng là việc cần làm nhằm tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu và mô hình dần đi vào quy luật… thoái trào.

Nhằm tận dụng nguồn đất vườn đồi bị bỏ hoang, những năm qua, bà con nông dân xã Nam Dong huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông đã tìm ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước xóa đói giảm nghèo, trong đó phải kể đến thành công của mô hình trồng cây nhãn trên đất vườn đồi của bà con nông dân nơi đây.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 2.000ha mãng cầu (ta) chất lượng tốt, tập trung tại: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu. Bình quân mỗi năm, sản lượng thu hoạch gần 9.000 tấn/năm. Nếu được quy hoạch bài bản, mãng cầu sẽ là cây ăn quả đầy sức cạnh tranh của BR-VT.

Trong niên vụ cà phê 2012 - 2013, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) sẽ cung cấp miễn phí gần 300.000 cây cà phê giống cho những hộ dân muốn tái canh vườn cà phê già cỗi. Số cây này đủ tái canh cho khoảng 270 héc ta.

Cửa biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ) bị bồi lấp, hàng loạt tàu cá phải dạt đến những cảng biển khác trong và ngoài tỉnh làm cho nhiều cơ sở chế biến hải sản đang ăn nên làm ra tại địa phương điêu đứng vì khan hiếm nguyên liệu.