Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dân xã Yên Bình lo nguồn nước nuôi cá

Dân xã Yên Bình lo nguồn nước nuôi cá
Ngày đăng: 28/10/2015

Nông dân xã Mông Sơn, huyện Yên Bình phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.

Với mục đích phát triển đa dạng các ngành nghề, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân trong xã, những năm qua, xã Yên Bình (huyện Yên Bình) đã vận động nhân dân tận dụng diện tích ao, hồ sẵn có để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, hiện nay, một số cơ sở chế biến tinh bột sắn của địa phương và các xã lân cận đã khiến nguồn nước tại các ao, hồ trên địa bàn xã bị ô nhiễm nặng, gây khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân trong xã.

Là một trong 2 hộ dân có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất, nhì của xã, gia đình ông Trần Xuân Trung ở thôn Cây Thị có diện tích hơn 1,2 ha mặt nước hồ.

Toàn bộ diện tích này là hồ trung chuyển làm nhiệm vụ tưới tiêu cho diện tích hoa màu của thôn, đầu nguồn giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang và xã Bạch Hà (huyện Yên Bình).

Có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản từ trước, ông Trung mạnh dạn nhận đầu thầu với xã để nuôi cá.

Những năm đầu tiên khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, bình quân mỗi năm, gia đình ông cũng thu lãi trên 30 triệu đồng nhưng 2 năm trở lại đây, một số nhà máy sắn của tỉnh Tuyên Quang đưa vào hoạt động và những máy sắn mi ni của các hộ dân xã Bạch Hà mọc lên đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Hiện tại, gia đình ông Trần Văn Chiến đã phải đào thêm ao nhỏ để nuôi cá khi nguồn nước hồ bị ô nhiễm.

Năm 2014, các nhà máy sắn hoạt động đã khiến toàn bộ số cá trong ao của gia đình ông mất trắng.

Chỉ sau một đêm, nguồn nước đang trong xanh bỗng trở lên đen ngòm, cá nổi trắng xoá trên mặt nước.

Bỏ thì không đành vì đã trót tâm huyết và mất công sức để nạo vét cải tạo, do vậy, từ chỗ nuôi một năm, ông Trung đành phải rút ngắn thời gian xuống còn 5 tháng.

Trước khi các nhà máy sắn đi vào hoạt động, gia đình ông phải đánh hết cá để bán.

Thời gian ngắn nên trọng lượng cá nhỏ, giá không cao.

Nếu nuôi một năm thu lãi 30 triệu đồng thì nửa năm chỉ được hơn 10 triệu đồng.

Gia đình ông Trần Văn Chiến ở thôn Đức Tiến 1 cũng vậy.

Nhận đấu thầu diện tích đầm hơn 1,5 ha, là hội viên Hội Cựu chiến binh xã nên ông Chiến mong muốn phát triển mô hình nuôi cá để làm điểm và nhân rộng ra các chi hội trong xã.

Song nhận thầu được 6 năm thì 3 năm nay không thu được 1 đồng tiền lãi nào.

Theo ông Chiến, hàng năm, bắt đầu vào khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 4 Âm lịch năm sau, các nhà máy sắn đi vào hoạt động mà diện tích của gia đình đấu thầu là hồ thuỷ lợi để tưới tiêu cho cho toàn bộ diện tích lúa của thôn và một số diện tích thôn lân cận song đầu nguồn của hồ lại bắt nguồn từ Tuyên Quang và xã Bạch Hà.

Bởi vậy, khi các nhà máy trên địa bàn của các địa phương này đi vào hoạt động, nguồn nước hồ bị ô nhiễm.

Những năm trước, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, bình quân mỗi năm, gia đình ông cũng thu lãi tới trên 50 triệu đồng.

Khoát một vòng tay rộng chỉ về mặt hồ đang trong lành, ông Chiến cho biết, chỉ một tháng nữa thôi, mặt nước sẽ trở lên đen ngòm, hôi thối không thể ngửi nổi.

Năm ngoái, gia đình đầu tư 17 triệu đồng tiền cá giống mà chỉ thu được có 6 triệu đồng.

