Đề Án Phát Triển Đàn Lợn Nái Móng Cái Thuần Là Thiết Thực

Trong số các đề án chăn nuôi triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong nhiều năm qua thì Đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần được đánh giá là một đề án thành công, bởi nó được xây dựng trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế tập quán chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ của nông thôn miền núi cũng như xu thế thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay.
Đối với người dân miền núi ngoài canh tác cây lương thực thì con lợn đã gắn bó quen thuộc với đời sống sản xuất của họ, mặc dù chăn nuôi lợn hầu như chỉ mang tính tự cung tự cấp chưa phát triển thành một nghề tạo thu nhập trong khi tiềm năng của nghề này ở các địa phương là rất lớn.
Xuất phát từ thực tế đó, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần nhằm thúc đẩy nghề chăn nuôi lợn trở thành một nghề thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Và được triển khai thực hiện từ năm 2012.
Ông Nguyễn Ngọc Quy ở thị trấn Chợ Mới là một trong những hộ tham gia đề án ngay từ những ngày đầu triển khai. Với 8 con lợn nái và 01 con lợn đực giống Móng Cái nhận về đến nay tổng số lợn con sinh ra được trên 100 con. Trước đây gia đình ông chuyên nuôi lợn lai, nhưng bây giờ đã giảm dần chuyển sang nuôi lợn nái Móng Cái thuần bởi thấy rằng phù hợp với điều kiện của gia đình cũng như thị trường tiêu thụ.
Giống như ông Quy, gia đình anh Hoàng Văn Công ở thôn Chộc Toòng xã Cao Kỳ (Chợ Mới) cũng nhận sự hỗ trợ của đề án 8 con lợn nái và 01 con đực giống Móng Cái. Tuy nhiên sau khi đẻ được 01 lứa thì 02 con nái bị bệnh chết do ốm.
Nay số lợn sinh ra được trên 100 con. Anh Công cho biết toàn bộ con cái sinh ra đủ tiêu chuẩn đạt 18-20kg được huyện tiếp nhận cấp về cho các hộ chăn nuôi khác ở các xã Thanh Vận, Nông Hạ, Thanh Bình…Giá lợn giống Móng Cái hiện nay bán với giá 120.000 đồng/kg. Mặc dù tỷ lệ lợn cái trong mỗi lứa đẻ của đàn lợn ít hơn so với lợn đực nên từ đầu năm đến nay trừ chi phí gia đình thu nhập 30 triệu đồng.
Ngoài ra số lợn đực gia đình nuôi đạt 18-20kg tiêu thụ cho các hàng thịt quay với giá 35.000 đồng/kg. Hiện nay rất nhiều hộ gia đình của xã Cao Kỳ cũng như Chợ Mới có nhu cầu chuyển sang nuôi lợn nái Móng Cái thuần, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được vì số lượng con giống còn hạn chế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổng số lợn nái ban đầu mà tỉnh mua về hiện còn 219 con, trong đó bị chết và loại thải là 65 con. Số con đực hiện còn 8 con. Số lợn nái hiện đã đẻ 391 lứa với tổng số lợn sinh ra 3.242 con, trong đó 1.706 con cái.
Số lợn cái này đã bình tuyển được 1.454 con đạt tiêu chuẩn làm giống, trong đó đã cấp 1.129 con cho 908 hộ tham gia thực hiện. Số còn lại 325 con sẽ tiến hành cấp trong thời gian tới.
Qua tìm hiểu thực tế tại các hộ chăn nuôi cũng như đánh giá tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện đề án đó là: Đề án đã đạt được thành công. Hiện nay số đàn lợn nái Móng Cái tăng đáng kể (hơn 1.300 con) bổ sung vào cơ cấu tổng đàn lợn nái của tỉnh, dần cải tạo, thay thế đàn lợn nái địa phương chất lượng thấp, đồng thời tạo ra giống lợn thịt nuôi thương phẩm có năng suất, chất lượng tốt hơn.
Người chăn nuôi chủ động được con giống nuôi thương phẩm không phải nhập con giống từ bên ngoài vào nên hạn chế sự ảnh hưởng của dịch bệnh, phát tán mầm bệnh. Đề án đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ động công tác phòng dịch chăn nuôi giảm rủi ro…
Tuy nhiên so với mục tiêu kế hoạch thì đề án vẫn chưa đạt yêu cầu nguyên nhân do thời gian triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch.
Lợn nái mua về đúng thời điểm rét đậm rét hại, các hộ chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lợn mắc một số bệnh truyển nhiễm nhưng không được chữa trị kịp thời dẫn đến bị chết. Việc quản lý, sử dụng con đực giống còn nhiều bất cập do lợn nái Móng Cái thuần nuôi rải rác không tập trung, việc khai thác giống còn nhiều khó khăn…
Hiện nay nhu cầu chăn nuôi lợn Móng Cái thuần tại các địa phương tương đối lớn. Mặc dù đề án triển khai trên diện rộng ở tất cả địa bàn các huyện thị trong tỉnh, tuy nhiên số lợn giống mới cấp được cho Thị xã, Chợ Mới, Ngân Sơn và Bạch Thông. Các huyện còn lại mặc dù đã đăng ký nhưng chưa được cấp giống do số lợn sinh ra chưa đáp ứng đủ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu đàn lợn của tỉnh đạt 250.000 con. Đề án phát triển đàn lợn nái Móng Cái thuần giai đoạn 2012-2015 sẽ góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra...
Có thể bạn quan tâm

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là các hạng mục trong Dự án nâng cấp cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) hoàn tất, lượng tàu cá sẽ về neo đậu ở đây tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, các bè nuôi thủy sản xung quanh khu vực cảng đang khiến cho việc lưu thông gặp khó khăn.

Không ít doanh nghiệp ví Đồng Nai là “thủ phủ” sản xuất thức ăn chăn nuôi của cả nước, vì mỗi năm các nhà máy trong tỉnh cung cấp cho thị trường trên 2,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, đây vẫn là nơi hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngày 19/8/2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà Ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.

Ðể có được những giọt mật ngon, những người nuôi ong ngày này qua tháng nọ phải lang bạt khắp nơi để đưa đàn ong đi tìm mật. Nhiều rủi ro bất trắc trên đường di chuyển, nhưng bù lại nghề này có thể cho thu nhập rất cao nếu tìm được vùng hoa có nhiều mật.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư trên 6.254 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương trên 22,181 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 23 tỉ đồng và vốn đầu tư của dân trên 6.208 tỉ đồng.