Đi xa mua thịt heo sạch bằng được

Quầy thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (Q.5)
Sau ba ngày mở bán quầy thịt heo VietGAP, đại diện Công ty TNHH An Hạ (đơn vị bao tiêu và phân phối heo VietGAP tại TP.HCM) cho biết sẽ sớm mở thêm những điểm bán tại các chợ trên địa bàn TP.
Chờ mua từ 5g sáng
Hơn 9g sáng 11-10, ông Nguyễn Văn Dũng (Q.5) mới tìm được đúng quầy bán thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ trong khu vực bán thịt tươi sống ở chợ Hòa Bình.
Trước đây, ông Dũng thường mua thịt heo tại chợ gần nhà hoặc cửa hàng thực phẩm nên ít khi ghé đến chợ này.
“Đọc trên báo thấy chợ Hòa Bình có bán thịt heo VietGAP, đảm bảo an toàn từ trang trại đến bàn ăn nên tôi quyết định đến chợ mua thử” - ông Dũng giải thích.
Ngay sau ông Dũng, bà Ngọc Hà ở ngay gần chợ cũng đến quầy thịt heo VietGAP để mua về nấu ăn cho gia đình.
Là người thường xuyên đi chợ này và đã có mối quen ở các sạp thịt gần đó, nhưng khi biết chợ có thêm quầy thịt heo VietGAP, bà Hà đã chọn loại thịt này.
Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm, nhân viên bán hàng tại quầy thịt heo VietGAP, cho biết cửa hàng mới qua ba ngày bán nhưng khách hàng đến ủng hộ rất đông.
Mỗi ngày quầy này bán được khoảng 170 - 180kg thịt các loại và ngày sau cao hơn ngày trước.
Khách hàng chủ yếu đến từ khu vực Q.5 nhưng cũng có nhiều khách ở xa đến tìm hiểu rồi xin số điện thoại đặt hàng giao tận nơi.
“Có cả khách từ Bình Chánh cũng lặn lội đến đây vì muốn mua được thịt heo an toàn. Thậm chí có khách hàng đến chợ từ 5g sáng dù quầy thịt bắt đầu bán từ 6g” - chị Trâm nói.
Theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và điều kiện bảo quản, thịt bán ở quầy VietGAP chỉ bán trong vòng bốn giờ, tức bắt đầu từ 6g sáng và kết thúc lúc 10g dù còn thịt hay không.
Trường hợp chưa bán hết phải đem phần dư thừa về công ty để chế biến.
Mặc dù khắt khe đầu ra như vậy nhưng thịt VietGAP chỉ bán bằng giá với heo thường và có niêm yết giá rõ ràng.
Cụ thể, sườn non giá 125.000 đồng/kg, thịt vai, nách 70.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, chân giò 70.000 - 75.000 đồng/kg...
Sẽ mở rộng ra nhiều chợ
Trước khi giới thiệu thịt heo VietGAP ra thị trường, ngày 9-10 Công ty TNHH An Hạ phối hợp với Sở NN&PTNT TP.HCM kết nối và bao tiêu toàn bộ lượng heo chăn nuôi theo chuẩn VietGAP trên địa bàn TP.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, giám đốc công ty, cho biết: “Công ty dành riêng một dây chuyền tại lò giết mổ An Hạ (Củ Chi) để làm heo VietGAP nhằm đảm bảo các điều kiện về truy suất nguồn gốc.
Ngoài chợ Hòa Bình, sắp tới công ty mở những sạp thịt heo VietGAP tại các chợ trên địa bàn TP”.
Thịt heo VietGAP bán tại chợ Hòa Bình là một trong những kết quả của dự án Cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2010 tại TP.HCM và một số địa phương khác.
Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ các địa phương chuyển đổi mô hình nuôi heo truyền thống sang nuôi heo an toàn (VietGAP) nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Dự án cũng hỗ trợ nông dân kết nối thị trường với các cơ sở giết mổ và phân phối nhằm đưa thịt heo có chứng nhận tới tay người tiêu dùng.
Trước đó, nhằm đảm bảo chuỗi thịt heo đạt chuẩn, dự án Lifsap cũng đã tài trợ cho 23 chợ với 1.043 quầy sạp bán thịt trên địa bàn TP xây dựng, sửa chữa khu kinh doanh cũ sang thiết kế mới đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Phước Trung - giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, sau ba năm đầu TP đã triển khai xong chương trình cấp chứng nhận chăn nuôi heo VietGAP, nâng cấp khu kinh doanh thịt tươi sống của hàng chục chợ ở nhiều quận huyện, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở giết mổ.
Tuy nhiên, mọi khâu trong cả chuỗi thì đã đầu tư và hiện diện nhưng thịt heo có chứng nhận VietGAP thì vẫn vắng bóng trên thị trường do thiếu một đơn vị đứng ra kết nối.
“Thông tin heo bệnh với heo ăn chất tạo nạc tràn lan trong khi người dân mong muốn tìm mua heo sạch lại không có.
Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng mời gọi các đơn vị kinh doanh tham gia vào chuỗi này để đưa sản phẩm thịt heo an toàn từ trang trại đến tay người tiêu dùng” - ông Trung cho biết.
Để đảm bảo thịt heo an toàn từ trang trại đến bàn ăn, dự án thiết lập một quy trình kiểm soát trong tất cả các khâu như lấy mẫu huyết thanh heo tại trại nuôi để kiểm soát dịch bệnh, lấy mẫu môi trường để kiểm soát ô nhiễm, lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm soát chất cấm và lấy mẫu giám sát tại cơ sở giết mổ, chợ lẻ để kiểm soát ô nhiễm vi sinh.
“Với mỗi công đoạn trong chuỗi đều có người của dự án và thú y cấp giấy nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận nguồn gốc xuất xứ thịt heo” - ông Trung nói.
Nông dân cũng có lợi
Theo thông tin từ dự án Lifsap TP.HCM, hiện đã có 848 hộ nông dân tại Củ Chi và Hóc Môn tham gia nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP và đã có 646 hộ đạt chứng nhận này.
Tham gia dự án này, nông dân được hỗ trợ tiền xây dựng hầm biogas xử lý chất thải động vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc heo và chuồng trại an toàn.
Với quy trình nuôi heo VietGAP, chuồng trại nuôi phải được thiết kế lại hợp lý, đảm bảo dễ chăm sóc, quản lý và vệ sinh, hạn chế dịch bệnh. Con giống có nguồn gốc rõ ràng, thức ăn cũng được kiểm soát về chất lượng.
Ông Trần Văn Hòa (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, tham gia chương trình nuôi heo VietGAP từ năm 2013) cho biết rất vui vì thịt heo VietGAP đã đến được với người tiêu dùng, giá bán cũng cao hơn.
“Trước đây bán cho thương lái bằng giá heo thường, nay mỗi con heo 100kg tôi có thêm khoảng 150.000 - 200.000 đồng” - ông Hòa cho hay.
Có thể bạn quan tâm

