Đi lên từ thế mạnh

Cam xoàn hiện là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Thạnh Xuân.
Xác định chỉ có phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân mới giảm nghèo, tăng hộ khá và giải quyết hàng loạt vấn đề của nông dân, nông thôn.
Xã đã tập trung triển khai nhiều mô hình vốn là lợi thế của địa phương như trồng màu và cây có múi.
Vì vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Ông Phạm Vũ Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết, chính nguồn thu từ cây cam đã giúp cho tiêu chí thu nhập và kéo theo các tiêu chí như hình thức sản xuất và xóa đói giảm nghèo hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Qua vài vụ bán trúng giá, nhiều hộ dân nơi đây đã trở nên khá giàu, nên cây cam được xem là cây làm giàu hiệu quả của người dân.
Còn theo đánh giá của nhiều nhà vườn có kinh nghiệm, giá cam xoàn luôn ở mức khá cao so với những loại cam khác.
Vì vậy, cây trồng này được bà con chọn và nhân rộng khá nhiều.
Ở tại ấp Xẻo Cao A, hầu như đa phần các mảnh vườn của nguời dân được phủ xanh bởi những vườn cam.
Trong đó có nhiều vườn cây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Những kết quả đạt được là nhờ những người nông dân dám nghĩ dám làm, nhanh nhạy trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với thị trường.
Trong những con người đó, tiêu biểu phải kể đến ông Dương Văn Do, ở ấp Xẻo Cao A.
Với bàn tay cần cù của mình, vườn cam xoàn gần 1ha cứ mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 200-300 triệu đồng.
Thăm vườn cam xoàn 8 năm tuổi của nhà ông Do, những gốc cam khỏe mạnh được dày công vun xới, tán cây xòe rộng, trái xum xuê, muốn bước qua phải cúi thấp người.
Khi được hỏi kinh nghiệm nào giúp vườn cam đạt năng suất cao với mức thu nhập khá, thì nông dân hơn 50 tuổi này chia sẻ: “Yêu cầu đầu tiên là phải chọn được giống sạch bệnh, mật độ trồng hợp lý.
Trồng cam phải chú ý dưỡng cây sao cho cây kéo dài tuổi thọ, như vậy mới ổn định được năng suất”.
Riêng các hộ ít có điều kiện kinh tế, ít đất canh tác hơn đã lựa chọn cho mình mô hình trồng màu.
Lợi thế của trồng màu là vốn ít, chỉ cần bỏ công chăm bón.
Từ mô hình này, nhiều hộ đã được “rút sổ nghèo”, cuộc sống cải thiện hơn.
Trường hợp của chị Trần Thị Hồng Tuyết, ở ấp So Đũa Lớn A, trước đây, gia đình chị rất nghèo.
Vợ chồng chị làm cật lực cũng không đủ nuôi 2 con nhỏ ăn học và trang trải cuộc sống.
Nhờ tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, vợ chồng chị quyết định trồng các loại rau màu như: dưa leo, bắp cải, củ cải, đậu que… Sau vài năm làm ăn, gia đình chị Tuyết tích cóp được tiền của, mạnh dạn thuê 4 công đất để mở rộng sản xuất.
“Điều đáng mừng hơn là gia đình tôi vừa nhận được quyết định xóa nghèo.
Đời sống hiện tại chưa có dư dả nhiều nhưng vẫn đảm bảo.
Tôi dự định lên liếp 4 công đất để trồng màu tiếp, còn 2 công đất vườn sẽ mua cam sành về trồng”, chị Tuyết tâm sự.
“Cũng từ những mô hình hiệu quả này mà trong những năm qua xã đã vận động nhiều hộ nghèo áp dụng, tăng thu nhập.
Nhờ đó, xã Thạnh Xuân đã đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có tiêu chí thu nhập và xóa đói, giảm nghèo.
Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,23% (87 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.
Diện mạo nông thôn đang khởi sắc dần, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể”, ông Phạm Vũ Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết thêm.
Mặc dù lộ trình xây dựng NTM của Thạnh Xuân từ năm 2016-2020 nhưng từ những nội lực sẵn có, tin rằng chặng đường về đích xã nông thôn mới sẽ không xa.
Có thể bạn quan tâm

Việc Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu phân bón và từ 1.12 tới đây là áp dụng cơ chế nhập khẩu tự động với mặt hàng phân bón của Bộ Công Thương đang được dư luận đặt câu hỏi: Người nông dân có được lợi khi phân bón nhập khẩu bị hạn chế?

Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được xem là chìa khóa đưa ngành sản xuất lúa gạo nước ta phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng lúa; tuy nhiên, đối với các tỉnh miền Bắc, việc thực hiện mô hình này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh mối liên kết giữa các nhà còn rất lỏng lẻo.

Sự yếu kém về hạ tầng là lực cản rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tiểu Tây - ngôi làng nằm trên ngọn núi Lô. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, người dân Tiểu Tây đã nhìn ra thế mạnh và biết phát huy thế mạnh từ việc trồng cỏ nuôi bò.

Năm nay, không chỉ nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phấn khởi vì giá cà phê tăng hơn năm trước mà các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cà phê nơi đây cũng rất vui khi được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo- PTNT) huyện tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn với lãi suất thấp.

Những tháng cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, sức đề kháng của các loại gia súc, gia cầm yếu; đây cũng là thời điểm hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra sôi động nên dịch bệnh rất dễ xảy ra. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn T.P Thái Nguyên cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi.