Đất Ít Cũng Có Thể Làm Giàu

Nhờ kiên trì vượt khó, không nóng vội theo hướng “chặt trồng, trồng chặt”, nhiều nông dân ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã làm giàu trên diện tích chỉ vài sào đất.
MỖI NĂM THU 100 TRIỆU ĐỒNG TỪ 3 SÀO ĐẤT
Kết thúc vụ sầu riêng năm 2013, gia đình ông Lê Hải Trung ở ấp 8, xã Minh Hưng thu được 5 tấn trái/3 sào đất vườn. Với giá bán trung bình 22 ngàn đồng/kg (giống sầu riêng Măng Thon, Thái Lan), ông Trung thu về hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo kinh nghiệm của ông Trung, cây sầu riêng thường mắc hai loại bệnh: Nấm rễ và sâu đục thân. Riêng sâu đục thân không có thuốc điều trị đặc hiệu, muốn diệt sâu bệnh phải bắt thủ công. Khi thân cây có dấu hiệu xì mủ, ông Trung dùng dao nhọn khoét chỗ xì ra, bắt sâu đục thân rồi dùng thuốc quét vào lỗ khoét, dưỡng thương cho cây. Đối với bệnh nấm rễ, ông dùng thuốc phun xịt ngay khi mầm bệnh mới phát sinh. Quan niệm của ông Trung khá đơn giản: “Làm vườn thì phải siêng năng, chăm chỉ, đất đai, cây cối mới không phụ công người”.
Để sầu riêng phát triển tốt, ông Trung mua thêm phân bò, phân gà bón cho cây (trung bình 100kg/gốc). Khi sầu riêng kết trái, ông dùng phân kali chuyên dụng để bón. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Nếu dùng phân kali đỏ, hàm lượng clo cao sẽ kích thích lá phát triển. Chất dinh dưỡng không tập trung vào trái, dẫn đến trái bị sượng. Nếu chọn phân kali trắng (công nghệ của Pháp, Thụy Sĩ) để bón, trái sầu riêng sẽ to, mập hơn”. Ông Trung cũng tỉa bỏ một số trái ở nách cây, giúp cây thoáng, có sức nuôi các trái còn lại phát triển to đều.
Nhờ chăm sóc tốt, vườn sầu riêng của gia đình ông Trung cho năng suất cao. Trung bình mỗi trái nặng 2,5-3kg, có trái nặng trên 10kg. Mùa sầu riêng chín rộ, ông Trung bán cho thương lái ở tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trung kết luận: Nếu sầu riêng thắng vụ, người trồng sẽ có thu nhập cao gấp 3 lần trồng cao su. “1 ha cao su hiện nay, cao lắm cho thu nhập 160 triệu đồng/năm, nhưng tôi chỉ có 3 sào sầu riêng cũng thu hơn 100 triệu đồng/năm. Trừ tiền phân bón, cũng còn hơn 90 triệu đồng”, ông Trung nhẩm tính. Nhờ thu nhập ổn định từ vườn sầu riêng, ông Trung đã có tiền đầu tư trồng thêm vườn mít Thái và chăm lo cho con ăn học.
THOÁT NGHÈO NHỜ TRỒNG MĂNG ĐIỀN TRÚC
Hơn 10 năm qua, ông Phan Văn Sáu ở ấp 2, xã Thành Tâm gắn bó với cây măng Điền Trúc bởi 4 lý do: Măng Điền Trúc dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, thu nhập khá (ông Sáu thu lời trên 200 triệu đồng/năm từ loại cây này).
Nói về cơ duyên đến với cây măng Điền Trúc, ông Sáu kể: Năm 2003, gia đình ông chuyển đổi vườn nhãn sang trồng măng tre. 18 tháng sau, vườn măng cho thu hoạch. Nhận thấy măng Điền Trúc dễ trồng, thu nhập ổn định nên gia đình ông Sáu gắn bó với loại cây này. Ngoài kỹ thuật bón phân, duy trì độ ẩm bằng vòi tưới tự động, ông Sáu còn chú ý đến việc nuôi dưỡng cây mẹ, giúp các khóm măng mọc nhanh, đều.
350 khóm Điền Trúc của gia đình ông Sáu cho thu hoạch ngay từ đầu tháng 5 với sản lượng 200kg măng tươi/lần (2 ngày/lần). Đây là thời điểm đầu vụ, nên măng tre được thương lái từ tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đến tận nhà thu mua với giá 20-22 ngàn đồng/kg. Sau mỗi lần thu hoạch, ông Sáu thu về từ 4 đến 4,5 triệu đồng. Tháng 7, tháng 8 măng mọc nhiều, giá hạ. Ông Sáu không bán ra thị trường mà đem măng về muối để dành. Hết vụ măng tươi, ông mới đem măng muối ra bán.
Khoảng đầu tháng 9, ông Sáu đốn hạ tre già theo nguyên tắc: Giữ lại một gốc già làm cây mẹ để nuôi măng non trưởng thành. Đây là giai đoạn dưỡng lại các khóm tre, chuẩn bị cho vụ măng tới. Ông Sáu không giấu niềm vui: “Nhờ cây măng Điền Trúc, gia đình tôi đã thoát nghèo, có nhà cửa khang trang. Tôi còn sắm được chiếc xe bán tải cho con trai nhận chở hàng”.
Có thể bạn quan tâm

Kinh tế trang trại (KTTT) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KTTT còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nhiều tiêu chí rất khó đạt để chứng nhận chuẩn trang trại, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách, để trang trại có điều kiện phát triển bền vững.

Anh Hùng cho biết, qua thời gian tìm tòi, khảo sát anh thấy ở một số nơi đã xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích cần để xây dựng mô hình nhỏ, tốn ít thời gian chăm sóc, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đầu ra lại ổn định nên quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi thử theo phương thức nuôi nhốt.

Do khâu sau thu hoạch yếu kém, hàng năm có khoảng 4,2 triệu tấn rau quả mất đi. Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giáo sư Đại học RMIT (Úc) tính toán khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của rau quả lên đến 30% trong tổng số 14 triệu tấn rau quả sản xuất ra năm 2013.

Để khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Bình”.

Trong khi đó, đối với chăn nuôi, con giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Để có được nguồn giống tốt, tỉnh đã duy trì Trại giống lợn Tân Thái, nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng hơn 30 năm (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Giống vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT).