Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đảo Cá Trên Sông Sêrêpôk

Đảo Cá Trên Sông Sêrêpôk
Ngày đăng: 18/08/2014

Nằm ở lưu vực sông Sêrêpôk đoạn qua xã Ea Na, huyện Krông Ana, nơi nối liền hai huyện Krông Ana (tỉnh Dak Lak) và huyện Krông Nô (tỉnh Dak Nông) có một trang trại cá diêu hồng, với sản lượng cá xuất ra hàng ngày lên tới 3-5 tấn. Vì nằm trên cồn, biệt lập với đất liền nên người dân quanh vùng đặt tên cho nơi này là "đảo cá".

Gặp ông Lê Văn Quốc, chủ trang trại cá Minh Nguyên, chúng tôi rất ngạc nhiên vì ông và toàn bộ công nhân ở đây đều không phải người bản địa mà hầu hết là dân miền Tây Nam Bộ. Tham gia đánh bắt nuôi trồng thủy sản từ thời trai trẻ, đến nay ông Quốc đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghề.

Ban đầu ông mở trang trại chăn nuôi cá diêu hồng tại Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để bán cho thị trường Tây Nguyên, nhưng do việc vận chuyển cá từ miền Nam đến Tây Nguyên khá xa, chi phí lại cao, thời gian vận chuyển lâu, khiến cá không còn được tươi ngon ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành.

Trong những lần vận chuyển hàng đến Dak Lak, nhận thấy lưu vực sông Sêrêpôk rất phù hợp cho mô hình nuôi cá, vì bảo đảm lượng nước trong mùa hạ, dòng chảy không bị ô nhiễm từ các nhà máy, thuận tiện trong thông thương buôn bán...ông đã thuê lại hơn 4.000m2 diện tích mặt nước sông và mua lại 7ha đất cồn thuộc địa bàn thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na để phát triển mô hình nuôi cá diêu hồng.

Trang trại thành lập từ năm 2013, ban đầu nơi đây là cồn cỏ hoang biệt lập với đất liền, lại không có điện, việc vận chuyển nguyên liệu xây dựng cơ sở hạ tầng và ráp giàn bè hoàn toàn bằng xuồng, thuyền nên gặp rất nhiều khó khăn.

Không nản chí, ông đầu tư 600 triệu đồng để kéo điện về cho "đảo cá", và hơn 20 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, giàn bè nuôi, thuyền máy, phà lớn...Ông nhập giống cá bột từ miền Tây về nuôi cấy, theo dõi kỹ các chỉ số cá trên từng dèo để chăm sóc cho phù hợp, chọn đội ngũ công nhân làm việc trên đảo có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi cá...

Chỉ sau 2 năm, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định và chỉ nuôi giống cá diêu hồng, vì đây là nguồn hàng có thị trường khá rộng, tỷ lệ thành công lớn, giá bán ra tương đối cao... Hiện trang trại có gần 70 dèo cá, với hơn 1,2 triệu con, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động, với mức lương ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Gọi là "đảo" nhưng ở đây thứ gì cũng có, nắm bắt tâm lý công nhân làm việc trên đảo biệt lập rất buồn chán, nhớ nhà nên ông Quốc đã mạnh tay đầu tư hệ thống ti vi, internet, dàn karaoke cho anh em thư giãn sau 1 tuần làm việc mệt mỏi. Mỗi kg cá được bán với giá từ 40.000-45.000 đồng, trang trại Minh Nguyên luôn bảo đảm nguồn hàng chất lượng và ổn định cho thị trường Dak Lak và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có một số người dân đánh bắt nhỏ lẻ, vì chút lợi nhuận cá nhân mà ngang nhiên kích điện cá trên dòng sông và cả trong khu vực nuôi thả của trang trại Minh Nguyên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trên lưu vực sông Sêrêpôk và việc nuôi trồng của trang trại, ông Quốc đã không ít lần phải nhờ đến lực lượng an ninh địa phương can thiệp, nhưng tình hình trên không được cải thiện là mấy.

Ông Nguyễn Đức Chơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, hiện nay ngoài trang trại cá Minh Nguyên, "đảo cá" còn có thêm 1 trang trại nuôi cá lóc và cá rô phi với quy mô tương đối lớn của một hộ khác. Xã Ea Na có đường sông đi qua nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản và thực tế có một số hộ dân tập hợp lại thành hợp tác xã nuôi cá, nhưng do hạn hẹp về nguồn vốn và thiếu kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả không cao.

Trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tham mưu cho các ban, ngành liên quan về việc hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá trên sông Sêrêpôk giúp người dân phát triển nghề bền vững, ổn định cuộc sống lâu dài, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Bắc Sông Cửu An Vùng Nuôi Thủy Sản Tập Trung Bắc Sông Cửu An

Hiện nay, người nuôi cá thuộc dự án nuôi thủy sản tập trung bắc sông Cửu An (Ninh Giang - Hải Dương) đang gặp khó khăn về giao thông, nguồn nước...

29/09/2013
Nhiều Doanh Nghiệp Mua Lúa Giống Với Giá Có Lợi Cho Nông Dân Nhiều Doanh Nghiệp Mua Lúa Giống Với Giá Có Lợi Cho Nông Dân

Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, năm 2013 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới thiếu hụt nghiêm trọng tác động xấu đến Chương trình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) năm 2013. Tuy vậy, nhờ nỗ lực của nông dân và nhiều cơ quan, đơn vị tham gia, Chương trình đã thành công ngoài mong đợi.

29/09/2013
Những Vấn Đề Thách Thức Đối Với Cây Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị) Những Vấn Đề Thách Thức Đối Với Cây Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị)

Cho đến nay, cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị).

29/09/2013
Gừng Nhóng Giá, Hút Hàng Gừng Nhóng Giá, Hút Hàng

Hiện nay, gừng củ tại các chợ không đủ nguồn hàng để cung cấp cho thị trường. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) cho biết: Đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch nên nguồn cung giảm đáng kể khiến giá gừng tăng lên.

29/09/2013
Cần Sớm Có Nghị Định Để Gỡ Khó Cho Ngành Cá Tra Cần Sớm Có Nghị Định Để Gỡ Khó Cho Ngành Cá Tra

Trong 3 năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản do thị trường xuất khẩu sụt giảm. Thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê cũng làm ngành cá tra điêu đứng.

01/10/2013