Đi Gặt Từ 3 Giờ Sáng Để Tránh Nắng

Tại vựa lúa huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), mới 8 giờ sáng nhưng không khí trên những cánh đồng đã hầm hập như lò nung, trong khi bà con nông dân vẫn phải đánh vật với cái nóng để thu hoạch kịp thời vụ.
Trên ruộng lúa, anh Vương Quang Trung ở xã Sơn Thuỷ mặt mũi đỏ gay vì nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại thở dài nói: "Nắng kinh khủng quá, lại trúng vào vụ gặt nên nông dân càng thêm cực. Vụ này gia đình tôi làm 3 mẫu lúa, đã 4 ngày đội nắng nhưng cũng mới thu hoạch được một nửa. Thuê thêm người thì không có, vì ngày mùa ai cũng lo gặt ruộng của mình. Trời cứ nắng nóng kéo dài như ri, e chúng tôi kiệt sức mất”.
Cạnh ruộng anh Trung, mới 9 giờ nhưng đám lúa gần 5 sào của gia đình bà Nguyễn Thị Thuỷ đã gặt xong, mọi người đang tập trung gánh lúa lên bờ để chất lên xe công nông chở về nhà. “Chúng tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng đi gặt để tránh nắng, chứ tầm 10 giờ trở đi là nắng nóng không thể chịu nổi" - bà Thuỷ cho hay.
Hơn 9 giờ sáng, nắng nóng mỗi lúc một gay gắt. Chúng tôi đi xuyên qua những cánh đồng lúa của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và thấy trong cái nắng chói chang, những ruộng lúa chín rực lên báo hiệu mùa no ấm. Lẫn đâu đó là những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi của người nông dân, dẫu vất vả nhưng họ vẫn cười tươi, vì năm nay lúa đông xuân được mùa.
Ông Trần Đức Tài - Chủ tịch UBND xã An Thuỷ (Lệ Thuỷ) - địa phương trồng nhiều lúa nhất tỉnh Quảng Bình với 1.300ha, cho biết: Năm nay, năng suất lúa ở An Thủy đạt khoảng 70 tạ/ha, tăng 5 tạ so với vụ đông xuân năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Còn theo đánh giá của Phòng NNPTNT huyện Lệ Thuỷ, bình quân năng suất lúa vụ đông xuân 2014 toàn huyện đạt 65,04 tạ/ha, tăng 3,04 tạ/ha so với năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (đều sinh năm 1990) không nộp đơn xin việc làm với chuyên ngành đã học mà lập trại nuôi thỏ tại xã Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam).

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.

Ngày 27/11/2013, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã tổ chức buổi họp báo "Hội thi – Triển lãm Bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV - năm 2013". Được biết, hiện nay tổng số lượng bò sữa của TP khoảng 90.000 con, với chu kỳ cho sữa trung bình hàng năm là 6000 lít/con/chu kỳ cho sữa.

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.

Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.