Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để Vùng Chè Xuân Minh Phát Huy Lợi Thế

Để Vùng Chè Xuân Minh Phát Huy Lợi Thế
Ngày đăng: 28/05/2014

Lâu nay, có lẽ nhiều người biết đến xã Xuân Minh (Quang Bình) bởi đặc sản chè với hương vị đậm đà, riêng lạ. Chè Xuân Minh dù không được quảng bá rầm rộ, nhưng hữu xạ tự nhiên hương, danh tiếng của thứ chè trồng ở độ cao 600 – 700m so với mực nước biển này đang mở ra lợi thế cho xã vùng 3 Xuân Minh.

Chúng tôi về Xuân Minh, một địa phương vừa là vùng sâu, vừa là vùng cao của huyện vùng thấp Quang Bình. Đồng thời, cũng là nơi ít được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù là tiết trời tháng 5, nhưng thời tiết nơi đây vẫn mát dịu như sớm mùa thu vậy. Chính yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và độ cao nơi đây đã tạo nên hương vị thơm, đậm của chè Xuân Minh.

Chủ tịch UBND xã, Triệu Phụ Chìu cho biết, 10/10 thôn ở Xuân Minh đều có cây chè với khoảng trên 400ha. Nhưng chè chủ yếu được phát triển ở các thôn như Lang Cang, Pắc Pèng và Xuân Thành, với diện tích khoảng 200ha. Xuân Minh là vùng đất có truyền thống trồng chè với giống chè shan tuyết rất ngon. Anh Chìu cho biết thêm, xã xác định cây chè là cây mũi nhọn.

Toàn xã hiện có 491 hộ thì có trên 100 hộ có thu nhập khá từ cây chè. Nhờ quan tâm, vận động người dân tập trung cho phát triển cây chè nên bình quân mỗi năm, diện tích chè ở Xuân Minh tăng thêm trên 20ha. Qua đó, nếu như từ năm 2003, toàn xã chỉ có 180ha chè thì đến nay, đã có trên 400ha. Xã cũng đang hướng đến thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị của cây chè thông qua việc xây dựng các diện tích chè theo hướng VietGAP.

Thấy chúng tôi rất quan tâm đến cây chè Xuân Minh, anh Triệu Dùn Tòng, Trưởng thôn Nậm Chằng nói: “Đó là những lợi thế và tiềm năng của vùng chè Xuân Minh. Để cây chè ở đây phát triển, mang lại giá trị đúng với tiềm năng của nó thì còn nhiều khó khăn lắm các bác ạ. Trở ngại lớn nhất là đường xá đi lại từ các thôn ra trung tâm xã còn khó khăn, khiến cho việc trồng chè chưa mang lại lợi nhuận cao”.

Chủ tịch UBND xã Triệu Phụ Chìu tiếp lời, trước đây cán bộ, giáo viên được phân về Xuân Minh công tác ai cũng... buồn. Nay, đường xá từ huyện vào trung tâm xã đã được rải nhựa nên thuận lợi hơn. Nhưng, từ trung tâm xã đi các thôn thì rất khó khăn.

Hiện chỉ có 4/10 thôn là có đường ô tô tải vào được, 6 thôn còn lại mùa mưa đi xe máy còn khó khăn, từ đó khiến cho việc vận chuyển chè tươi mùa thu hoạch ra bên ngoài rất khó. Người dân chở chè ra trung tâm xã cũng chỉ bán được từ 7 – 10.000đ/kg chè tươi. Do đó, trừ chi phí sản xuất, vận chuyển khiến cho lợi nhuận sản xuất chè không cao...

Theo bà con làm chè ở Xuân Minh, chè tươi khó vận chuyển ra bên ngoài nên nhiều hộ phải sơ chế thành chè vàng xuất khẩu với chất lượng, giá bán không cao, khoảng 35.000đ/kg. Hiện nay, trong xã người dân đã đầu tư mua đến 171 máy sao chè mi ni để tự chế biến.