Với mục tiêu tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, đảm bảo quá trình canh tác cho cả 3 vụ lúa trong năm, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân có đất ruộng trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML) tại địa phương mạnh dạn liên kết lại để cùng nhau bơm tát tập trung trên cùng khu vực sản xuất.

HTX Nông nghiệp An Phú, Đức Trọng đang xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau xanh với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nhằm hướng đến ổn định khoản lãi từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Tân Sơn là huyện có diện tích đất rừng khá lớn, trong tổng số hơn 68 nghìn ha đất tự nhiên thì có tới ¾ là đất rừng. Vì vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng được huyện đặc biệt quan tâm.

UBND tỉnh vừa quyết định thanh lý hơn 27,6ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 11 năm 2013 gây ra tại lô a, khoảnh 8 và 9, tiểu khu 597, xã Tam Sơn; lô a, b, c, d, e, f, g, h, i, khoảnh 2, tiểu khu 608, xã Tam Trà thuộc khu vực Núi Huỳnh (huyện Núi Thành) nằm trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh. Khu vực nêu trên trồng keo tai tượng vào năm 2008.

Dù đang sắp bước vào mùa mưa nhưng hầu hết các giếng khoan, giếng đóng của các hộ dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) đều khô khốc, nhất là ở hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện. Hàng chục hécta hành đang ngóng nước về để “duy trì sự sống”. Nhiều hộ dân phải mua nước về tưới cho hành với kinh phí không nhỏ.