Dịch Bệnh Lợn Tai Xanh Và Cúm Gia Cầm Bùng Phát

Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Đến ngày 23/2, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đã có 84 con lợn chết trong tổng số gần 200 con lợn bị mắc bệnh tai xanh.
Dịch bệnh tai xanh xuất hiện và bùng phát tại đàn lợn của người dân Đội 1, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, từ đầu tháng Hai.
Tình hình dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, bên cạnh đó việc lưu thông buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn rất khó kiểm soát, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rộng ra các địa bàn khác rất cao.
Ngay sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y, Trạm Thú y huyện cùng Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong kiểm tra, xác minh và kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý, tiêu độc khử trùng, cách ly theo quy định.
Trước tình hình dịch tai xanh trên đàn lợn ở xã Triệu Đông diễn ra tương đối phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành xác minh, tiêm phòng và chữa trị cho số lợn bị bệnh, đồng thời tiến hành tiêu hủy số lợn đã chết. Chi cục cũng đã đưa 5.000 liều vắcxin tai xanh về tiêm phòng ở xã Triệu Đông và các xã lân cận vùng dịch; lập ba chốt chặn ở các xã vùng ven như Triệu Tài, Triệu Long và Triệu Thành.
Tại Điện Biên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên vừa ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND công bố dịch cúm gia cầm (H5N1) trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên nghiêm cấm hành vi vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm tại xã Thanh Xương ra khỏi địa bàn; nghiêm cấm việc chế biến, bán và sử dụng các sản phẩm gia cầm mắc bệnh trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm của gia cầm tại các xã, phường, thị trấn còn lại thuộc các huyện, thị xã, thành phố.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên từ ngày 19/2.
Nhận được nguồn tin báo từ nhân dân, ngành thú y tỉnh đã tổ chức xuống cơ sở kiểm tra thực tế, lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm để gửi đi xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm của Trung tâm Dịch tễ Thú y Trung ương đối với 3 mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả dương tính với chủng cúm gia cầm lấy tại một số gia đình đội 10 trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Điện Biên), Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm huyện Điện Biên phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Thanh Xương và 9 gia đình thuộc đội 10 xã Thanh Xương tổ chức tiêu hủy trên 350 con gia cầm, thủy cầm do nhiễm cúm.
Trạm Thú y huyện đã phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi của 9 hộ gia đình, triển khai một số giải pháp khống chế và bao vây vùng dịch.
Có thể bạn quan tâm

Trong vài năm qua, Na Uy đã cắt giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi cá hồi xuống mức gần như bằng không. Điều này đã dẫn đến một ngành công nghiệp phát triển mạnh và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở người.

Hiện nay Cty TNHH SX-TM Trúc Anh, ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu đã nuôi thành công tôm thẻ theo công nghệ Biofloc đạt năng suất tốt, bán giá cao hơn thị trường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Hợp tác xã (HTX) Tôm Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa ra mắt quầy hàng bán sản phẩm tôm càng xanh đạt chứng nhận VietGAP tại chợ cá TP.Cao Lãnh.

Nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, ngoài danh mục được phép lưu hành, không rõ nguồn gốc…

Nhiều hộ nuôi thủy hải sản lồng bè ven biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang rất lo lắng trước việc cá, tôm hùm chết hàng loạt trong thời gian vừa qua.