Do nhiều diện tích chè phát triển phân tán, kỹ thuật sản xuất, chế biến hạn chế nên giá trị chè Xuân Minh vẫn chưa được như mong muốn. Dù có hương vị rất thơm ngon, nhưng giá bán 1kg chè khô loại ngon ở Xuân Minh cũng chỉ đạt từ 100 – 150.000đ/kg.

Làm sao để phát huy lợi thế vùng chè Xuân Minh, đó là trăn trở của người dân và cấp ủy, chính quyền nơi đây. Theo đó, mong muốn của địa phương đó là tiếp tục nhận được sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông trong xã, đặc biệt là những thôn trọng điểm trồng chè.

Cùng với đó, xã sẽ tập trung vận động, tuyên truyền cho người dân phát triển chè theo hướng tập trung, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng chè. Trong điều kiện về trình độ sản xuất, vốn của người dân còn khó khăn, việc hỗ trợ khoa học kỹ thuật và vốn để mở rộng sản xuất chè là điều rất cần thiết với người trồng chè ở Xuân Minh.

Anh Vũ Hồng Thắng, đại diện Hợp tác xã Xuân Mai, đơn vị đang góp phần xây dựng thương hiệu chè Xuân Minh cho biết, để đầu tư một dây chuyền sản xuất chè ở đây không hề đơn giản. Nhưng nếu được đầu tư giao thông, vốn và công nghệ sản xuất, vùng chè Xuân Minh sẽ phát huy được lợi thế, đưa cây chè thực sự trở thành cây mũi nhọn.


Có thể bạn quan tâm

Thúc Đẩy Áp Dụng Sản Xuất Sạch Hơn Trong Ngành Chế Biến Lương Thực Thúc Đẩy Áp Dụng Sản Xuất Sạch Hơn Trong Ngành Chế Biến Lương Thực

Ngày 21/10, tại Khách sạn Bông Hồng, TP.Sa Đéc, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong ngành chế biến lương thực. Tham dự có đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp chế biến lương thực trên địa bàn tỉnh.

22/10/2014
Mô Hình Thâm Canh Tổng Hợp Giống Lúa Thuần HT9 Mang Tới Niềm Vui Cho Người Dân Tiên Yên Mô Hình Thâm Canh Tổng Hợp Giống Lúa Thuần HT9 Mang Tới Niềm Vui Cho Người Dân Tiên Yên

Niềm vui đó xuất phát từ Mô hình thâm canh giống lúa thuần HT9 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật thâm canh tổng hợp cho bà con đã mang lại vụ mùa năng suất cao cho những người dân nơi đây và giúp thay đổi cách thức sản xuất cũ bằng phương pháp khoa học cho cây lúa năng suất, chất lượng hơn.

22/10/2014
Mùa Quýt “Đắng” Mùa Quýt “Đắng”

Hiện nay, nông dân trồng quýt đường trên địa bàn huyện Long Mỹ đang bước vào thu hoạch quýt đường chính vụ. Khác hẳn với không khí nhộn nhịp của những năm trước, vụ quýt năm nay, nhà vườn đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm, thương lái hạn chế thu mua, khả năng sẽ đối mặt với mùa quýt “đắng”.

22/10/2014
Thanh Ba, Cẩm Khê Chủ Động Chăm Sóc Cây Trồng Vụ Đông Thanh Ba, Cẩm Khê Chủ Động Chăm Sóc Cây Trồng Vụ Đông

Hiện nay toàn huyện đã gieo trồng được gần 100% diện tích, trong đó các xã như: Phùng Xá, Yên Tập, Điêu Lương, Hương Lung, Tiên Lương, Đồng Cam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Hiện nay cây trồng vụ đông đang phát triển tốt, nhân dân trong huyện đang tập trung chăm sóc, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

22/10/2014
Nghề Chè Làng Khuôn Nghề Chè Làng Khuôn

Sản phẩm chè khô của các hộ sản xuất, chế biến chè ở làng nghề chè Khuôn, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, đều được đại lý nhà anh Nguyễn Văn Thư và một số đại lý trong làng thu mua. Chính vì đầu ra ổn định nên nguồn thu nhập của người sản xuất và chế biến chè ở khu Khuôn luôn được đảm bảo.

22/10/2014