Đào Tạo Lại Đánh Bắt Cá Ngừ

Sau chuyến XK cá ngừ đầu tiên đi Nhật vào ngày 5/8/2014, với những kết quả chưa được như mong đợi, để bước vào mùa XK mới tháng 11 này, Bình Định đang có những bước chuẩn bị kỹ càng hơn...
Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, một thành viên của đoàn công tác tỉnh này sang Nhật Bản vào những ngày cuối tháng 10 vừa qua, cho biết: “Trong chuyến công tác tại Nhật Bản vừa qua, đoàn Bình Định đã có buổi làm việc với tỉnh Okinawa xung quanh con cá ngừ đại dương. Hai bên đã bàn bạc cụ thể nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cá ngừ đại dương tại thị trường Nhật Bản”.
Trong chuyến công tác, đoàn công tác tỉnh Bình Định đã có dịp tham quan chợ đấu giá Osaka. Sau chuyến tham quan, ai nấy trong đoàn đều cảm thấy buồn, vì chợ đấu giá không có mặt cá ngừ đại dương của Việt Nam, trong khi cá ngừ đại dương của hầu hết các nước trong khu vực đều có.
“Thực tế này khiến chúng tôi quan tâm hơn đến những tư vấn của các chuyên gia ngành thủy sản ở tỉnh Okinawa về cách nâng cao chất lượng cá ngừ để từng bước chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản”, ông Phan Trọng Hổ, cho biết.
Theo các chuyên gia thủy sản Nhật Bản, Bình Định đừng vội mở rộng mô hình thí điểm đánh bắt cá ngừ đại dương XK sang Nhật lên 20-30 tàu như tỉnh này dự kiến. Thời điểm này, Bình Định nên cần giữ đội tàu trong mô hình từ 5 đến 10 chiếc.
“Để thay đổi tập quán đánh bắt của ngư dân quả là không dễ, tuy nhiên, dù khó chúng tôi vẫn quyết tâm làm, để tạo được uy tín của cá ngừ đại dương Bình Định tại thị trường Nhật Bản. Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, chúng tôi cũng mong ngư dân hiểu ra việc tuân thủ kỹ thuật đánh bắt mới, sản phẩm được thị trường Nhật Bản chấp nhận chính là sự sống còn của nghề về lâu, về dài”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.
Trong phạm vi hẹp, ngành chức năng càng dễ hướng dẫn sâu sát cho ngư dân kỹ thuật đánh bắt, bảo quản, có như vậy mới kiểm soát được chất lượng cá ngừ đánh bắt được, đó là điều kiện tiên quyết để con đường XK cá ngừ đại dương đi Nhật được thong dong.
Sau khi chất lượng cá ngừ của Bình Định đã được thị trường Nhật chấp nhận, lúc ấy nhân rộng mô hình cũng không muộn.
Theo ông Hổ, để cải thiện thu nhập cho ngư dân chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ở Bình Định, các chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu cải tiến thiết bị câu, từ 1 dây nâng lên 3-4 dây để cùng lúc câu được nhiều cá. “Trong tháng 11 này các chuyên gia Nhật Bản sẽ lại sang Bình Định để phổ biến thiết bị câu mới”, ông Hổ cho biết.
Sau khi bàn bạc về cách hướng dẫn rộng rãi, sâu sát cho ngư dân tham gia mô hình nhanh chóng tiếp cận, thực hành đúng những kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ, các chuyên gia Nhật Bản đặc biệt “thúc” Bình Định nhanh chóng trang bị tàu dịch vụ hậu cần để thu gom cá ngừ đưa về bờ đúng thời hạn để chuyển đi Nhật Bản.
Hiện nay, dù chưa vào vụ đánh bắt chính, nhưng Bình Định đang cử 1 tàu trong mô hình ra khơi đánh bắt cá ngừ đại dương theo kỹ thuật mới.
Trên tàu này, ngành chức năng cử 2 cán bộ cùng đi với ngư dân, mang theo cả thiết bị kiểm tra thân nhiệt của cá để kiểm tra chất lượng, đồng thời hướng dẫn ngọn ngành từng động tác trong đánh bắt, nhất là những công đoạn bảo quản cá sau đánh bắt cho ngư dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để cá ngừ đạt chất lượng cao nhất.
Nhất là sau chuyến đánh bắt thí điểm cá ngừ đại dương XK sang Nhật trong tháng 8 vừa qua, ngư dân trực tiếp đánh bắt bộc lộ điểm yếu nhất là khâu xử lý giữa 2 công đoạn ngâm cá từ hầm hạ nhiệt chuyển sang hầm ngâm lạnh. Do chủ quan nên ngư dân không tuân thủ đúng thời gian, khiến cá bị cháy thịt, mất chất lượng.
Sau chuyến biển này, trước khi vào chính vụ đánh bắt mới (tháng 11/2014), ngành chức năng Bình Định sẽ tổ chức tập huấn cho toàn bộ ngư dân các tàu làm mô hình thí điểm để mỗi thuyền viên đều nhuần nhuyễn từng thao tác.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi đi thực tế thăm mô hình trình diễn điểm thực nghiệm thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên đất lúa ở tiểu vùng BT 10 và BT 11 xã Phú Thuận, các nhà khoa học, quản lý Nhà nước và nông dân đã cùng nhau thảo luận về hiệu quả, khó khăn, thuận lợi của mô hình, để có hướng tháo gỡ và đánh giá nhân rộng.

Xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của làng nấm Đông Nam Bộ giờ đây không còn những nụ cười tươi rói như ngày nào do hàng trăm hộ trồng nấm đang phải “treo trại”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của các làng nghề trồng nấm từ trước tới nay được thương lái thu gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ, tổng diện tích mặt nước toàn tỉnh có thể nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là 6.925 ha, trong đó 2.500 ha hồ chứa vừa (Hồ Núi Cốc), 1.140 ha hồ chứa nhỏ, 2.285 ha ao gia đình và 1.000 ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa…

Hiện Việt Nam có khoảng 60.000 héc ta hồ tiêu, nhưng theo qui hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích trồng loại nông sản này được giới hạn ở mức 50.000 héc ta.

Bắt đầu từ năm 2012, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuât- thương mại và du lịch Thanh Mai đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học sản xuất ra một loại thực phẩm giàu protein, vitamin tổng hợp có hoạt tính sinh học cao từ giống Tảo xoắn Spirulina – một nguồn dinh dưỡng quý giá của tự nhiên.