Đắng lòng chung cảnh dưa hấu rớt giá

Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, những ngày qua, nhiều diện tích dưa hấu của bà con nông dân trong tỉnh Quảng Bình đã đến giai đoạn thu hoạch tuy nhiên không có thương lái đến mua, giá rớt xuống từng ngày.
Anh Hồ Thanh Vui (tiểu khu Sao Vàng, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) cho biết, mấy ngày qua anh chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm người mua nhưng vẫn chưa có ai chịu đến hỏi thăm.
Được biết, vụ này gia đình anh Vui đã chung vốn với gia đình anh Tuấn Anh (tiểu khu 2, thị trấn Nông trường Việt Trung) 100 triệu đồng để đầu tư trồng 2,5 ha dưa hấu.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cũng như năng suất cây dưa. Anh Vui chia sẻ: “Năm nay, đầu mùa có mưa giông nhiều nhưng giữa vụ và cuối vụ lại nắng hạn nên cây dưa phát triển rất nhanh, chúng tôi phải vất vả ngày đêm tưới nước, thụ phấn, tuyển dưa, kê dưa sao cho kịp với từng giai đoạn phát triển của dưa. Mỗi ngày chúng tôi phải thuê từ 10 đến 15 lao động để chăm sóc dưa. Vậy nhưng dưa lại cho quả không to vì thiếu nước, mối, sâu bệnh nhiều”.
Để có được những quả dưa chín đỏ, người trồng dưa đã phải dầm mưa dãi nắng, ăn ngủ cùng ruộng dưa khoảng 2,5 - 3 tháng. Những trái dưa hấu xanh vỏ, đỏ ruột cùng vị ngọt ngào có xen lẫn vị mặn mồ hôi... Vậy nhưng công sức của họ giờ đây chẳng được đền đáp xứng đáng, giá dưa lên xuống mỗi ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại giá dưa là 3.600 đồng/kg (ngày 16-4-2015). Theo nhận định của người dân trồng dưa trên địa bàn tỉnh thì nguy cơ giá dưa còn giảm. Anh Vui cho biết, “những ngày trước đó cũng có nhiều gia đình đã bán được dưa với giá 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg. Nhưng những ruộng dưa chín muộn như gia đình tôi thì giờ rất lo lắng vì giá dưa đã giảm mà thương lái thì không hỏi mua. Có nhiều thương lái vẫn đến nhưng chỉ ngồi uống nước ở những quán nước gần đấy rồi về”.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng dưa nhưng chưa bao giờ anh Vui thấy dưa rớt giá thê thảm như năm nay, giờ anh Vui chỉ mong sao bán được dưa lấy lại số tiền vốn bỏ ra để trả nợ cho ngân hàng.
Đắng lòng hơn cả anh Vui, là một số gia đình trồng dưa ở thị trấn Nông trường Việt Trung rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” như gia đình anh Thanh, anh Thắng (tiểu khu Sao Vàng) đã có thương lái đặt cọc mua trước đó với giá rất cao. Tuy nhiên đến vụ thu hoạch giá thị trường lại thấp hơn nhiều nên các thương lái này đã bỏ tiền cọc luôn không mua nữa, những ruộng dưa đã cắt quả của các gia đình này rơi vào cảnh không tìm được người mua khác thì coi như bao nhiêu công sức đều đổ sông, đổ biển.
Công sức và tiền của đầu tư cho cây dưa không phải là ít, nhưng hiệu quả thế nào thì phải ngồi bó gối chờ vận may đang là thực trạng hiện nay của người trồng dưa. Giờ đây người dân thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng, người dân trồng dưa Quảng Bình nói chung đang rất trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương giúp họ có được hướng giải quyết cho vụ dưa của mình.
Cũng thiết nghĩ, điệp khúc “được mùa, rớt giá” đã tái diễn quá nhiều trong những vụ mùa của bà con nông dân, bởi người trồng dưa chỉ trồng chứ không nắm chắc được thị trường. Mong sao thời gian tới, các cấp chính quyền, các sở, ngành có liên quan sẽ đưa ra được những định hướng, chính sách cụ thể về việc trồng dưa để nỗi lo âu, trăn trở không còn nữa trên khuôn mặt những nông dân mỗi khi mùa dưa đến.
Có thể bạn quan tâm

Hải Dương là một xã vùng cát ven biển huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với các đặc điểm là đất cát và đồng bằng, cùng với lũ lụt, hạn hán, và nhiễm mặn là những mối đe dọa thường xuyên trên địa bàn.

Được sự ủng hộ của gia đình và người thân, năm 2013 anh Trần Cao Khải, thôn Hương Đà, xã Thiện Kế (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) nhận thầu gần 2ha đất nông nghiệp của Công ty TNHH một thành viên nông-công nghiệp Tam Đảo để đầu tư xây dựng trên 3.000m2 nhà lưới trồng hoa lan, diện tích đất còn lại anh trồng cây Đinh lăng, một loại cây dược liệu được sử dụng trong nhiều sản phẩm nam dược.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.896ha diện tích xoài cát Hòa Lộc, tập trung ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ, TP.Vị Thanh. Theo đó, nông dân sản xuất 2 vụ xoài/năm: vụ chính từ tháng 8 đến 12, vụ nghịch từ tháng 1 đến 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có quyết định phê duyệt dự án “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cá sặc rằn và phát triển mô hình nuôi ghép cá sặc rằn với cá thát lát còm bằng thức ăn công nghiệp giai đoạn 2014-2015”

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có 8 hợp tác xã (HTX) nghêu, gồm: Thạnh Lợi, Bình Minh, Thạnh Phong, Thanh Bình (Thạnh Phú); Tân Thủy, Bảo Thuận, An Thủy (Ba Tri); Rạng Đông, Đồng Tâm (Bình Đại).