Để Mướp Đắng Cho Nhiều Trái

Mướp đắng (khổ qua) trồng được quanh năm, nhưng thích hợp nhất là mùa mưa. Nếu áp dụng màng phủ nông nghiệp sẽ cho năng suất cao, giá bán lại cao nên nông dân rất thích trồng trong vụ này.
Mướp đắng trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng kết cấu đất phải tơi xốp, thoáng khí, sạch cỏ, tốt nhất là loại đất thịt pha cát. Đất được cày xới lượm sạch cỏ, phơi đất 15 - 20 ngày trước khi trồng.
Lên liếp rộng 0,6–0,8m, tưới nước nhiều cho có ẩm độ trong đất rồi tiến hành căng màng phủ theo chiều dài của luống, kéo bìa màng phủ xuống sát mép rãnh để khống chế cỏ mọc, lấy tre làm thành chiếc đũa ghim màng phủ lại, tránh gió bay.
Đục lỗ (dùng lon sữa bò hơ lửa nóng đặt lên trên màng phủ) để gieo hạt, mỗi lỗ cách nhau 0,55m. Bón lót vôi 80–100kg/1.000m2. Sau đó bón lót phân chuồng hoai 2 - 3 tấn + 15kg super lân+15kg kali+10kg urê trên diện tích 1.000m2. Số phân này bỏ giữa tim hàng theo chiều dài ruộng, tim hàng này cách tim hàng kia 1,2m.
Hạt phải xử lý nước ấm 2 sôi 3 lạnh ngâm trong vòng 5 - 6 giờ. Sau đó vớt ra đem ủ vào khăn ẩm. Sau 24 giờ đem rửa sạch hết lớp nhờn ngoài vỏ hạt, rồi đem ủ lại đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo. Lượng hạt giống: 0,5kg/1.000m2. Mỗi hốc 1 hạt, xử lý côn trùng gây hại bằng Basudin:1kg/1.000m2. Trồng dự trù một số trong bầu đất, để trồng giặm những cây không lên hay bị sâu bệnh phá hại.
Bón phân urê 20kg+5kg DAP/1.000m2, dùng bón thúc cứ 7 ngày bón 1 lần. Dùng cây dài có đường kính 1,5cm đục lỗ sâu 0,3cm về phía cây cắm giàn, cách cây khổ qua 15cm, bỏ phân vào lỗ với liều lượng 1 muỗng canh phân urê. Lần bón thúc thứ 3 đục lỗ giữa 2 cây khổ qua trên mặt luống rồi bón 1 muỗng canh DAP.
Chú ý trồng mướp đắng phải cắm cây trà và giăng dây làm giàn vì đây là loại dây leo. Khi cây có 3 – 4 lá thì bắt đầu cắm cây trà làm giàn. Mỗi cây mướp đắng cắm 1 cây trà. Khi cây mướp đắng bắt đầu có tua thì rất mau lớn, tiến hành giăng dây để cho leo càng cao thì càng nhiều trái.
Sau khi gieo được 36 - 38 ngày thì bắt đầu thu hoạch, cứ cách 1 ngày thu hoạch 1 lần, thời gian thu hoạch kéo dài 2 tháng, mỗi cây cho 3 - 4kg.
Có thể bạn quan tâm

Theo kế hoạch, tháng 1.2016, Nhà máy chế biến tinh bột mì Nhiệt Đồng Tâm tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định sẽ đi vào hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng mì ở huyện Vĩnh Thạnh bán sản phẩm dễ dàng, có thêm thu nhập.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, do ảnh hưởng của El Nino làm cho nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa giảm là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Những năm qua, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa thông thường sang thâm canh những giống lúa có chất lượng cao (CLC), trong đó có nếp cái hoa vàng. Hiệu quả bước đầu cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường phản hồi tích cực.

Thông tin từ Bộ phận khuyến nông, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện công ty đã đưa về 8 giống mía từ Viện Nghiên cứu mía đường và đang tiến hành trồng khảo nghiệm tại trại thực nghiệm của Casuco ở huyện Phụng Hiệp và một số hộ dân bên ngoài.

Thới Bình là huyện trọng điểm của Cà Mau về quy hoạch trồng mía, nhưng từ nhiều năm nay, người dân không thể sống với cây mía nên đã "phá rào" chuyển đổi qua nuôi trồng cây con khác. Thực trạng trên đến nay đã đến mức báo động.