Năm nay, gia đình cũng đầu tư hơn 18 triệu đồng tiền cá giống nhưng với thời gian nuôi chỉ có 6 tháng, trọng lượng cá nhỏ chắc cũng lỗ nặng.

Hiện tại, gia đình ông đang đào thêm một chiếc ao để kéo cá ở hồ sang sống tại đó để bán dần bởi nếu chỉ nấn ná thêm vài ngày - khi các nhà máy sắn đi vào hoạt động sẽ mất trắng hoàn toàn.

Không chỉ riêng ông Chiến mà tất cả 7 hộ nuôi cá trong thôn Đức Tiến 1 cũng bi thiệt hại nặng nề từ sự ô nhiễm của nguồn nước, nhiều hộ đã bỏ hẳn để ao không quay sang hướng làm ăn khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Quốc Toàn - Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: "Hiện tại, trong tổng số 10,6 ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, diện tích bị ô nhiễm chiếm tới quá nửa, không chỉ khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tưới tiêu cho một số diện tích lúa và hoa màu trong xã khi thời điểm các nhà máy sắn hoạt động.

Trước tình hình này, xã cũng đã thành lập đoàn kiểm tra làm việc với các hộ chế biến tinh bột sắn trong xã và các xã lân cận".

"Đối với các cơ sở chế biến tinh bột sắn của xã, nếu không bảo đảm về vấn đề môi trường thì xã sẽ tiến hành xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, đối với những địa phương khác, xã đã có văn bản gửi huyện.

Huyện cũng đã có đoàn kiểm tra song chưa có gì chuyển biến.

Bình thường, nếu nguồn nước không bị ô nhiễm thì với diện tích 10,6 ha bình quân mỗi năm cũng mang lại nguồn thu cho người dân trong xã trên 7 tỷ đồng, còn như hiện tại, nuôi ngắn ngày thì thiệt hại mất quá nửa" - Chủ tịch Toàn nói.

Là xã thuần nông, ngành nghề phụ chậm phát triển, với mong muốn tăng tỷ trọng giá trị nông - lâm - ngư nghiệp để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân song với tình trạng như hiện nay thì nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Yên Bình có lẽ khó có thể tồn tại nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện tới tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Dự Án Trồng Rừng “KfW6” Tại Bình Định: 15.000 Hộ Dân Có Sinh Kế Dự Án Trồng Rừng “KfW6” Tại Bình Định: 15.000 Hộ Dân Có Sinh Kế

Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững (còn gọi là Dự án KfW6) do Chính phủ Đức hỗ trợ vốn được triển khai tại Bình Định từ năm 2006. Đến nay dự án đã cho hiệu quả khả quan...

14/06/2012
Hướng Đến Việc Chủ Động Nguồn Nguyên Liệu Cá Tra Xuất Khẩu Ở Cần Thơ Hướng Đến Việc Chủ Động Nguồn Nguyên Liệu Cá Tra Xuất Khẩu Ở Cần Thơ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến nay, diện tích thả nuôi cá tra của toàn thành phố là 978ha, tăng hơn 16,6% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt hơn 103.085 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2011.e

30/09/2012
Cây Nho Ninh Thuận, Vì Sao Lận Đận? Cây Nho Ninh Thuận, Vì Sao Lận Đận?

Gần như là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những yếu tố để phát triển cây nho, nhưng thương hiệu nho Ninh Thuận lại chưa có một vị thế xứng tầm.

19/05/2012
Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống Mô Hình Không Dùng Hóa Chất Xử Lý Hạt Giống

Ngoài các biện pháp kỹ thuật đang được phổ biến như "một phải năm giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm phân đạm, giảm thuốc BVTV, giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), mô hình còn áp dụng tuyệt đối không dùng bất cứ hóa chất nào để xử lý hạt giống trước lúc gieo sạ.

16/07/2012
Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi

Là người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, anh Chu Văn Hợp, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), hiện là chủ nhân của 300 gốc cây thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình sản xuất mới, phù hợp với vùng đất miền núi khô cằn, đang được nhiều hộ dân học tập theo.

01/10/2012