Địa Chỉ Cung Cấp Giống Cá Chất Lượng

Hệ thống sông, suối, ao, hồ, đập, hồ chứa hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi được xác định là nguồn tiềm năng lớn để phát triển nghề nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thủy sản trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cụ thể hóa mục tiêu này, cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã đầu tư hạ tầng cơ sở nhân giống, tạo giống thủy sản, trong đó có Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai. Được đưa vào hoạt động giữa năm 2012 nhưng do yếu tố khách quan nên đến đầu năm 2013, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai mới bắt đầu triển khai phần việc ương cá giống.
Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai cho biết quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao còn gặp nhiều khó khăn như thiếu thốn trang-thiết bị hiện đại phục vụ yêu cầu công việc; cơ sở hạ tầng của Trung tâm chưa được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực ương nuôi giống thủy sản... Song với tinh thần nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của tập thể cán bộ, công nhân, viên chức làm việc tại đơn vị; sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ cơ quan chức năng của tỉnh, hoạt động của Trung tâm dần đi vào ổn định và đạt được kết quả nhất định.
Minh chứng cho hiệu quả bước đầu trong hoạt động ương nuôi giống thủy sản của Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai chính là sự đa dạng loài cá được đưa vào ương, nuôi như cá trắm cỏ, trắm đen, chép, mè trắng, mè hoa, mè vinh, trôi, trê, rô phi, điêu hồng, lăng nha đuôi đỏ, rô đồng đầu vuông, có loài cá đang ở giai đoạn sinh sản. Ước tính trong 2 năm (2013-2014), cá trắm cỏ đã sinh sản khoảng 10 triệu con; cá chép sinh sản 5,4 triệu con; cá rô đầu vuông sinh sản 3,6 triệu con cá bột. Cá rô phi và điêu hồng sinh sản tự nhiên khoảng 6 vạn cá giống từ 4-6 cm.
Đặc biệt, trong năm 2014, cá mè vinh, mè hoa đã bắt đầu sinh sản được 1 đợt với tổng số 13,4 triệu con cá bột... Đồng thời duy trì nuôi dưỡng tốt đàn cá bố, mẹ khoảng 3 tấn để sinh sản nguồn cá giống chất lượng tốt chủ động cung cấp cho người nuôi cá.
Điều đáng mừng là những năm gần đây, nuôi cá nước ngọt quy mô kinh tế hộ phát triển tương đối mạnh nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cao kéo theo nhu cầu cá giống cũng tăng lên nên Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai trở thành địa chỉ cung cấp cá giống tin cậy của người nuôi cá nước ngọt.
Để đáp ứng nhu cầu giống theo nhu cầu của người mua, một phần sản lượng cá bột sinh sản được xuất bán trực tiếp cho các hộ dân Phú Thiện, Ayun Pa, Chư Prông; phần sản lượng cá bột còn lại được Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai tiếp tục đưa vào ương nuôi thành cá giống cấp I cung cấp cho thị trường các huyện Phú Thiện, Đak Đoa, Chư Pah, Chư Prông, Đức Cơ, thị xã Ayun Pa và TP. Pleiku. Bên cạnh việc cung cấp nguồn cá giống cho người nuôi, Trung tâm còn cân đối một phần sản lượng cá giống ương nuôi thả xuống ao, hồ trên địa bàn tỉnh để tái tạo nguồn thủy sản đang ngày một cạn kiệt do nhiều tác động, trong đó có việc người dân đánh bắt, khai thác.
Ước tính, trong 2 năm (2013-2014), Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thả khoảng 27 vạn con cá giống các loại xuống các hồ chứa trên địa bàn huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Chư Pah và TP. Pleiku. Bình quân mỗi năm Trung tâm xuất bán ra thị trường nội tỉnh khoảng 5 tấn cá thịt.
Kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng để Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai xây dựng mục tiêu sản xuất giống thủy sản đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp cung cấp cho nhu cầu người nuôi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi thủy sản, an toàn vệ sinh thực phẩm sản xuất bền vững môi trường. Trước mắt trong năm 2015 phấn đấu sinh sản 20 triệu con cá bột; ương cá bột lên cá hương đạt 3 triệu con; ương cá hương lên cá giống cấp I đạt 1,5 triệu con và nuôi cá hậu bị, cá thịt đạt 5 tấn.
Để đạt được mục tiêu trên-theo ông Phước, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, nhất là hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Giống thủy sản; bàn giao Trạm Thủy sản tại huyện Phú Thiện thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai cho Trung tâm Giống thủy sản quản lý và thành lập Trạm Thủy sản huyện Phú Thiện...
Có thể bạn quan tâm

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, do đặc điểm nông nghiệp Việt Nam là khu vực rộng lớn, phân tán, SX bị tác động lớn và trực tiếp bởi thiên tai, dịch bệnh và thị trường cộng với việc thông tin thống kê được thu thập qua nhiều cấp nên còn có sự chênh lệch khá lớn giữa báo cáo tiến độ SX với kết quả SX chính thức; chênh lệch giữa sản lượng SX với khối lượng XK và chênh lệch giữa số liệu trong nước với số liệu do các tổ chức quốc tế thẩm định…

Việt Nam tự hào vì có sản lượng cà phê, cao su xuất khẩu đứng trong tốp đầu của thế giới. Trong đó, Đồng Nai là một địa phương xuất khẩu lớn các mặt hàng này. Dù vậy, sau bao nhiêu năm tham gia thị trường, doanh nghiệp và nông dân vẫn không thể chủ động được giá bán.

Ở xã Viên An – huyện Trần Đề (Sóc Trăng), phong trào nuôi bò sữa đang phát triển rầm rộ. Từ năm 2002, xã đã phấn khởi tiếp nhận dự án nuôi bò lai sin từ ngành nông nghiệp, thì những năm gần đây việc nuôi bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông hộ.

Với thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm từ 7ha xoài, ông Đinh Văn Phương (Sáu Phương), ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A là người rất thành công với mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc tại địa phương. Nhiều người đã gọi ông là “vua xoài” của xứ Bảy Ngàn.

Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, lượng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 130.000 tấn, trị giá gần 830 triệu USD, dự báo xuất khẩu hạt điều và các mặt hàng dầu vỏ hạt điều cùng sản phẩm chế biến sâu trong năm nay sẽ đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD. Hiện Việt Nam có khoảng 300 DN xuất khẩu sản phẩm hạt điều đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.