Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đầu tư vườn cây ăn trái

Đầu tư vườn cây ăn trái
Ngày đăng: 18/06/2015

Lợi nhuận cao hơn lúa

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch trái cây, trong đó một số loại trái cây đầu vụ được giá đã giúp nhiều hộ phấn chấn. Ông Lê Văn Ngoan, ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), cho biết: “Măng cụt thu hoạch sớm được thương lái mua tới 115.000 đồng/kg, nhưng sản lượng rất ít bởi khó xử lý cho trái chín sớm. Tui có 2 công cho trái sớm, nhờ đó thu về lợi nhuận cao”. Ông Huỳnh Minh Trí, cán bộ nông nghiệp xã An Phú Tân, bộc bạch: “Toàn xã có hơn 90ha măng cụt, thông thường đầu vụ được giá rất cao, bởi sản lượng ít. Hiện tại, măng cụt các nơi bắt đầu thu hoạch nhiều lên nên giá giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg; giá này vẫn đảm bảo cho bà con thu lãi cao gấp nhiều lần so trồng lúa”.

Tại Tiền Giang và Bến Tre nhiều nông dân đang thu hoạch sầu riêng. Ông Lữ Văn Thiện, Phó chủ nhiệm HTX Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre), tiết lộ: “Sầu riêng Ri 6 được thương lái mua với giá 25.000 - 35.000 đồng/kg, giá này nhà vườn đã có lời”. Trong khi đó quýt đường cũng được thương lái đẩy mạnh thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Theo Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nếu quýt đường duy trì mức 30.000 đồng/kg thì 1ha cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, khó loại cây nào sánh kịp. Từ nguồn lợi trên, nên nông dân Lai Vung mở rộng diện tích quýt đường lên 1.150ha.

Đầu tư phát triển căn cơ

Theo Bộ NN-PTNT, trái cây ở Nam bộ rất đa dạng, trong đó có 10 chủng loại được các địa phương trồng với diện tích lớn gồm: xoài, chuối, nhãn, thanh long, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, sầu riêng và quýt. Thời gian qua, thị trường tiêu thụ trái cây có thuận lợi; trong đó số lượng, chủng loại và kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều tăng. Một số loại trái cây như chôm chôm, thanh long, nhãn… đã vào được những thị trường khó tính trên thế giới nhờ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về chất lượng.

Mặt được là vậy, tuy nhiên việc sản xuất trái cây ở Nam bộ, nhất là các tỉnh ĐBSCL còn ở dạng nhỏ lẻ. Số diện tích đạt chứng nhận GAP còn ít. Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều vườn cây ăn trái bị thất thu. Thêm hạn chế là doanh nghiệp và thương lái rất ít đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ít hợp tác với nông dân về sản xuất và tiêu thụ trái cây. Hệ thống chế biến, bảo quản trái cây còn kém. Việc xây dựng thương hiệu, tổ chức quảng bá về trái cây chưa nhiều. Lo ngại nhất là giá cả trái cây lên xuống thất thường, lúc vụ nghịch thì giá cao, khi vào vụ thu hoạch rộ thì rớt khiến nhiều hộ thua lỗ, như thanh long, ổi, chôm chôm, xoài… là thí vụ điển hình.

Bộ NN-PTNT cho rằng, để phát triển trái cây một cách căn cơ cần mạnh dạn thay đổi và tăng suất đầu tư. Theo đó, không sản xuất ào ạt vào chính vụ, mà tính toán áp dụng rải vụ một cách hợp lý nhằm tránh rớt giá. Thời gian qua đã có một số loại trái cây rải vụ thành công như: Sầu riêng vụ nghịch giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 396 triệu đồng/ha, cao gấp 1,8 lần so chính vụ; chôm chôm chính vụ giá dao động 5.000 - 13.000 đồng/kg, nhưng rải vụ giá tới 18.000 - 35.000 đồng/kg... Viện Cây ăn quả miền Nam nhìn nhận: “Cần mạnh dạn tổ chức lại sản xuất trái cây theo quy mô lớn, gắn từng cá thể vào tổ hợp tác hoặc HTX nhằm tạo ra sản lượng trái cây lớn, độ đồng đều cao, màu sắc đẹp… để cung ứng cho thị trường xuất khẩu đều đặn về số lượng và chất lượng ổn định”.

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL kiến nghị, trồng cây ăn trái phải mất từ 2 - 4 năm mới cho thu hoạch, trong khi mức đầu tư ban đầu khá lớn nên nhiều hộ thiếu vốn. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét cơ chế hỗ trợ các vùng chuyên canh cây ăn trái được vay vốn dài hạn, lãi suất thấp, mức vay đảm bảo để nông dân có điều kiện phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, đê bao, điện, nước… tạo thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển trái cây; Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu trái cây vào những thị trường lớn và mở rộng thị trường mới; Có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất trái cây, ký kết với nông dân tiêu thụ trái cây, xây nhà máy chế biến, kho trữ… Các địa phương cần thống nhất quy hoạch phát triển trái cây về chủng loại, sản lượng, thời vụ, sau đó phân bổ xuống từng xã để sản xuất hợp lý; Tiến hành xây dựng chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; Đặc biệt là đầu tư vốn và kỹ thuật để xây dựng các vùng chuyên canh trái cây theo hướng hàng hóa. Trước mắt, có thể thí điểm một số vùng “làm mẫu” để người dân thấy hiệu quả và làm quen với cách sản xuất mới, sau đó nhân rộng”.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

31/08/2013
Thử Nghiệm Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Tại Xã Phong Vân (Bắc Giang) Thử Nghiệm Trồng Thanh Long Ruột Đỏ Tại Xã Phong Vân (Bắc Giang)

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha tại xã Phong Vân.

31/08/2013
Quýt “Vàng” Trên Đất Cằn Quýt “Vàng” Trên Đất Cằn

Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.

31/08/2013
Tiếp Vốn Người Nuôi Cá Tiếp Vốn Người Nuôi Cá

Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...

31/08/2013
Phát Triển Kinh Tế Biển Phát Triển Kinh Tế Biển

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

03/09/2013