Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để quả xoài ở Ea Súp được biết đến nhiều hơn

Để quả xoài ở Ea Súp được biết đến nhiều hơn
Ngày đăng: 30/05/2015

Mất mùa, mất giá

Như thường lệ, cứ vào tầm tháng 5, tháng 6, khắp TP. Buôn Ma Thuột đâu đâu cũng bắt gặp các “cửa hàng” xoài di động, đổ đống trên tấm bạt lớn, phần lớn đều được đựng trong các thùng các tông, thùng xốp được lót bằng rơm…, đó là xoài Ea Súp và được bán với giá rất rẻ, chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

Nhưng năm nay, tần suất, số lượng các “cửa hàng” xoài thưa hẳn, bởi vựa xoài Ea Súp bị mất mùa nặng, thậm chí một số diện tích gần như không có quả để thu hoạch. Anh P. T. N, thôn 7, xã Ea Bung cho biết, gia đình có 4 cây xoài hơn 10 năm tuổi, sum suê cành lá, bình quân mỗi năm thu về gần 1 tấn xoài, có năm thu không kịp, quả rụng đầy gốc, nhưng năm nay mất mùa, số lượng xoài trên cây đến cuối vụ đếm trên đầu ngón tay, gia đình mất trắng khoản thu gần 10 triệu đồng từ xoài.

Tương tự, ông Nguyễn Mỹ Bình ở thôn 5, thị trấn Ea Súp có 3,5 ha xoài cho hay, năm 2014 chỉ 200 cây xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan thu bói năng suất đạt 4 tấn, lãi gần 60 triệu đồng. Thế nhưng năm nay số cây cho thu hoạch tăng lên gấp đôi (trên 400 cây), trong đó có hơn 200 cây thu chính, tương đương 1,2 ha nhưng sản lượng chỉ đạt 4 tấn. Không chỉ mất mùa, giảm sản lượng mà năm nay giá xoài cũng bấp bênh so với năm trước, xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc mua tại vườn dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/kg (so với năm ngoái trên 20.000 đồng/kg).

Không chỉ nông dân buồn mà các thương lái cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi thu gom loại trái cây này. Chị Phan Thị Thúy, một tiểu thương gom xoài tại thị trấn Ea Súp chia sẻ, xoài gốc của huyện quả tròn, mùi thơm đặc trưng, chủ yếu là chín cây, được người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên giống xoài này lại có quả nhỏ, hạt lớn, vỏ mỏng nên dễ bị dập nát trong quá trình vận chuyển, không thể tăng giá được.

Trong khi đó, vụ xoài năm nay lại mất mùa khiến việc thu hái, gom xoài khó khăn hơn, thay vì đi gần, ngày được vài chuyến, nay thương lái phải đi tới các thôn, xã xa hơn, gom của nhiều hộ mới đủ số lượng để vận chuyển về điểm tập kết.

Theo thống kê của phòng NN – PTNT huyện thì hiện toàn huyện có hơn 700 ha xoài, rải đều khắp các xã, nhưng năm nay xoài mất mùa, giảm sản lượng xuống chỉ còn một nửa so với năm trước do thời điểm phân hóa mầm hoa tháng 11, 12 gặp lạnh, khi cây ra hoa lại gặp nắng nóng, phấn hoa bị khô, không thể thụ phấn được khiến năng suất xoài giảm sút.

Cần lắm một công trình khoa học

Với đặc trưng của vùng khí hậu nóng, các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu khó có thể thích nghi, trong khi đó, xoài lại là loại cây ăn quả làm chơi ăn thật của người dân Ea Súp, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất thích hợp với cây xoài. Ngoài ra, giống xoài địa phương dễ tính, không cần bón phân, chăm sóc vẫn có thể thu về hàng tạ quả/cây mỗi năm.

Những năm gần đây, nhiều nông dân đã tự mày mò, tìm hiểu, đưa các giống xoài mới có năng suất, chất lượng cao như xoài cát Hòa Lộc, Úc, Đài Loan, Thái… về trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã cho ra những vườn xoài đạt chất lượng cao, thơm, ngọt, được người tiêu dùng nhiều địa phương trong tỉnh biết đến. Tuy nhiên, để cây xoài thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân một cách bền vững, tên tuổi của sản phẩm xoài Ea Súp ngày càng vươn xa hơn thì việc đầu tư sản xuất một cách bài bản, khoa học là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN – PTNT huyện cho biết, những ngày cận Tết, có những vườn xoài ở Ea Súp sai trĩu cành, thu về hơn 1 tạ quả/cây, nhưng đầu ra của sản phẩm cũng còn nhiều khó khăn, bởi địa phương vẫn chưa xây dựng được thương hiệu xoài Ea Súp, mà mới chỉ được các thương lái, và đông đảo người tiêu dùng địa phương công nhận dựa vào độ tươi, ngọt tự nhiên của nó.

Mặt khác, xoài ở đây chủ yếu bán cho các thương lái với giá rất rẻ, chỉ 10.000 đồng/kg tại vườn, trong khi xoài có chất lượng tương đương trên thị trường lại bán với giá cao hơn gấp 3, 4 lần. Để cây xoài thực sự gắn bó, đem lại hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng biên, cần lắm công trình nghiên cứu khoa học cụ thể về các giống xoài, nâng cao chất lượng quả, nhưng quan trọng hơn cả là làm sao giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân đã bao năm gắn bó với cây xoài.


Có thể bạn quan tâm

Những Vấn Đề Thách Thức Đối Với Cây Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị) Những Vấn Đề Thách Thức Đối Với Cây Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị)

Cho đến nay, cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị).

29/09/2013
Gừng Nhóng Giá, Hút Hàng Gừng Nhóng Giá, Hút Hàng

Hiện nay, gừng củ tại các chợ không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) cho biết: Đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung giảm đáng kể khiến giá gừng tăng lên.

29/09/2013
Cần Sớm Có Nghị Định Để Gỡ Khó Cho Ngành Cá Tra Cần Sớm Có Nghị Định Để Gỡ Khó Cho Ngành Cá Tra

Trong 3 năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản do thị trường xuất khẩu sụt giảm. Thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê cũng làm ngành cá tra điêu đứng.

01/10/2013
Vì Sao Giá Tôm Thương Phẩm Tăng? Vì Sao Giá Tôm Thương Phẩm Tăng?

Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm thương phẩm toàn tỉnh Ninh Thuận thả nuôi trên 955 ha, trong đó có 900 ha tôm thẻ chân trắng và 55 ha tôm sú. Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 74% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng, đây được coi là tín hiệu vui về sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.

01/10/2013
13 Năm Với Ước Vọng Đổi Đời 13 Năm Với Ước Vọng Đổi Đời

Năm 2000, một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được phép chuyển đổi sang nuôi tôm, nhiều nông dân tưởng chừng đã bước được một chân vào cánh cửa đổi đời.

02/10/2013